Tới ngao cũng bị ép... đẻ non, đẻ cưỡng

Khi đưa con ngao ra Bắc nuôi lúc đầu nhập giống từ phía Nam, sau này cũng đã sản xuất được giống tại chỗ. Khi phong trào nuôi ngao phát triển mạnh nhiều người đã nhập giống từ Trung Quốc, Đài Loan. Công nghệ sản xuất giống nhân tạo là bắt con ngao bố mẹ, gây sốc bằng hóa chất hoặc bằng nhiệt độ...

Ngao giống đang bị thừa, năm 2012 giá giống cao từ 8-10 đồng/con thì năm 2013 chỉ còn 1-2 đồng. Ngoài ra, thừa giống dẫn đến giá rẻ và thả mật độ dầy.

 Ông Dương Tiến Thể (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục Thú y, nguyên là Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) đã có những kiến giải chuyên sâu với NNVN về hiện tượng con ngao miền Bắc giá thấp, khó tiêu thụ…

 

Ông có thể cho một thông tin toàn cảnh về tình hình con ngao ở phía Bắc?

- Nuôi ngao nước ta hiện chủ yếu là giống ngao Bến Tre. Loại ngao này đã đi được vào thị trường châu Âu, trở thành một thế mạnh của Việt Nam, mỗi năm thu về được khoảng gần 70 triệu đô la xuất khẩu.

Trước đây con giống ngao Bến Tre hoàn toàn là do nguồn tự nhiên ngoài biển, người ta chỉ việc cắm chà bảo vệ bãi giống tự nhiên rồi thu hoạch. Vùng ngao chủ yếu ở phía Nam là Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau.

Ngao là mặt hàng đã được xuất khẩu sang châu Âu vì đã được Hội đồng Bảo tồn Biển Quốc tế cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Thương hiệu MSC. Châu Âu họ không tiêu thụ ngao sống như mình mà yêu cầu phải hấp chín.

Ngao nuôi ở miền Bắc vỏ dầy, phần thịt rất ít nên khó tiêu thụ hơn ngao phía Nam, đây là một vấn đề đang tồn tại.

Khi đưa con ngao ra Bắc nuôi lúc đầu nhập giống từ phía Nam, sau này cũng đã sản xuất được giống tại chỗ. Khi phong trào nuôi ngao phát triển mạnh nhiều người đã nhập giống từ Trung Quốc, Đài Loan. Công nghệ sản xuất giống nhân tạo là bắt con ngao bố mẹ, gây sốc bằng hóa chất hoặc bằng nhiệt độ.

Nhiều trại sản xuất giống chọn ngao bố mẹ cỡ nhỏ (để làm giống bố mẹ tốt thì phải chọn cỡ 30-40 con/kg). Ngao bố mẹ nhỏ chỉ 50 con/kg, chưa thành thục bị đưa vào môi trường gây sốc. Bằng phản vệ sinh học, để duy trì nòi giống, chúng sẽ thành thục thật nhanh và phóng sản phẩm sinh dục ra ngoài. Nghĩa là bằng tác động gây sốc để ép sinh sản đồng loạt, ngao bố mẹ chưa thành thục là ép đẻ non.

Sinh sản nhân tạo mặc dù tạo được số lượng giống lớn nhưng chất lượng lại thấp. Đến vụ sau người ta lại lấy những con ngao ở bãi nuôi bằng giống sinh sản nhân tạo năm trước để làm bố mẹ. Nhiều vụ lặp lại như thế chúng thoái hóa, chậm lớn, cỡ nhỏ dần.

Cộng với việc nuôi ở vùng sinh thái ven biển miền Bắc có mùa đông lạnh, con ngao sẽ phải tự thích ứng, vỏ nó ngày một dầy lên để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt hơn. Ngoài ra các tỉnh phía Bắc nuôi mật độ rất dầy, năng suất cực cao. Ở trong Nam nuôi trung bình chỉ 10 tấn/ha nhưng ngoài Bắc có nơi nuôi tới 60 tấn/ha.

Mật độ giống thả quá dầy thì thức ăn ở đâu ra? Ngao lọc nước lấy thức ăn phù du tự nhiên. Quy trình kỹ thuật nuôi ngao ở phía Bắc chưa có mà nuôi theo cảm hứng, kinh nghiệm, thả dày quá sẽ vừa thiếu thức ăn vừa ô nhiễm môi trường do dịch tiết và chất thải của ngao cũng là điều kiện để dịch bệnh dễ phát triển. Đó là những lý do làm cho ngao nuôi ở miền Bắc chậm lớn, cỡ nhỏ, vỏ dầy, ruột ít.

Các tỉnh phía Nam hiện nay tiêu thụ ngao vẫn chủ yếu là xuất khẩu ngao hấp sang châu Âu. Ngao miền Bắc chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa. Việc xuất tiểu ngạch đã giảm từ hơn 2 năm nay rồi mà tiêu thụ nội địa cũng giảm mạnh.

Có lẽ việc khó tiêu thụ vì một lý do rất quan trọng là chất lượng. Ngao toàn vỏ, nặng như đá, ruột nhỏ, tỷ lệ ruột rất thấp. Mua một kg ngao về luộc chưa được một lạng ruột. Giá mua lẻ bây giờ tại Hà Nội là trên 15 nghìn/kg. Tính ra 1kg thịt ngao có giá tới khoảng 200 nghìn đồng là rất đắt so với các loại thực phẩm khác.

Trong khi đó ngao Bến Tre, Tiền Giang kích cỡ to hơn, tỷ lệ thịt cao hơn, các nhà máy xuất khẩu thu mua vào mới có lợi nhuận. Hiện ở phía Bắc đang còn tồn đọng khoảng 50-60 nghìn tấn ngao đã đến thời kỳ thu hoạch.

Ông có giải pháp nào cho tình trạng này?

- Các tỉnh đều đã có quy hoạch vùng nuôi ngao, diện tích phù hợp để thả ngao cơ bản đã khai thác hết. Giờ nhiều nơi nuôi cả ở những chỗ không phù hợp, bãi bị phơi nắng quá dài hoặc phơi lạnh quá lâu sẽ rất rủi ro.

Sản xuất giống hiện nay lúc được lúc không vì công nghệ chưa ổn định. Phần lớn người dân tự học lẫn nhau, học lỏm công nghệ của Trung Quốc khi người ta sang làm chia sản phẩm. Chỉ có một số cơ sở nhận chuyển giao của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I được tập huấn bài bản, hiểu được nguyên lý nên làm được giống tốt.

Tôi đã từng trao đổi là giống sản xuất kiểu làm chia sản phẩm mà nuôi sẽ khó lớn bởi mẹ đẻ non, khi ra con non lại phải dùng các loại thuốc để giữ cho đậu. Con non bị nhiễm các loại thuốc vào rồi khó phát triển bởi như một đứa trẻ con đã dùng nhiều kháng sinh thường còi cọc.

Trong sản xuất ngao giống, thức ăn của ấu trùng phải là tảo tươi, đằng này họ lại dùng thức ăn chế biến sẵn. Thức ăn này thiếu những axit amin và vi chất quan trọng không khác gì việc dùng sữa hộp thay cho sữa mẹ để nuôi trẻ con thì giống không thể tốt được.

Ở ta còn đang có tình trạng tranh nhau sản xuất ngao giống, tự “thổi” kinh lắm. Có lần tôi nghe một chủ trại khoe: “Cháu năm nay lãi hơn 20 tỷ” khiến ông bán đất cho chủ trại đó đứng gần đấy chết đứng ra. Ông này lập tức về đầu tư luôn 2 trại ngao giống vì nghĩ lời thế thì không cái gì bằng.

Vì thế ngao giống đang bị thừa, năm 2012 giá giống cao từ 8-10 đồng/con thì năm 2013 chỉ còn 1-2 đồng. Hiện nay Thái Bình có trên 2.000 ha và Nam Định có khoảng 1.500 ha nuôi ngao mà vùng này sản xuất được trên 20 tỷ ngao giống/năm, chưa kể đến còn nhập nơi khác về. Như vậy là thừa giống dẫn đến giá rẻ và thả mật độ dày.
 

Một trang trại nuôi ngao

Giải pháp theo tôi là các địa phương cần rà soát lại quy hoạch chi tiết vùng nuôi, chỉ cho nuôi ở nơi có điều kiện thuận lợi nhất. Cơ quan nhà nước cần ban hành quy trình nuôi để hướng dẫn người dân nuôi đúng kỹ thuật. Không thả ở mật độ dầy 700-1.000 con/m2 mà thả giống cỡ lớn mật độ chỉ từ 150-200 con/m2. Nếu như vậy lượng giống không cần nhiều như hiện nay.

Đối với khâu giống, nên sử dụng giống tự nhiên từ các bãi ngao ở Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau là tốt nhất, chắc chắn ngao thương phẩm sẽ rất to. Những năm đầu tiên mang giống từ trong Nam ra Bắc nuôi trọng lượng rất lớn là vì thế. Cũng có thể dùng ngao tự nhiên của Tiền Giang, Bến Tre loại to để sản xuất nhân tạo giống.

Có bao giờ ông nghĩ đến khôi phục con ngao bản địa của miền Bắc?

- Ngao bản địa phía Bắc là ngao dầu hiện nay trong tự nhiên không nhiều, bị khai thác quá mức. Ngao dầu phù hợp với điều kiện sinh thái phía Bắc có thể phát triển nuôi nhưng không ai sản xuất giống nhân tạo để nuôi.

Muốn phát triển loại ngao này trước hết phải khoanh vùng để nuôi bố mẹ, bảo vệ bãi giống tự nhiên để khai thác giống cho nuôi, đồng thời phải nghiên cứu công nghệ sản xuất giống để chuyển giao cho sản xuất đại trà.

Theo ông, tương lai nào cho con ngao miền Bắc?

- Vẫn có tương lai chứ vì nó là thực phẩm cao cấp, giàu khoáng, kẽm rất tốt cho phái mạnh. Người tiêu dùng biết chuyện này nhưng vì ngao bây giờ rất ít ruột nên họ thấy đắt. Đi ăn nhà hàng, gọi bát canh ngao thì được ngay một bát nấu cả con, toàn vỏ. Thịt ngao có đâu mà chẳng thả nguyên con?

Có lần vào siêu thị tôi mua ngao loại A  giá 28.000 đồng/kg nhưng về luộc, chán quá toàn vỏ, chẳng có mấy thịt nên từ đấy gần như rất ít mua ngao. Nếu giá bán rẻ, tôi nhấn mạnh là giá thực sự tính trên trọng lượng ruột ấy thì người ta sẽ tiêu thụ ngao mạnh.

Thực tế sản lượng ngao hiện nay có thấm tháp gì đâu so với nhu cầu. Cả miền Bắc với dân số mấy chục triệu người chỉ có 60-70 nghìn tấn.

Cảm ơn ông!
Theo danviet.vn