Tổng kết 10 năm Nghị quyết 26: Phát huy vai trò nòng cốt của Hội ND
- Thứ hai - 23/07/2018 23:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đồng chí Thào Xuân Sùng (phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN phát biểu khai mạc Hội nghị.
Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư; đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành TƯ Hội NDVN.
Dến dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành như: Ban Tổ chức TƯ, Văn phòng Chính Phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Chủ tịch Ban Chấp hành TƯ Hội NDVN Thào Xuân Sùng cho biết: Qua kiểm tra nghiêm túc và sâu sát của Ban Chỉ đạo Tổng kết của Ban Thường vụ TƯ Hội NDVN tại Đảng bộ 4 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Yên Bái, Lạng Sơn và kết hợp với báo cáo của các Hội ND các tỉnh, thành phố; Tổ công tác của Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN đã biên tập báo cáo tổng kết. Dự thảo báo cáo nêu bật 6 kết quả nổi bật, 3 tồn tại, hạn chế, 6 kinh nghiệm và đề ra 4 nhiệm vụ giải pháp, đề xuất kiến nghị tám nội dung cụ thể:
Chủ tịch Thào Xuân Sùng cũng yêu cầu các đại biểu tham dự Hội nghị tích cực thảo luận về đóng góp ý kiến để xây dựng hoàn chỉnh báo cáo tổng kết, nhất là các nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết theo mục tiêu “Công nghiệp hóa nông nghiệp và tri thức hóa nông dân”, “Ly nông bất ly hương” nhằm xây dựng nông thôn mới đáng sống và hạnh phúc.
Các đại biểu đã cùng nhau đánh giá những thành tựu nổi bật trong 10 năm triển khai Nghị quyết 26 về Tam nông đó là vị trí, vai trò của Hội NDVN và vai trò chủ thể của giai cấp nông dân tiếp tục được phát huy. Nghị quyết 26 thể hiện chủ trương đúng đắn hợp lòng dân của Đảng. Việc triển khai đồng bộ, toàn diện nghiêm túc Nghị quyết 26 của các cấp Hội ND được hội viên nông dân hưởng ứng tích cực, khẳng định vai trò trung tâm, nòng cốt của phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới của tổ chức Hội.
Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư.
Chiếm 70% dân số và 43% lực lượng lao động của xã hội, từ khi Nghị quyết được triển khai vai trò chủ thể của nông dân thể hiện rõ nét hơn trong tham gia cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Dân chủ ở nông thôn từng bước thực hiện tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới; đời sống của nông dân tiếp tục được cải thiện, góp phần quan trọng duy trì phát triển kinh tế, ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận ở nông thôn, nâng cao niềm tin của nông dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Đáng chú ý, để góp phần tái cơ cấu có hiệu quả, T.Ư Hội đã ban hành nhiều Nghị quyết, duy trì và phát động phong trào “ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Trong 10 năm qua (2008 – 2018), bình quân hàng năm, số lượng hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp là hơn 6,2 triệu hộ chiếm 38,8% so với tổng số hộ sống ở nông thôn. Qua bình xét, có hơn 3,55 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu, chiếm 57,2 % số hộ đăng ký. Qua phong trào, hàng năm có trên 27.000 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng, số hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm năm 2017 tăng 5 lần so với năm 2012. Điểm nổi bật của phong trào 10 năm qua là bước đầu đã làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ chuyển sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng cho ý kiến về những tồn tại và hạn chế như: nông dân còn chưa tự chủ trong sản xuất và kinh doanh; nông dân tham gia vào chuỗi giá trị nông sản chưa đồng đều; việc tuyên truyền của một số tổ chức hội nông dân ở địa phương còn mang tính hình thức. Một số cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn chậm sửa đổi bổ sung chưa tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo Thu Hà (danviet.vn)