Tổng quan thị trường nông sản tuần đến ngày 20/1/2014

Tổng quan thị trường nông sản tuần đến ngày 20/1/2014
Trong tuần giá lúa gạo tiếp tục ở xu thế điều chỉnh khi ổn định đến giảm nhẹ. Cụ thể, tại ĐBSCL, giá lúa kho ổn định so với tuần trước đó, trong đó lúa hạt dài (lúa loại I) duy trì ở mức 5.900 – 6.000 đ/kg, lúa thường (loại II) ở mức 5.700 – 5.800 đ/kg.
 
 
Giá gạo nguyên liệu cũng cùng xu hướng, với loại I làm ra gạo 5% tấm duy trì ở mức 7.350-7.450 đ/kg, loại II làm ra gạo 25% ở mức 7.150-7.250 đ/kg.
 
Giá gạo thành phẩm xuất khẩu không bao bì tại mạn trong tuần giảm nhẹ. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan chào bán lại tăng khá.
 
Tại Việt Nam, các nhà xuất khẩu tuần qua giảm giá bán gạo xuất khẩu, bởi dự án nguồn cung sẽ tăng trong tháng tới, khi nông dân ở ĐBSCL bước vào vụ thu hoạch chính. Nhưng giá giảm cũng không hấp dẫn được khách hàng, như Trung Quốc, các nước châu Phi, Indoensia hay Philippine – những người đã mua hoặc có thể tìm tới gạo Thái Lan giá rẻ hơn.
 
Theo Hiệp hội Lương thực Việt nam, kết quả giao hàng từ ngày 01/12 đến ngày 31/12/2013 đạt 540,3 nghìn tấn, trị giá FOB 246,153 triệu USD, trị giá CIF 264,770 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu từ ngày 01/01 đến ngày 31/12/2013 đạt 6,681 triệu tấn, trị giá FOB 2,893 tỷ USD, trị giá CIF 3,019 tỷ USD.
 
Cà phê: Giá quay đầu giảm
 
Trong tuần qua, giá cà phê trong nước đã quay dầu giảm sau khi phục hồi khá trong tuần trước đó. Cụ thể, đến cuối tuần qua, giá cà phê nhân xô tại thị trường Đắk Lăk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Nông giảm từ mức 34.300 – 34.900 đ/kg (tùy địa phương và chất lượng) một tuần trước đó, xuống còn 33.200 – 33.800  đ/kg.
 
Giá cà phê xuất khẩu FOB Tp.HCM chào bán cũng giảm từ mức 1.727 USD/tấn xuống còn 1.706 USD/tấn. Mức trừ lùi chính thức của giá cà phê xuất khẩu chào bán của nước ta so với hợp đồng kỳ hạn chính giao tháng 03/2014 trên sàn London tuần qua vẫn là 0 USD/tấn.
 
Xu hướng giảm nhẹ trên thị trường cà phê London trong tuần qua là nguyên nhân chính khiến giá trong nước giảm theo.
 
Theo một số đại lý, thị trường nội địa Việt Nam đã xuất hiện nhiều lực mua của nhà đầu cơ nhỏ lẻ trong nước. Lực mua này đã giúp làm giảm bớt sức ép nguồn cung từ nhiều nông dân cần bán cà phê do nhu cầu tiền mặt chi tiêu ngày Tết.
 
Cao su: Xuất, nhập khẩu gặp khó
 
Những ngày gần Tết thị trường xuất nhập khẩu cao su thiên nhiên giữa các doanh nghiệp và thương gia Việt Nam và Trung Quốc giao dịch ảm đạm, giá giảm. Giá cao su xuất khẩu tuần qua lại tụt xuống. Sản phẩm cao su đóng bánh mã hiệu SRV3L chất lượng I của khối đơn vị quốc doanh còn có 13.800 NDT/tấn (tuần trước đó là 14.100 NDT/tấn). Sản phẩm cùng mã hiệu của lực lượng tư thương đạt chất lượng II ở mức giá xuất khẩu là 13.600 ND/tấn (tuần trước là 14.000 NDT/tấn). Số hợp đồng giao dịch giảm 25% so với đầu tháng 1/2014. Sản lượng cao su thực tết giao nhận tại các cửa khẩu phía Bắc hiện nay trung bình đạt 450 tấn/ngày, sụt giảm hơn 100 tấn so với tuần trước đó.
 
Nguyên nhân của tình trạng này là chưa được phân tích kỹ, nhưng những điều được biết ban đầu là do các doanh nghiệp và thương gia Trung Quốc chuyên nhập khẩu cao su từ nước ngoài hiện đang khan vốn trong khi ngân hàng đang cơ cấu lại đã siết chặt quy chế cho vay. Hai là  nhu cầu về nguyên liệu cao su thiên nhiên trên thị trường Trung Quốc giảm, do ngành sản xuất săm lốp mới bước vào những ngày đầu năm mới, định hướng chưa rõ ràng, dứt khoát…
 
Sắn và sản phẩm: Giá ổn định cho đến tăng
 
Tại Tây Ninh, giá mì nguyên liệu ổn định ở mức 1.900-1.950 đồng/kg, lượng về cửa khẩu vẫn không có nhiều.
 
Tại Quy Nhơn, giá ngày 17/1 không còn ở mức 3.800 đ/kg so với ngày 16/1, các kho chủ yếu mua vào ở các mức 3.900 – 4.100 đ/kg.
 
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2013, sắn và các sản phẩm từ sắn đứng vị trí thứ 7 trong các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu sắn ước đạt 3,1 triệu tấn với giá trị 1,11 tỷ USD, giảm 25,9% về lượng và giảm 18,2% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2012.
 
Hiện diện tích trồng sắn của cả nước có 560.000ha, với tổng sản lượng đạt gần 9,4 triệu tấn. 30% sản lượng thu được phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước làm lương thực, chế biến thức ăn chăn nuôi, công nghiệp dược phẩm, làm nguyên liệu sản xuất xăng sinh học, cồn công nghiệp... 70% được xuất khẩu dưới dạng tinh bột hoặc sắn lát khô. Tính đến 2013, cả nước có 6 nhà máy sản xuất nhiêu liệu sinh học sử dụng nguyên liệu là sắn lát khô đi vào hoạt động, gần 100 nhà máy chế biến tinh bột sắn và hàng trăm cơ sở chế biến thủ công...
 
Ng.Hương (Vinanet, Thị trường, Agromonitor)
                                                                                                                                                                                                         Theo tintucnongnghiep.com