Trái cây Việt vượt khó ra biển lớn
- Thứ ba - 17/12/2019 18:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hội nghị nhằm giúp cơ quan chức năng, doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân nhìn lại thực trạng sản xuất cây ăn trái ở phía Nam nói chung và ở ĐBSCL nói riêng. Từ đó mổ xẻ những tồn tại để đưa ra những biện pháp khắc phục, giúp ngành trái cây đáp ứng tốt việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới.
Hàng loạt thách thức
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), thời gian qua, diện tích cây ăn trái ở các tỉnh phía Nam liên tục tăng. Đến nay, diện tích ước đạt trên 596.300ha (chiếm 60% diện tích cây ăn trái của cả nước), tổng sản lượng quả đạt hơn 6,6 triệu tấn (chiếm khoảng 67% sản lượng quả cả nước), tăng trên 61% so năm 2010 (2,5 triệu tấn). Trong đó, ĐBSCL là vùng trồng cây ăn quả chủ lực (chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả toàn miền Nam).
Tuy nhiên, diện tích cây ăn quả trên còn ở mức phân tán, nhỏ lẻ và không tập trung. Từ đó, gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Về chế biến, hiện còn ít cả về chủng loại và sản lượng. Đa số các nhà máy chế biến hiện có quy mô vừa và nhỏ, chưa có vùng nguyên liệu, có nhiều nhà máy còn thiếu nguyên liệu do nguồn cung nguyên liệu không đồng đều ở các thời điểm trong năm.
Ngoài ra, diện tích, sản lượng trái cây đạt chứng nhận GAP, được cấp mã số vùng trồng còn rất khiêm tốn làm hạn chế việc ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu. Mặt khác, kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm thường phải qua nhiều khâu trung gian, thiếu thông tin về thị trường nên người sản xuất còn gặp nhiều bất lợi. Chưa dừng lại ở đó, hiện nay, tác động của biến đổi khí hậu (khô hạn, xâm nhập mặn, nhiệt độ bất thường, mưa trái mùa...) cũng gây ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ vườn, năng suất, chất lượng trái cây.
Cần triển khai nhiều giải pháp giúp ngành trái cây phát triển hơn nữa (Trong ảnh: Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày nhân ngày xoài Đồng Tháp được xuất sang Mỹ). (ảnh: Huỳnh Xây)
Nhiều đại biểu cho rằng, sản xuất cây ăn quả vẫn đang đứng trước khá nhiều thách thức, khó khăn cần tháo gỡ. Cụ thể, về năng suất, đặc biệt là loại cây ăn quả chủ lực còn rất thấp so với bình quân chung của thế giới và khu vực. Chuỗi giá trị trái cây còn nhiều khâu trung gian, chủ yếu là thương lái, chưa hợp lý về phân chia lợi nhuận… Về cạnh tranh thương mại, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm đang là thách thức lớn. Đặc biệt, Trung Quốc đang xây dựng hàng rào kỹ thuật, đòi hỏi yêu cầu chất lượng trái cây nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng cao, có truy xuất nguồn gốc.
“Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch ở nhiều địa phương còn cao, công nghệ bảo quản, xử lý sau thu hoạch chậm được đầu tư cải thiện. Kênh thông tin thị trường còn hạn chế, chưa có nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về cung cầu ngành hàng trái cây, đặc biệt là những thị trường lớn” - ông Phạm Trường Yên - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) thì cho biết, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, trong đó có trình độ thâm canh, quy trình canh tác thấp, không đảm bảo chất lượng. Mặc dù đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ nhưng ngành chức năng địa phương triển khai chưa tốt trong chứng minh nguồn gốc sản phẩm nên dẫn đến việc có nhiều lô hàng của ta đi bị trả về.
Cần áp dụng quy trình canh tác hiện đại
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa tập trung, tiếp tục mở rộng diện tích một số cây ăn quả chủ lực có giá trị xuất khẩu như chuối, xoài, dứa, nhãn... Vận động nhân dân liên kết với nhau tổ chức sản xuất, hình thành các hợp tác xã, tổ sản xuất, tổ liên kết sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kết nối các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ sản phẩm…
Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch ở nhiều địa phương còn cao, công nghệ bảo quản, xử lý sau thu hoạch chậm được đầu tư cải thiện. Kênh thông tin thị trường còn hạn chế, chưa có nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về cung cầu ngành hàng trái cây, đặc biệt là những thị trường lớn”. Ông Phạm Trường Yên |
Theo ông Tùng, tới đây, phía Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan, tuyên truyền, vận động người dân ý thức hơn về sản xuất cây ăn trái trong giai đoạn mới hiện nay, theo đó, người dân không còn nghĩ trồng cây ăn trái chỉ thuần tuý xem trọng về năng suất, sản lượng mà ở giá trị gia tăng.
Sau đó, người dân sẽ chuyển đổi vườn tạp không hiệu quả sang cây ăn trái hoặc chuyển từ vườn cây ăn trái kém hiệu quả sang cây ăn trái khác mang lại kinh tế cao hơn, thay đổi tập quán canh tác cũ, tham gia vào quy trình canh tác hiện đại, áp dụng gói quy trình sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ông Tùng cho rằng, những vấn đề trên phải có lộ trình rất dài nhưng “chúng ta phải đi và đi từng bước”. Ông Tùng mong muốn hội nghị này như là một phát pháo đầu tiên trong việc xây dựng nhận thức mới về tập quán canh tác theo phương pháp mới, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản có giá trị cao.
Tại hội nghị, ông Tùng đã phát cho ngành nông nghiệp các địa phương sổ tay ghi chép nhật ký canh tác cây ăn trái theo hướng đạt các tiêu chí an toàn. Sau hội nghị, các địa phương sẽ phổ biến, hướng dẫn lại cho người dân thực hiện theo. Sổ tay ghi chép trên sẽ giúp người dân liệt kê các hoạt động canh tác theo hướng VietGAP, tính toán được giá thành sản xuất, hoàn thiện các kỹ thuật canh tác theo hướng dẫn một cách đầy đủ và trung thực.
Để ngành cây ăn quả tiếp tục tăng trưởng bền vững, hiệu quả, Cục Trồng trọt cho biết, sẽ đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan ban hành một số chính sách mới như: Khuyến khích chọn tạo giống cây ăn quả lâu năm; hỗ trợ phục tráng giống; bình tuyển cây đầu dòng; hệ thống sản xuất cây giống cây có múi sạch bệnh; chuyển đổi cơ cấu giống vùng sản xuất tập trung; sau thu hoạch, bảo quản, chế biến; chính sách khuyến khích đầu tư các cơ sở xử lý trái cây (chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng...), tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường.
Về tiêu thụ, có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm thuế, cước phí kho bãi, vận chuyển đối với tiêu thụ trái cây tươi (đường bộ, đường hàng không); rà soát, hỗ trợ tối đa thủ tục, tối giản thời gian từ xử lý sau thu hoạch, đóng gói, kiểm tra vận chuyển rau quả tươi xuất khẩu qua đường hàng không.
Ngoài ra, tiếp tục quan tâm xúc tiến thương mại, tích cực đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu. Chỉ đạo các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh hoạt động kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, ký kết hợp đồng tiêu thụ trái cây Việt Nam.
Theo Huỳnh Xây/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/trai-cay-viet-vuot-kho-ra-bien-lon-1042175.html