Trai quê mồ côi mang tiếng khùng vì nuôi côn trùng, sâu bọ và rắn
- Chủ nhật - 09/07/2017 06:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Út Duẫn sinh năm 1989, trong một gia đình nông dân có 12 người con. Năm Út Duẫn 18 tuổi, cha anh đột ngột qua đời sau cơn bạo bệnh. Út Duẫn trở thành lao động chính và chỗ dựa tinh thần của mẹ (các anh chị đều có gia đình riêng). Nhờ thu nhập từ 14 công vuông mà cuộc sống của hai mẹ con không đến nỗi túng thiếu. Tuy vậy, Út Duẫn vẫn không thoả mãn mà luôn trăn trở hướng làm ăn để tăng thu nhập.
Út Duẫn "khoe" 1 trong những con rắn ri tượng béo mẫm.
Khoảng năm 2007, thời điểm rắn ri tượng, trăn thịt đang có giá trên thị trường, Út Duẫn tập tành nuôi thử và thành công ngoài ý muốn nên anh quyết định nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, loại con giống này, nhất là rắn ri tượng, nếu mua đại trà không rõ nguồn gốc thì dễ bị chết yểu. Vì vậy, Út Duẫn tự mày mò nghiên cứu nhân giống để nuôi và bán giống cho người khác.
Nghị lực của chàng trai mồ côi
“Tôi cố gắng lao động để lo cho mẹ có cuộc sống hưởng thụ, nhưng nào ngờ năm 2011, sau khoảng 2 tháng lo việc hôn sự cho tôi xong thì mẹ đột ngột qua đời. Lúc đó tôi gần như buông xuôi tất cả”, Út Duẫn nghèn nghẹn.
Song, 1 năm sau ngày cưới vợ, đứa con trai kháu khỉnh chào đời đã tạo động lực để Út Duẫn tiếp tục vai trò trụ cột gia đình. Nhưng rồi rắn ri tượng, trăn thịt bắt đầu khó tìm đầu ra mà giá bán cũng giảm hơn rất nhiều (do có nhiều người nuôi). Vậy là Út Duẫn lại suy nghĩ mô hình mới, anh nhớ lại mấy năm trước có xem trên báo nói về trang trại nuôi rắn mối của ông Nguyễn Văn Thuyết cho thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm mà ở Cà Mau đến nay chưa nghe ai nuôi thứ rắn này.
Thế là Út Duẫn lên mạng tra cứu và sau nhiều lần liên hệ, trao đổi thông tin với ông Thuyết qua điện thoại. Út Duẫn khăn gói lên Bạc Liêu “học nghề” tại trang trại của ông Thuyết và nhận giống từ đây mang về Cà Mau, thực hiện mô hình nuôi rắn mối tại nhà từ cuối năm 2016.
Út Duẫn cho biết, nuôi rắn mối không khó nếu biết gây nuôi sâu bọ, côn trùng để làm thức ăn cho chúng. Ảnh: Kiều Hoa.
Út Duẫn cho biết, rắn mối dễ nuôi, chúng rất hiền và hầu như không bị bệnh tật gì, lại phát triển nhanh mà cách làm chuồng nuôi cũng không khó lắm. Chỉ cần những vật liệu đơn giản bằng tôn (loại bằng, có độ trơn) hoặc xây tường gạch (cao khoảng 60-80 cm), phía trong gần trên cùng bờ tường ốp một hàng gạch men để rắn mối không thể bò ra ngoài, phần mái che có thể lợp bằng tôn hoặc lá dừa.
Ngay giữa chuồng dùng gạch ống hoặc chất đá tạo ra hang hốc để rắn mối có thể chui vào tránh mưa, nắng và cũng nên tạo sân trống trồng rau, cây xanh để tạo bóng mát cho rắn. “Ở đây tôi trồng rau muống, cải xanh, húng quế… vừa tạo nơi trú ngụ cho rắn, vừa phục vụ bữa ăn gia đình”, Út Duẫn cười hiền.
"Nghe nó nuôi sâu tôi đâu dám tới"
Út Duẫn cho biết, thức ăn của rắn mối có thể sử dụng các loại phụ phẩm từ gà, heo hoặc trái cây, sâu, mối… Anh cho chúng ăn sâu là chủ yếu và tạo nguồn thức ăn cho chúng, anh lựa những con sâu già mang đi ủ thành bọ cánh cứng, những con bọ sau đó đẻ trứng và được anh tiếp tục ủ thành sâu.
“Do tự nhân giống nên số lượng sâu không chỉ đủ cung ứng cho rắn mối mà tôi còn bán cho mấy người nuôi chim”, Út Duẫn khoe. Có thể thấy, từ mô hình nuôi rắn ri tượng, trăn đến rắn mối, Út Duẫn đều thực hiện theo quy trình khép kín, nghĩa là tự nhân giống, tạo thức ăn.
Ngoài ra, anh còn tự ủ chế phẩm sinh học để hỗ trợ con tôm theo mô hình nuôi quảng canh cải tiến cấp thấp của gia đình mình. 2 công đất vườn cũng được Út Duẫn cải tạo trồng xoài, mãng cầu. Thế nên, tuy chưa phải là tỷ phú rắn mối như thầy Thuyết (Út Duẫn tự nhận ông Thuyết làm thầy), nhưng tổng thu nhập hằng năm từ con tôm, các mô hình “rắn rết sâu bọ” và cây ăn trái thì Út Duẫn cũng là triệu phú ở tuổi 28.
Vẫn chưa chịu dừng lại, Út Duẫn đang dự định sẽ mở rộng chuồng trại để nhân giống rắn ri tượng (hiện anh đang nuôi rắn ri tượng bằng thùng nhựa), dế, tắc kè, gà (giống gà Mỹ).
“Nghe nói sâu bọ nhiều người hốt hoảng nhưng thực ra dinh dưỡng từ côn trùng rất cao và hiện là món khoái khẩu của người dân các thành phố lớn. Hơn nữa, rắn mối, dế… đã có người nhận bao tiêu đầu ra nên tôi không phải lo. Vấn đề là làm sao bảo đảm chất lượng giống, giống tốt và nuôi đúng quy trình thì thịt sẽ ngon. Thích nhất là các mô hình tôi nghĩ ra rất ít người dám làm, nên dù có mang tiếng “khùng” mà làm ra tiền thì tôi vẫn vui”, Út Duẫn một lần nữa tự hào với kiểu “khùng” của mình.
Anh Lâm (láng giềng của Út Duẫn) xen vào: "Mấy tháng nay nghe nhiều người nói nó “khùng” mới nuôi sâu bọ, tôi cũng không dám đến nhà nó coi thử. Bữa nay được tận mắt chứng kiến và nghe nó nói về quy trình thực hiện các mô hình của mình, thiệt tình nếu “khùng” như Út Duẫn tôi cũng... muốn khùng”./.