Trang trại làm giàu từ rau VietGAP

Hiện trang trại Phong Thúy và tổ liên kết cung ứng ổn định cho thị trường khoảng 5.000 tấn rau an toàn/năm, doanh thu 8 - 10 tỷ đồng, lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với trước đó.

Cách đây 7 năm khi mới thành lập, trang trại Phong Thúy ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng chỉ có 10ha trồng rau với sản lượng bình quân 200 tấn rau thương phẩm/năm. Đến nay trang trại đã phát triển lên 30ha rau VietGAP và sản phẩm cung ứng cho thị trường đã tăng lên gấp 10 lần.

Anh Nguyễn Hồng Phong - chủ trang trại Phong Thúy tâm sự: “Bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn lắm. Nhưng tôi xác định, nếu muốn làm ăn lâu dài và có thị trường ổn định, không có cách nào khác ngoài việc sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP)”.

Rau VietGAP mang lại lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm cho trang trại Phong Thúy.

Thế là anh bắt đầu những chuyến đi “tầm sư học đạo”, học tập kinh nghiệm sản xuất công nghệ cao ở các nước Úc, Hà Lan, Nhật Bản... rồi trở về mạnh dạn đầu tư mua máy móc, thiết bị, công nghệ… Hầu hết những diện tích trồng trọt theo truyền thống trước đây đã được anh Phong chuyển đổi sản xuất theo quy trình áp dụng công nghệ cao, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Và kết quả đã thay đổi rõ rệt. Chẳng hạn, đối với một số cây như cà chua sản xuất theo quy trình VietGAP đã trừ được bệnh héo rũ vi khuẩn, năng suất tăng hơn 50% so với đối chứng, đạt 200 tấn/ha. Cây ớt ngọt cũng đạt năng suất từ 100 - 120 tấn/ha, tăng hơn 20% so với đối chứng…

Anh Phong cho biết mô hình sản xuất mới đã giúp anh điều chỉnh được chiều dài thân cây, kiểm soát được lượng phân bón, nước tưới, lượng muối, độ pH và các loại dinh dưỡng khác; kiểm soát sâu bệnh, dư lượng thuốc BVTV mà vẫn đảm bảo chất lượng trái, màu sắc sản phẩm, trọng lượng đồng đều.

Quá trình sản xuất của anh đã trở thành động lực thúc đẩy nhiều hộ lân cận trong vùng áp dụng theo. Hiện tại, trang trại Phong Thúy đã ký hợp đồng liên kết với 5 hộ sản xuất rau trên diện tích 15ha cho sản lượng thêm 3.000 tấn sản phẩm/năm.

Từ việc gây dựng thương hiệu trong các năm qua và nhờ có được chứng nhận VietGAP nên sản phẩm của trang trại anh Phong đã được hệ thống siêu thị Co.opMart, chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Khu du lịch Suối Tiên… ở TP.HCM tìm đến đặt hàng.

Hiện Phong Thúy và tổ liên kết cung ứng ổn định cho thị trường khoảng 5.000 tấn rau an toàn/năm. Từ đó, doanh thu của trang trại cũng được nâng lên 8 - 10 tỷ đồng, lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với trước đó. Trang trại còn giúp giải quyết việc làm cho 130 lao động có thu nhập từ 1,8 - 2,8 triệu đồng/tháng, trong đó có 70 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.

Với những kết quả đó, từ nay đến cuối năm, Phong Thúy sẽ tiếp tục liên kết với 10 nông hộ ở địa phương, đầu tư thêm 10 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất sản xuất rau VietGAP, tiếp tục đẩy thương hiệu Phong Thúy bay xa hơn nữa.

Theo danviet.vn