Trồng dứa lãi gấp 5 lần trồng ngô

“Không ngờ cây dứa có vốn đầu tư ít mà lại cho hiệu quả kinh tế cao đến vậy. 5 năm qua, từ mấy ngàn mét vuông trồng dứa ban đầu, bây giờ dân trong xã chúng tôi đã có cả chục ha dứa, mỗi năm thu tới hàng tỷ đồng” – ông Vàng A Kỷ, dân bản Háng Lìa, xã Sa Lông, huyện Mường Chà (Điện Biên) hồ hởi nói.
Lãi gấp 5 lần trồng ngô
Đến TP.Điện Biên Phủ ngày hè này, đi đâu cũng gặp những điểm bán dứa tươi, nước dứa ép để sử dụng tại chỗ và cả những đống dứa cao chất ngất được đóng thùng, đóng hộp cho du khách làm quà. Anh Lò Văn Năng đang bán dứa ở chân cầu Mường Thanh cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng thu mua dứa từ trên huyện Mường Chà. Dứa ở đấy ngon nhất tỉnh và giá cũng rẻ, lại thuận tiện vận chuyển”.
 
Sản phẩm dứa tươi của huyện Mường Chà được bày bán khắp các điểm du lịch ở TP.Điện Biên Phủ.  Ảnh: K.T 
Ngược lên Mường Chà, đến với bản Sa Lông (xã Sa Lông) – vựa dứa lớn nhất của xã, thấy nhà nào cũng trồng bạt ngàn dứa. Dứa chín ngoài nương, dứa chất trong nhà, dứa bày bán ngay trước ngõ. Anh Tráng A Sinh, dân bản bảo: “5 năm trước, nhà tôi trồng thử 300m2, đến vụ dứa thu hoạch xong lãi hơn chục triệu đồng. Thế là tôi chuyển hết hơn 1ha đất trồng ngô sang trồng dứa. Mấy năm nay, vụ dứa nào gia đình tôi cũng thu lãi hơn 100 triệu đồng, gấp 5 lần so với trồng ngô. Bây giờ thì dân bản đua nhau trồng theo rồi, giá rẻ hơn nhưng bán rất thuận tiện vì thương lái đưa ô tô, xe máy đến mua tận nhà, chẳng phải chở đi đâu cả”.
 Đến nay, diện tích dứa ở Mường Chà đã đạt khoảng hơn 50ha, sản lượng quả tươi hơn 400 tấn quả/vụ xuân hè và vẫn đang tiếp tục được người dân đầu tư mở rộng diện tích.
Kề bền bản Sa Lông là bản Háng Lìa của đồng bào Mông, vốn rất khó khăn bởi đất nương cằn cỗi. Nhưng mấy năm nay cây dứa cũng đã mang lại cho bà con nguồn thu nhập lớn. Cán bộ huyện, xã cũng về tư vấn người dân lựa chọn giống, cách trồng, chăm sóc và thu hoạch nên hầu hết các hộ dân đều trồng dứa hiệu quả, nhiều gia đình đã thoát nghèo.
Dứa nhiều - dứa ngon gắn với dứa sạch
Đó là khẩu hiệu hành động mà không chỉ cán bộ huyện Mường Chà thuộc lòng mà đã thấm nhuần vào mỗi người dân trồng dứa nơi đây. Bà Vàng Thị Mỷ, dân bản Cổng Trời, xã Sa Lông thật thà cho biết: “Trồng dứa cũng phải làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu, rệp như nhiều loại cây trồng khác. Nhưng chúng tôi đã được cán bộ hướng dẫn sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật không độc hại và tuân thủ đúng thời gian cách ly. Quả dứa là để người ta ăn, nếu có độc do mình làm ra là mình có tội”.
Anh Vàng Văn Nghĩ, dân bản Na Sang, xã Na Sang (Mường Chà) tâm sự: “Đất ở đây không tốt nên dù trồng lúa, ngô hay sắn thì thu nhập cũng không cao. Vì thế nên dù rất cố gắng thì nhiều năm qua chúng tôi vẫn đói nghèo. Nay cây dứa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn những cây khác nhiều lần nên chúng tôi sẽ tập trung trồng dứa. Giống dứa ở đây hầu hết là giống mới, sớm cho quả và quả to, ngọt, hình thức đẹp mắt hơn một số giống dứa ta nên khách rất thích. Chúng tôi cũng được cán bộ hướng dẫn cách chăm sóc, thu hoạch đảm bảo an toàn”.
“Chúng tôi hiểu rằng nếu mình làm ẩu, làm không tốt thì chính quả dứa sẽ làm hại mình. Khi khách không mua dứa vì mất an toàn thì chính mình sẽ bị thiệt hại đầu tiên. Vì thế, trồng nhiều dứa phải gắn với năng suất cao, chất lượng tốt và đảm bảo phải sạch” - anh Nghĩ chia sẻ.
 Theo danviet.vn