Trồng ngô cho thu nhập cao hơn trồng lúa 2,5-8,4 triệu đồng/ha

Trồng ngô cho thu nhập cao hơn trồng lúa 2,5-8,4 triệu đồng/ha
Chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô (bắp) và cây màu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là chủ trương đúng của Chính phủ và ngành nông nghiệp. Thời gian qua, đã có một số mô hình thí điểm được thực hiện chuyển đổi ở khu vực này và thực tế cho thấy, cây ngô đã bắt đầu bén rễ trên đất lúa.
 

Thu nhập: Cao hơn trồng lúa 2,5-8,4 triệu đồng/ha

Tại một số địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An... thời gian qua đã tận dụng những điều kiện ưu đãi về đất đai, khí hậu để triển khai mô hình “chuyển lúa sang ngô”, phát triển loại cây trồng này nhằm giúp người nông dân phong phú hóa cơ cấu luân canh, tăng giá trị nông sản, gia tăng thu nhập và giảm thiểu áp lực canh tác lúa.

Với mục tiêu trên, dự án “Xây dựng mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp” ở ĐBSCL đã được Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam - Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật Nông nghiệp thực hiện.

Việc triển khai dự án bước đầu đã cho thấy những kết quả khả thi khi toàn bộ 20ha ruộng mô hình với các bộ giống NK7328, NK66, NK67 tại xã Mỹ Hạnh Bắc (Đức Hòa, Long An) bước vào thời điểm thu hoạch với những bắp ngô đặc hạt vàng óng hứa hẹn một vụ mùa “chắc như bắp”.

Mặc dù gặp một số điều kiện không thuận như nắng hạn, không có mưa vào thời điểm xuống giống, cuối vụ mưa nhiều nhưng với sự chăm sóc đầy đủ của bà con, cây bắp vẫn phát triển rất tốt, lá xanh, bắp to, ít sâu bệnh, chứng minh khả năng sinh trưởng tốt, tiềm năng năng suất cao của các giống bắp này trên đồng đất địa phương.

Đến thời điểm này, ước tính năng suất bắp tươi đạt khoảng 8-10 tấn/ha trong khi năng suất lúa cùng vụ đạt khoảng 4,5-4,8 tấn/ha. Với giá thu mua hiện nay là 3.900 đồng/kg bắp tươi, sau khi trừ chi phí, người dân tham gia mô hình có lãi từ 9,4 đến 17,2 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa từ 2,5 đến 8,4 triệu đồng/ha (trên 36%).

Bộ giống tốt cho chuyển đổi

Ông Nguyễn Thanh Tùng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An cho biết, 3 loại cây trồng được xác định là chủ lực trong công cuộc chuyển đổi đất lúa của Long An là bắp, mè và đậu phộng trong đó bắp được xác định là cây trồng quan trọng. Cái mới ở mô hình này là lần đầu tiên chuyển đổi đất lúa sang bắp trong vụ xuân hè. Từ thành công của mô hình này có thể khẳng định việc đưa thử một cây trồng mới vào đất lúa bước đầu có hiệu quả.

Về việc tiêu thụ sản phẩm, công ty cổ phần nông trại sinh thái (Ecofarm) hiện đã “đóng đô” tại Đức Hòa, Long An để xây dựng khu liên hợp sản xuất bao gồm nhà máy sấy, chế biến bắp nguyên liệu nhằm tận thu sản phẩm, nâng cao thu nhập, tạo sự an tâm về đầu ra cho bà con.

Ông Tùng nhận định, khâu giống luôn là khâu đi đầu trong canh tác để làm bật lên năng suất vụ mùa. “Chúng tôi đánh giá cao bộ giống của Công ty Syngenta với thân khỏe, vững, sức chống chọi tốt, tạo tiền đề cho năng suất cao. Đây chỉ là giống lai, về sau có các công nghệ và giải pháp mới thì việc trồng bắp sẽ còn khỏe hơn nữa”, ông chia sẻ thêm với bà con tham quan mô hình.

Ông Ngô Lành- Giám đốc Phát triển giải pháp của Công ty Syngenta cho biết, trong những năm tới Syngenta sẽ luôn song hành cùng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Chính phủ thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu những sản phẩm, giải pháp nông học nhằm tối ưu hóa năng suất đặc biệt là những biện pháp canh tác cho những vùng chuyển đổi để giúp bà con nông dân tăng thu nhập trên cùng một diện tích cây trồng.

Các doanh nghiệp cung ứng giống và tiêu thụ sản phẩm cùng sát cánh với cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ nông dân, vì lợi ích của nhà nông cũng là mong muốn của Chính phủ. Ông Lê Quý Kha- Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam bày tỏ. “Có thể khẳng định đây là mô hình thành công, chúng tôi khuyến khích bà con chuyển đổi những vùng đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác hiệu quả hơn, mà cụ thể là cây ngô để nâng cao lợi ích kinh tế. Mô hình cần được mở rộng với sự tham gia của nhiều bà con”.

   Thực tiễn sản xuất đã chứng minh cây bắp là cây trồng phục vụ chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao so với cây lúa tại Long An nói riêng và tại các tỉnh ĐBSCL nói chung. Nếu khắc phục được một số khó khăn hiện thời thì thói quen chỉ biết thâm canh cây lúa đã ăn sâu vào trong ý nghĩ của người dân cũng sẽ không khó để thay đổi.
Hà Thi
Nguồn danviet.vn