Trồng rau muống VietGAP ở Củ Chi: Nông dân tìm mọi cách "xé rào"

Gần 1 tháng qua, các cơ quan chức năng và đơn vị thu mua trên địa bàn huyện Củ Chi, TP.HCM đã phối hợp với xã Bình Mỹ tổ chức 6 lớp tập huấn trồng rau muống nước theo tiêu chuẩn VietGAP cho trên 370 hộ nông dân đang trồng rau này với diện tích trên 191ha.

Đồng thời, kiểm tra, giám sát việc kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại 33 hộ kinh doanh thuốc, 2 hộ trồng rau muống nước và 2 hộ sản xuất kinh doanh rau muống bào. Tuy nhiên, đánh giá sau đợt kiểm tra cho thấy, hơn 95% hộ trồng rau muống nước trên địa bàn xã là dân từ nơi khác đến thuê đất để sản xuất nên tập quán trồng rau khác nhau.

Theo Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, việc để nông dân thống nhất quy trình kỹ thuật tiêu chuẩn VietGAP đang gặp khó khăn, vệ sinh an toàn trên cây muống nước chưa đảm bảo, khó khăn trong việc vận động thành lập và phát triển tổ hợp tác. Nguồn nước chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP. Nông dân sử dụng thuốc BVTV, thuốc kích thích tăng trưởng chưa đúng liều lượng.

 trong rau muong vietgap o cu chi: nong dan tim moi cach 'xe rao' hinh anh 1

 Lực lượng chức năng kiểm tra ruộng rau muống của bà Chu Thị Lan (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi). Ảnh: T.T

Chi cục BVTV (Sở NNPTNT TP.HCM) cho biết, diện tích canh tác rau muống nước của thành phố hơn 1.000ha, nhưng diện tích gieo trồng hàng năm trên 6.350ha, sản lượng năm 2015 gần 129.300 tấn. Riêng vụ đông xuân 2016, diện tích gieo trồng là 2.886ha với 59.126 tấn. Chi cục và Trung tâm Khuyến nông thành phố đã tổ chức 34 lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng cách, đúng lúc), kết hợp vận động nông dân trồng rau muống nước ký cam kết về thực hiện đúng các quy định về sử dụng thuốc BVTV.

Có 988 hộ trồng rau muống nước (tỷ lệ 91,1%) đã ký, được Sở NNPTNT cấp giấy chứng nhận chuyên môn sản xuất rau an toàn trong lĩnh vực trồng rau muống nước. Trung tâm Khuyến nông thành phố cũng đã xây dựng 3 mô hình trồng rau muống nước theo VietGAP (15ha) tại huyện Củ Chi, quận 12.

Tuy nhiên, giữa mong muốn và thực tế làm rau muống sạch vẫn có khoảng cách khi nhiều hộ - nhất là từ các tỉnh khác đến ngoại thành thành phố thuê đất để trồng rau muống nước. Không phải hộ trồng rau muống nào cũng tuân thủ các quy định của thành phố, vì áp lực tiền thuê đất và chi phí hàng ngày nên tìm mọi cách “xé rào”.

Ông Lê Văn Thúa - Trưởng Phòng kinh tế huyện Củ Chi cho biết sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về việc xây dựng cánh đồng rau muống nước theo tiêu chuẩn VietGAP và quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho cánh đồng rau hoạt động cũng như đảm bảo về môi trường. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiến hành vận động nông dân tham gia tổ hợp tác sản xuất rau muống nước theo tiêu chuẩn VietGAP để sản phẩm đạt chất lượng hơn.

Theo danviet.vn