Trồng rau sạch cho VinEco được hỗ trợ 300 triệu đồng
- Thứ năm - 15/12/2016 01:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chi 4.000 tỷ đồng làm nông nghiệp sạch
Bà Vũ Tuyết Hằng – Tổng Giám đốc Công ty VinEco cho biết, tháng 3.2015 VinEco chính thức bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, công ty đã quyết định đầu tư 4.000 tỷ đồng để theo đuổi lĩnh vực này. Hiện VinEco đang sản xuất trên 14 nông trường, với hơn 100 sản phẩm, sản lượng 50 – 60 tấn rau sạch/ngày, dự kiến năm 2017 sẽ nâng lên khoảng 150 – 180 tấn/ngày. Sản phẩm của VinEco chủ yếu được sản xuất theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản, Israel như rau được trồng trên giá thể, thủy canh; tưới phun, tưới nhỏ giọt giúp tiết kiện nước, phân bón, công chăm sóc...
Khách tham quan gian trưng bày các sản phẩm nông nghiệp sạch của hệ thống VinEco tại hội thảo ngày 14.12. ảnh: V.T
“Đặc biệt, từ 1.9.2016 VinEco đã thực hiện chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ. Công ty đã chi khoảng 300 tỷ đồng để thực hiện, trong đó 250 tỷ đồng dành cho hỗ trợ sản xuất. Rau củ quả được giám sát từ khâu làm đất cho đến lúc chăm sóc, thu hoạch và đến bàn ăn… Tuy nhiên, mình VinEco sẽ không thể thay đổi được cả nền nông nghiệp Việt, không thể cung cấp đủ nguồn rau sạch cho người dân. Đó là lý do VinEco triển khai chuỗi liên kết, qua đây chúng tôi mong muốn sẽ lan tỏa được phong trào làm nông nghiệp sạch và VinEco sẽ hướng dẫn người dân về kỹ thuật, quy trình sản xuất sạch, kết nối với các đơn vị sản xuất VietGAP, các đơn vị sản xuất giống và thu mua sản phẩm” – bà Hằng cho biết.
Theo bà Hằng, VinEco sẽ hỗ trợ 300 triệu đồng đối với những hộ sản xuất đủ điều kiện, để mua sắm trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, máy móc, giống… Ngoài ra, VinEco sẽ dành 50 tỷ đồng để xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, chi phí kiểm tra sản phẩm tại các phòng lab và đội ngũ kiểm soát chất lượng dự kiến khoảng 300 người.
Bà Phạm Thị Thu Cúc – chủ trang trại Rừng hoa Cạch Cúc (Lâm Đồng) cho biết, bà đã tham gia trồng rau thủy canh 3 năm nay, với mức đầu tư lên đến 20 tỷ đồng. “Khi tham gia liên kết với VinEco, tôi đã được hỗ trợ 500 triệu đồng. Đây là số tiền lớn, thể hiện sự hỗ trợ, giúp đỡ, liên kết của VinEco với các hộ dân, doanh nghiệp trong việc nỗ lực sản xuất ra các sản phẩm sạch. Mặc dù đầu tư ban đầu lớn, song sản xuất rau thủy canh cho năng suất và giá trị gấp hàng chục lần so với sản xuất thường và tiết kiệm được diện tích mặt bằng” – bà Cúc cho hay.
Sản phẩm sạch đến được tay người tiêu dùng
Vai trò của VinEco là vừa là người sản xuất, vừa là người kết nối để đưa sản phẩm ra thị trường. Lợi thế của chúng tôi là có đầu ra thông qua các hệ thống siêu thị có sẵn. Do đó khi nông dân hợp tác với VinEco sẽ được đảm bảo về tiêu thụ sản phẩm, bà con yên tâm với việc tạo ra các sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng”.
|
Chia sẻ tại hội thảo về vấn đề tham gia vào chuỗi nông nghiệp sạch, ông Tống Quang Phong - Tổ trưởng tổ hợp tác quýt đường xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết, cái lợi lớn nhất của sản xuất sạch chính là đảm bảo đầu ra sản phẩm, tạo điều kiện cho sản phẩm của nông dân đến tận tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và chất lượng nhất. “Trước đây, chúng tôi phải cạnh tranh với những nông sản trôi nổi, không có nguồn gốc, quả thật rất khó khăn. Sản phẩm của chúng tôi sạch, ngon nhưng thị trường đâu có biết nhiều. Nhưng từ khi tham gia quy trình VietGAP, sau này là hợp tác với VinEco thì quả thật chúng tôi được đảm bảo rất tốt về thị trường”- ông Phong nói.
Còn ông Trương Văn Dư - Giám đốc Công ty CP Green Farm (Mộc Châu, Sơn La) cho biết: “Trước đây tôi đã có suy nghĩ về việc chuyên nghiệp hóa sản xuất nông sản, đã thử trồng một vài giống cây cho năng suất cao trong điều kiện tốt, mà cụ thể là cà chua. Kết quả thu được rất khả quan, tuy nhiên về thị trường tiêu thụ vẫn khó khăn. Từ khi kết hợp với VinEco thì sản phẩm của tôi được tiếp cận với một thị trường rộng lớn, có nhu cầu cao về sản phẩm sạch”.
Ông Dư cũng đánh giá: “VinEco và công ty của tôi có sự hợp tác rất chặt chẽ từ sản xuất cho đến sản phẩm cuối cùng. VinEco đã có sự tư vấn và hỗ trợ rất kịp thời cho chúng tôi ngay từ chất lượng đất, cây giống. Việc giám sát của phía VinEco rất chặt, nên có muốn thì người sản xuất cũng không thể làm ẩu ở bất kì khâu nào. Tất cả đều hướng đến sự chuyên nghiệp trong sản xuất sản phẩm và bảo vệ thương hiệu.
Tham dự hội thảo, nhiều nông dân đã đặt câu hỏi cho các diễn giả, xoay quan vấn đề làm thế nào để có được diện tích đất lớn sản xuất; chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; làm thế nào để chất lượng sản phẩm, tương xứng với giá trị. Làm thế nào để ngăn chặn được các loại thuốc BVTV trôi nổi, các sản phẩm trôi nổi…
Giải đáp về câu chuyện tích tụ đất, ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, vừa qua Bộ NNPTNT đã đề nghị Chính phủ nới rộng hạn điền để người dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất lớn. Ngoài ra còn nhiều chính sách, thủ tục thông thoáng giúp cho người dân tích tụ đất sản xuất...
Liên quan đến liên kết giữa người dân các doanh nghiệp, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh: “Làm thế nào để doanh nghiệp không “bẻ kèo” khi tham gia hợp tác với người dân mới là điều quan trọng. Với người dân họ quan tâm nhất là giá cả, nếu giá không đảm bảo, họ rất dễ “bẻ kèo”, hoặc doanh nghiệp đưa ra nhiều tiêu chuẩn oái oăm quá… Như ở nhiều nước, họ có chính sách cụ thể, những hộ dân làm tốt sẽ có chính sách ưu đãi và ngược lại”./.
Việt Tùng
Theo danviet.vn