Trồng rau sắng: Không mất công, thu suốt đời

Tại sao ta không đẩy mạnh trồng rau sắng? Khi ta đưa rau sắng ra chợ, chắc chắn nó sẽ thành mặt hàng hấp dẫn với các bà nội trợ.
Trồng rau sắng: Không mất công, thu suốt đời

Hiện đang là mùa lễ hội của chùa Hương (Hà Nội). Càng ngày, lễ hội chùa Hương càng đông khách. Đây là lễ hội dài ngày nhất và cũng đông khách nhất ở phía Bắc. Sau khi đi lễ hội, bao giờ người ta cũng mua về một vài thứ để làm quà.

Ở chùa Hương, bà con rất thích mua mấy mớ rau sắng đưa về cho người thân. Rau sắng chùa Hương nổi tiếng từ lâu. Rau sắng còn được gọi là rau ngót núi. Nó được coi là rau nhưng lại là cây thân gỗ. Nó có thể cao từ 4-8m. Người ta thường trèo lên cây, cắt các cành lá non, xếp thành mớ như rau ngót để bán cho khách, lá rau sắng nhẵn, dày và có thể dài từ 7-12cm và rộng 3-6cm, lá non, lá bánh tẻ, hoa và quả non đều được dùng làm rau. Nó có vị ngọt đặc sắc.

Với rau sắng, không cần cho thêm thịt hoặc mì chính vào nhưng canh rau sắng vẫn ngọt và đậm đà. Bà con có kinh nghiệm, nếu cho thêm vài chồi nụ vàng của hoa ngâu nữa thì nồi canh rau sắng sẽ đầy đủ mùi vị bùi, thơm, ngọt, mát, ai ăn cũng thích. Đó lại là loại rau sạch 100%, vừa ngọt lại vừa bổ...

Rau sắng có thể trồng ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... Ở phía Nam, bà con đã trồng được cả ở Vũng Tàu. Nó ưa trồng ở ven núi đá, ven suối hoặc trong các hốc đá, nhiệt độ trung bình từ 22-24 độ C, lượng mưa từ 2.000-2.500mm và độ ẩm không khí bình quân trên 84%. Với những điều kiện này, rất nhiều nơi có thể trồng được rau sắng.

Tại sao ta không đẩy mạnh trồng rau sắng? Bây giờ trên thị trường có rất nhiều loại rau nhưng rau nào là rau sạch thì thật khó phân biệt. Khi ta đưa rau sắng ra chợ, chắc chắn nó sẽ thành mặt hàng hấp dẫn với các bà nội trợ.

Ngành lâm nghiệp xếp rau sắng như cây rừng. Họ trồng xen rau sắng như các cây gỗ khác. Ta nên trồng rau sắng trên những vùng đất feralit nâu đỏ hoặc đất đen ở vùng núi đá vôi. Đất cần giàu mùn và tơi xốp. Thành phần cơ giới của đất từ thịt nhẹ đến thịt trung bình và cần hơi ẩm nhưng thoát nước tốt. Để có giống, ta nên chọn những cây rau sắng đã được trên 10 tuổi, tán đều, không có sâu bệnh để thu quả. Quả chín vào tháng 7-8. Quả thu về phải ủ thêm vài ngày cho chín đều, sau đó chà sát và rửa sạch hết lớp thịt bên ngoài để thu lấy hạt. Hạt nên gieo ngay. Nếu muốn giữ lại thì phải bảo quản trong cát ẩm và giữ ở nơi râm mát, thoáng khí và có mái che.

Hạt trước khi gieo phải xử lý bằng nước sôi (từ 95-100 độ C). Ta cho hạt vào và ngâm cho tới khi nhiệt độ hạ xuống 25-30 độ C. Ta giữ nhiệt độ này trong 2 ngày. Sau đó vớt hạt ra, để ráo nước rồi đem ủ tới khi nứt nanh mới đưa đi gieo. Khi mầm cao 5-7cm và bộ rễ chuyển sang màu vàng thì ta bứng ra và trồng vào bầu. Sau 1 năm, cây cao 15-20cm thì có thể đưa ra trồng.

Trồng rau sắng không khó, không mất nhiều công mà có thể thu suốt đời.

Theo danviet.vn