Trồng rau trên cát hoang, nông dân Huế rủng rỉnh tiền tiêu
- Chủ nhật - 12/03/2017 01:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mỗi ngày thu cả triệu đồng
Người tiên phong trồng rau trên cát ở Điền Lộc là ông Lê Hợi ở thôn Nhất Đông. Ông Hợi kể, trước đây gia đình ông là một trong những hộ nghèo nhất xã. Nhiều năm ròng rã, vợ chồng ông quần quật làm đủ thứ nghề nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Một chiều đi qua rú cát mênh mông ở thôn, trong ông lóe lên ý nghĩ tại sao mình không cải tạo vùng cát để làm giàu. Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi, ông quyết định cải tạo đất cát để trồng rau xanh.
Đất cát hoang hóa ở Điền Lộc được người dân cải tạo thành những cánh đồng rau cho thu nhập cao. Ảnh: An Sơn
Mô hình trồng rau trên cát đưa lại thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, đã giúp rất nhiều hộ dân ở xã thoát nghèo, trở nên khá giả”. Ông Lê Văn Thắng -
|
Nghĩ là làm, ông huy động con cái đắp đê chống cát bay, cát nhảy, đào mương dẫn nước, bón phân để cải tạo đất cát. Chỉ sau một thời gian ngắn, gia đình ông cải tạo được 0,5ha đất cát bạc màu để trồng các loại rau cải, cần, tầng ô, xà lách, rau thơm… Nhờ được cung cấp đủ dinh dưỡng nên mặc dù trồng trên cát nhưng rau gia đình ông trồng phát triển nhanh, vụ thu hoạch đầu tiên cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Sau thành công ban đầu, gia đình ông mở rộng diện tích trồng rau lên hơn 1ha và tăng vụ, đưa lại thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Thấy ông Hợi làm ăn hiệu quả từ mô hình trồng rau trên cát, người dân thôn Nhất Đông và nhiều thôn khác của xã Điền Lộc như Nhì Đông, Nhất Tây, Nhì Tây, Nhật Nam… học hỏi kinh nghiệm làm theo. Từ đó, những động cát hoang hóa ở xã dần dần được biến thành những cánh đồng rau xanh mướt. “Trước đây gia đình tôi chạy ăn từng bữa vì đông con mà không làm gì ra tiền. Nhiều năm nay, dù chỉ trồng 500m2 rau trên cát nhưng mỗi tháng gia đình có thu nhập hơn 5 triệu đồng, nên cuộc sống đã khá giả”- ông Lê Khuyên (thôn Nhất Đông) phấn khởi kể.
Nâng thu nhập bằng rau VietGAP
Ông Lê Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Điền Lộc cho biết, do nằm ở vùng cát ven biển nên đất đai ở xã chủ yếu là đất cát bạc màu, rất khó khăn cho việc phát triển kinh tế. Từ khi mô hình cải tạo những vùng đất cát hoang hóa để trồng rau được nhân rộng, bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương đã có những thay đổi vượt bậc. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có khoảng 400 hộ dân trồng rau với tổng diện tích 50ha.
Theo ông Thắng, những năm qua, rau Điền Lộc được sản xuất theo mô hình rau an toàn nên được thị trường ưa chuộng. Rau của người dân ở xã được tiêu thụ rộng rãi khắp các chợ trên địa bàn huyện, tỉnh và xuất đi một số tỉnh lân cận. “Mô hình trồng rau trên cát cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa đã giúp rất nhiều hộ dân ở xã thoát nghèo, trở nên khá giả” - ông Thắng nói.
Để giúp người trồng rau thuận lợi trong việc sản xuất, chính quyền xã Điền Lộc và huyện Phong Điền đang hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng rau trên cát, như đầu tư nguồn điện lưới, xây dựng hệ thống tưới tiêu liên hoàn. Ngoài ra, nhằm nâng cao thương hiệu, giá trị của rau Điền Lộc trên thị trường, huyện Phong Điền đã hỗ trợ nông dân nơi đây trồng rau theo mô hình VietGAP. Hiện mô hình này được thử nghiệm trên diện tích 2,1ha ở thôn Nhất Đông. Chính quyền xã cũng đang làm cầu nối kết nối các doanh nghiệp và nông dân nhằm bao tiêu sản phẩm để bảo đảm sản xuất rau ở Điền Lộc phát triển bền vững.