Trồng rừng gỗ lớn: Khâu then chốt phát triển “ngành kinh tế xanh”

Trồng rừng gỗ lớn không chỉ tạo công ăn việc làm, giúp xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc miền núi, mà còn là giải pháp thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển bền vững đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản 11 tỷ USD vào năm 2020.

Trồng rừng gỗ lớn đang là xu hướng trên thế giới và cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có tại các địa phương.

rung.jpg
Kiểm tra tình hình sinh trưởng của mô hình trồng rừng gỗ lớn ở Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ảnh: B. Quảng Trị

Còn khiêm tốn

Hiện, sản xuất gỗ trong nước chỉ đáp ứng 20% nguyên liệu cho chế biến, còn 80% phải nhập khẩu. Ngược lại, diện tích rừng gỗ lớn của nước ta chỉ đạt 20%.

Tại Diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm, giải pháp bứt phá năm 2019”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, mức tăng trưởng trên 800% trong hơn 10 năm qua là  kết quả rất đáng biểu dương. Chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã trở thành ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực, giúp giải quyết nhiều lao động và là một trong không nhiều ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao.

Song, Thủ tướng cũng cho rằng, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu là còn rất khiêm tốn. Hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại, cùng xu hướng nguồn nguyên liệu hợp pháp trong nước ngày càng chủ động, sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ thời gian tới.

Hiệu quả lâu dài, bền vững

Tác dụng lớn nhất của phát triển rừng gỗ lớn là chủ động tạo nguồn nguyên liệu trong nước cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản. Để đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ, hàng năm các doanh nghiệp phải nhập khẩu 70 - 80% gỗ nguyên liệu từ nước ngoài. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu đồ nội thất và mỹ nghệ của nước ta đều yêu cầu sản phẩm sản xuất từ gỗ được cấp chứng chỉ. Để có chứng chỉ này, bắt buộc phải là gỗ khai thác từ những nơi có chứng chỉ rừng; mà để được cấp chứng rừng thì phải là rừng gỗ lớn. Vì thế, để chủ động nguồn cung trong nước cho chế biến đồ gỗ nội thất và mỹ nghệ, không có cách nào khác, phải phát triển rừng gỗ lớn.

Theo tính toán, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng trồng gỗ lớn cao hơn nhiều lần, tuỳ theo tuổi khai thác và đường kính cây. Các chuyên gia nhận định, việc áp dụng mô hình trồng rừng gỗ lớn có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách thức cũ, đặc biệt là hiệu quả kinh tế mang lại. Ước tính sau chu kỳ 10 - 12 năm, tổng doanh thu bình quân đạt 215 - 250 triệu đồng/ha, đỉnh điểm có thể đạt 300 - 350 triệu đồng/ha, trừ khoảng 30% chi phí liên quan (phát dọn thực bì, đào hố, phân bón, cây giống, nhân công), lợi nhuận chủ rừng thu về cao chót vót (trồng rừng gỗ nhỏ đạt bình quân 40 - 60 triệu đồng/ha).

Như trường hợp hộ ông Vũ Xuân Hồng ở thôn Khuân Bang, xã Như Cố, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) đưa cây lát vào trồng năm 1995. Đến nay, ông có hơn 1ha rừng gỗ lát với chu vi trung bình 50 - 60cm/cây, giá bán 4 triệu đồng/cây, cây to bán được 10 triệu đồng/cây. Có doanh nghiệp tư nhân muốn mua  rừng gỗ lát  với giá 1 tỷ đồng nhưng gia đình ông chưa bán. Ông Hồng chia sẻ: “Còn rừng là còn cơm ăn áo mặc. Thời gian chăm sóc cây lát dài, nhưng càng để lâu càng có giá, bán lúc nào cũng được, khi thu hoạch cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây keo, mỡ”.

Thôn Khuân Bang hiện có 30 hộ trồng gỗ lát, nhiều diện tích ở độ 20 năm tuổi đã đến kỳ khai thác, có giá bán cao. Với giá 4 triệu đồng/cây, mật độ trồng 700 - 800 cây/ha, 1ha lát cho thu 2-3 tỷ đồng.

Ngoài ra, kinh doanh rừng gỗ lớn còn giúp giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng, giảm xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác, trồng lại rừng gây ra. Rừng gỗ lớn cũng có khả năng hấp thụ cácbon, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Khó khăn về vốn

Theo Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, đến năm 2020, diện tích vùng trồng rừng gỗ lớn trên cả nước vào khoảng 1,2 triệu hecta cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ. Để đạt được mục tiêu này, việc hỗ trợ vốn vay cho người trồng rừng, cũng như đưa giống mới, có năng suất cao vào trồng rừng, áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân, chăm sóc rừng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng cho người dân cần được tiến hành đồng bộ.

Ông Hoàng Văn Chúc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế (Bắc Giang), cho biết: “Qua theo dõi thời gian qua có thể khẳng định, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần so với trồng rừng gỗ nhỏ, tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Mặt khác, việc trồng rừng gỗ nhỏ cũng đòi hỏi phải tái đầu tư chi phí giống, công trồng, chăm sóc ban đầu và có nguy cơ cháy rừng cao hơn so với rừng gỗ lớn”.

Thực tiễn cho thấy, lợi ích kinh tế và môi trường của rừng gỗ lớn cao, nhưng hiện nay đa số các chủ rừng lại lựa chọn mô hình trồng rừng gỗ nhỏ truyền thống. Nguyên nhân do đa số người trồng rừng có diện tích nhỏ, phần lớn có thu nhập thấp nên không có điều kiện tài chính để theo chu kỳ sau 10 - 14 năm trồng gỗ lớn.

Thoát kiểu trồng rừng “ăn xổi”

Sau khi ban hành các quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu, ngành lâm nghiệp xây dựng một loạt chương trình, đề án xây dựng mô hình chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn và chăm sóc rừng trồng thâm canh gỗ lớn tại 8 tỉnh, thành, kết quả đến nay chứng minh chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn.

Để phát triển mô hình rừng có lợi ích kép này, theo nhiều chuyên gia, các địa phương cần xây dựng quy hoạch vùng trồng rừng gỗ lớn phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp chung của vùng và của cả nước, tránh việc chuyển hóa rừng trên những vùng đất nghèo kiệt. Về cơ chế chính sách, cần thúc đẩy việc giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân làm chủ rừng; xây dựng và thực thi các chính sách về vốn, tín dụng; xây dựng và phổ biến các quy trình kỹ thuật về trồng rừng gỗ lớn và quy trình chuyển hóa thâm canh rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Theo đại diện Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (Bình Định),  để dần làm chủ được nguồn nguyên liệu gỗ chế biến trong nước thì cốt lõi là phải đẩy mạnh trồng rừng.

“Để tạo đột phá về trồng rừng có nhiều giải pháp, nhưng con đường ngắn nhất là chúng ta cần sớm tái cấu trúc các công ty lâm nghiệp. Hiện nay, các công ty này đang quản lý diện tích đất rừng lớn nhất. Do vậy, để tạo bước đột phá trong nguồn nguyên liệu rừng trồng thì nên cổ phần hoá các công ty lâm nghiệp và tạo chính sách để tích tụ tư bản đất rừng, tìm những nhà đầu tư tâm huyết có tiềm lực về kinh doanh rừng”, đại diện gỗ Tiến Đạt đề xuất.

Ngoài ra, cũng theo đại diện gỗ Tiến Đạt, để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu gỗ trong nước và xuất khẩu, giảm áp lực phá rừng và tạo tiền đề cho phát triển rừng gỗ lớn bền vững, chúng ta cần phải xây dựng chợ gỗ chuyên nghiệp, tạo nguồn cung dồi dào, ổn định.

Tại Hội nghị về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc đến công nghệ chế biến nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng, đáp ứng nguyên liệu ngày càng cao của chế biến gỗ phải xem là khâu then chốt. Gỗ non, đường kính quá thấp đang bị khai thác như hiện nay dẫn tới hiệu quả thấp. Việc trồng rừng đang mang nặng tính “ăn xổi ở thì” khiến hiệu quả sử dụng đất đai thấp, thu nhập của người nông dân vì thế cũng thấp. Cần ngăn chặn triệt để phá rừng tự nhiên, tiến tới sử dụng gỗ rừng trồng thay thế gỗ tự nhiên theo cam kết quốc tế.

Năm 2018, xuất khẩu lâm sản đạt 9,308 tỷ USD, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển rừng.

Chính phủ phấn đấu đến năm 2020, xuất khẩu lĩnh vực này đạt 11,0 tỷ USD, bằng 133% so với mục tiêu chương trình.

Theo Vân Nhi/kinhtenongthon.vn