Trồng sơ ri theo quy trình Nhật Bản

Những năm trước, nông dân trồng sơ ri ở Gò Công (Tiền Giang) chủ yếu canh tác dưới dạng nông hộ, quy mô nhỏ và trái sơ ri thu hoạch chủ yếu bán ra thị trường dưới dạng trái tươi, tiêu thụ nội địa.
Nghề trồng sơ ri đặc sản ở Tiền Giang đã phát triển nhiều năm.

Song từ đầu năm 2014, Công ty TNHH một thành viên Nichirei Suco Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến sơ ri xuất khẩu ngay trên vùng đất Gò Công đã mở ra cơ hội mới cho nông dân trồng loại cây đặc sản này.

Để đáp ứng yêu cầu thu mua nguyên liệu khắt khe của Công ty Nichirei Suco buộc nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất cũ, sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật để tạo ra trái sơ ri chất lượng cao và đồng đều.

Ông Dương Văn Hoanh ở xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông cho biết, hiện nay nhiều nông dân nơi đây đã chuyển sang trồng sơ ri theo quy trình kỹ thuật của Nhật Bản để đáp ứng yêu cầu thu mua trái sơ ri nguyên liệu của công ty, thay vì sản xuất theo kiểu truyền thống như trước đây.

Mặt khác, khi trồng sơ ri theo kỹ thuật canh tác của Nhật cũng cho trái sơ ri đồng đều hơn, chất lượng cao hơn và nhất là cung cấp trái sơ ri đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ông Hoanh, khi nông dân trồng sơ ri đăng ký cung cấp trái sơ ri nguyên liệu thì Công ty Nichirei Suco VN sẽ cho nhân viên kỹ thuật đến từng hộ hướng dẫn kỹ thuật từ khâu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sao cho bảo đảm an toàn, hiệu quả. Vườn trồng sơ ri cũng phải được cắt tỉa thông thoáng, xung quanh vườn phải đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn sinh học…

Đại diện Công ty Nichirei Suco Việt Nam cho biết, hiện công ty thu sơ ri của nông dân qua đại lý với giá 4.300 đồng/kg, chất lượng trái thu mua theo tiêu chuẩn của công ty. Quy trình canh tác sơ ri của Nhật cũng có những công đoạn, yêu cầu như đối với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP. Đến thời điểm này, công ty đã ký hợp đồng tiêu thụ với 410 hộ trồng sơ ri trên diện tích khoảng 70ha, chủ yếu tập trung ở xã Bình Ân và Tân Đông thuộc huyện Gò Công Đông.

Tuy nhiên, theo bà Châu Thị Tuyết - Chủ nhiệm HTX Sơ ri Gò Công (xã Long Thuận, thị xã Gò Công), có lúc HTX có tới 89 xã viên trồng sơ ri chua trên diện tích trên 30ha, tuy nhiên những năm qua nông dân trồng sơ ri đốn bỏ rất nhiều do giá cả sơ ri không ổn định, đầu ra sản phẩm không có nên nhiều nông dân xin ra khỏi HTX vì không thấy lợi ích.

Còn theo Sở NNPTNT Tiền Giang, sơ ri được xem là một trong những loại cây ăn trái đặc sản của địa phương, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa mà còn đầy tiềm năng để phục vụ chế biến xuất khẩu. Đến năm 2015, tỉnh phấn đấu mở rộng diện tích trồng sơ ri lên trên 500ha, sản lượng đạt trên 10.000 tấn/năm.

Theo danviet.vn