Trung ương Hội Nông dân hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm làm nông nghiệp hữu cơ
- Thứ tư - 04/12/2019 08:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung ương Hội nông dân Việt Nam và Tập đoàn Quế Lâm. |
Ngày 4/12, ông Lương Quốc Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và ông Nguyễn Thanh Vĩnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị.
Chứng kiến Lễ ký kết có đại diện Hội Nông dân hơn 20 tỉnh thành miền Bắc.
Căn cứ Chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hiệp hội Phân bón Việt Nam về việc phát triển chương trình nông nghiệp hữu cơ bền vững, căn cứ nội dung làm việc giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tập đoàn Quế Lâm từ năm 2018 đến nay, hai đơn vị đã thống nhất 5 nội dung hợp tác trọng tâm.
Hợp tác nhằm truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững; Hợp tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ và nông dân tham gia thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hướng dẫn bà con nông dân các tỉnh thành phố sử dụng có hiệu quả các loại phân bón hữu cơ vi sinh, các chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi mang thương hiệu Quế Lâm trong sản xuất nông nghiệp.
Hợp tác hướng dẫn, chuyển giao quy trình cho các hộ nông dân, hợp tác xã xử lý các phế phẩm phụ trong trồng trọt, chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại vườn, tạo nguồn phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Hợp tác, rà soát quy hoạch và lựa chọn các loại cây, con để xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ khép kín sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, các sản phẩm mang thương hiệu Quế Lâm.
Hợp tác cung ứng phân bón thương hiệu Quế Lâm cho hội viên, nông dân theo phương thức thanh toán tiền ngay hoặc trả chậm tùy theo từng điều kiện thực tế.
Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm ông Nguyễn Hồng Lam. |
Để thực hiện nội dung hợp tác trên, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân các tỉnh thành sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh mang thương hiệu Quế Lâm; Vận động hội viên Hội nông dân xây dựng các chuỗi cửa hàng nông sản hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và nông sản hữu cơ mang thương hiệu Quế Lâm; Chủ trì phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm xây dựng kế hoạch, tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn sử dung phân bón, các sản phẩm thương hiệu Quế Lâm vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ thông qua việc lồng ghép với các mô hình trình diễn; Tổ chức hội thảo chuyên đề, thông tin tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ.
Trung ương Hội Nông dân và Tập đoàn Quế Lâm cũng sẽ hướng dẫn, chuyển giao quy trình cho các hộ nông dân, hợp tác xã xử lý các phế phẩm phụ trồng trọt, chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại vườn.
Về phía Tập đoàn Quế Lâm, có trách nhiệm cùng với Hội Nông dân rà soát quy hoạch và lựa chọn các loại cây, con để xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ khép kín. Cung cấp các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học mang thương hiệu Quế Lâm đúng đủ, đảm bảo chất lượng cho bà con nông dân, cho các chương trình dự án các tỉnh, thành khi có nhu cầu.
Chuyển giao quy trình kỹ thuật cho các hộ nông dân, hợp tác xã xử lý các phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại vườn, thu mua phế phụ phẩm đã qua sơ chế...
Ông Lương Quốc Đoàn chúc mừng Tập đoàn Quế Lâm. |
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm, cam kết sẽ luôn sát cánh, hỗ trợ người nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Lễ ký kết hôm nay là khung để có cở sở cho các đơn vị, đặc biệt là các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, để làm nông nghiệp hữu cơ, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
Trong thời gian qua Tập đoàn Quế Lâm đã phối hợp, ký kết hợp tác với rất nhiều cơ quan trung ương, địa phương để hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững. Điển hình là thỏa thuận hợp tác với các đơn vị của Bộ NN-PTNT, các địa phương như TP.HCM, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị...
Theo thống kê, trong năm 2019, Tập đoàn Quế Lâm tiếp tục đầu tư đầu vào giống, phân bón hữu cơ vi sinh và thu mua đầu ra lúa cho nông dân với giá ổn định cao hơn thị trường từ (7.500 đ/kg - 8000 đ/kg), ứng dụng các chế phẩm sinh học Quế Lâm có kết quả tốt cho cây trồng vật nuôi như chế phẩm ủ phân hữu cơ vi sinh cho 145 mô hình tại tỉnh Sơn La, Vĩnh Phúc, liên kết đầu tư với các tỉnh Sơn La, Vĩnh Phúc trên diện tích 81 ha cây ăn quả, 16 ha rau màu...
Các mô hình liên kết liên tục được mở rộng ra các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Hòa Bình... Tất cả các diện tích trồng đều sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phát triển rất tốt, sản lượng và chất lượng tăng cao, không sâu bệnh…
Đặc biệt là các mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ. Từ 5 mô hình ban đầu tại Thừa Thiên - Huế, năm 2019, tổng đàn lợn hữu cơ được đầu tư các mô hình quy mô gia trại theo quy trình chăn nuôi hữu cơ, tại Quế Lâm miền Trung tăng lên 200 hộ quy mô 500 con/năm. Quế Lâm cũng mở rộng liên kết rộng khắp 3 miền Bắc Trung Nam và Tây Nguyên.
Ở Vĩnh Phúc và Thái Nguyên có trên 100 hộ nuôi trên 5000 con/năm, Quế Lâm Phương Nam nuôi 16 mô hình với trên 4.000 con, Quế Lâm Tây Nguyên nuôi 12 mô hình với trên 3.000 con/năm...
Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, đánh giá, việc thay đổi tập quán canh tác từ vô cơ sang hữu cơ là rất khó, để người nông dân làm đúng theo mình và làm thật là rất khó khăn. Chính vì vậy, với người nông dân, cách thức hiệu quả nhất chính là kết quả sản xuất thực tế, như cách Tập đoàn Quế Lâm đang làm.
Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn: Phải làm thật với mục tiêu thay đổi cách thức, thói quen và tư duy người nông dân. |
Đánh giá cao vai trò liên kết của Tập đoàn Quế Lâm với người nông dân, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định: Không làm thật, không quyết tâm không được. Những con số thống kê về phân bón, thuốc BVTV ảnh hưởng rất khủng khiếp, giết người dân từ từ và làm mất hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân đề nghị tập trung tuyên truyền trên cơ sở xây dựng các mô hình cụ thể, trước mắt là mục tiêu mỗi địa phương có 1-2 mô hình, phải làm thật với mục tiêu thay đổi cách thức, thói quen và tư duy người nông dân. Trên cơ sở các mô hình sẽ tổ chức đào tạo tập huấn, chuyển giao quy trình và nhân rộng các mô hình đến người nông dân.