Tỷ lệ thiệt hại lớn khiến giá thành sản xuất tôm cao
- Thứ sáu - 02/11/2018 22:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giá thành cao, sức cạnh tranh thấp
Diễn đàn tôm Việt 2018 với sự tham gia của hơn 500 đại biểu là các nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân nuôi tôm trong khu vực ĐBSCL. Diễn đàn tập trung thảo luận về cơ sở hạ tầng điện trong nuôi tôm; các giải pháp kỹ thuật, thị trường để có được giá thành tốt, nâng cao giá trị.
Theo thống kê, hàng năm ngành thủy sản đóng góp hơn 3% tổng giá trị GDP của Việt Nam. Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường 164 quốc gia trên thế giới, trong đó tôm là một trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực, với tổng giá trị kim ngạch chiếm khoảng 45% giá trị kim ngạch toàn ngành thủy sản, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 700.000 hộ gia đình.
Diễn đàn tôm Việt 2018 bàn nhiều về giải pháp giảm giá thành sản xuất tôm. Ảnh: Chúc Ly.
Tuy nhiên, giá tôm từ những tháng đầu năm 2018 đến nay giảm mạnh, ở nhiều size/cỡ giá thành còn thấp hơn giá sản xuất làm nhiều hộ dân lỗ hoặc ngừng sản xuất.
Theo Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, giá tôm trong nước còn bị ảnh hưởng bởi xu hướng giá thế giới, hiện đang giảm mạnh do nguồn cung tăng cao. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất của chúng ta còn cao hơn nước bạn Ấn Độ, Thái Lan từ 15-20%.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: Ngành tôm Việt Nam đang có bước phát triển khá tốt, ngày càng có đóng góp quan trọng trong xuất khẩu, cũng như sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Song, chúng ta cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, xuất khẩu tôm đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của các nước bạn trong khu vực. Trong nước, chúng ta còn phải giải quyết nhiều vấn đề tồn tại, như công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, tình trạng nuôi tôm tự phát khó kiểm soát…
Ông Dương Thành Trung phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Chúc Ly.
“Trong đó, vấn đề khó khăn trực diện của con tôm Việt Nam hiện nay là giá thành nuôi tôm vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh cũng như sự phát triển ổn định, bền vững của ngành tôm. Giảm giá thành trong nuôi tôm là vấn đề cấp bách hàng đầu trong ngành tôm Việt Nam hiện nay” - ông Trung nhận định.
Trong khi đó, qua nghiên cứu của các chuyên gia Khoa thủy sản, trường Đại học Cần Thơ, ước tính ban đầu, năng lượng chiếm khoảng 10% chi phí đầu tư cho vụ nuôi tôm, từ khoảng 50-200 triệu đồng tiền điện ha/vụ, và có khoảng 10-30% diện tích nuôi tôm thâm canh/bán thâm canh bị thiếu điện.
TS Võ Nam Sơn, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Năm 2017, tổng diện tích nuôi thủy sản của 10 tỉnh phía nam (Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận) đạt hơn 428.495ha và phải sử dụng điện khoảng 11.980 triệu kWh. Diện tích quy hoạch nuôi tôm đến năm 2020 của 10 tỉnh trên là 651.266ha và lượng điện tiêu thụ sẽ tăng lên khoảng 30% so với năm 2017.
Liên kết để giảm giá thành
Theo đó, nhiều đại biểu cũng đề xuất, cần phát triển lưới điện 3 pha ổn định phục vụ sản suất, kết hợp với việc tập huấn cho nông dân sử dụng các trang thiết bị điện một cách an toàn và hợp lý, nhằm hạ giá thành sản xuất.
Theo Ths Nguyễn Văn Phụng, Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, nhiều hộ nuôi tôm hiện nay chưa tiếp cận được qui trình nuôi hiệu quả. Chính vì thế, việc sử dụng chế phẩm, hóa chất và kháng sinh trong xử lý môi trường, phòng và trị bệnh rất nhiều, nhưng hiệu quả chưa cao. Cách sử dụng như thế ngoài tăng chi phí, vi khuẩn kháng thuốc khó phòng và trị, còn để lại dư lượng hóa chất và kháng sinh ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cho tiêu thụ trong nước và đặc biệt là xuất khẩu.
Ths Phụng cũng kiến nghị: Đối với nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, năng suất tôm nuôi cao hơn khi bà con tiến hành ương tôm giống trước khi thả sang ao nuôi, sử dụng thức ăn viên, chỉ cấp bù nước hoặc thay nước, sử dụng vi sinh định kỳ để diệt khuẩn. Đối với nuôi tôm sú bán thâm canh, năng suất tôm nuôi cao hơn khi sử dụng vi sinh; còn đối với nuôi tôm sú thâm canh thì nên kết hợp vi sinh và hóa chất hoặc sử dụng vi sinh định kỳ để diệt khuẩn….
Mô hình nuôi tôm thẻ trong hồ tròn lót bạc ở Bạc Liêu được đánh giá cao khi mang lại hiệu quả cao, giảm giá thành. Ảnh: Chúc Ly.
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu nhận định, xu hướng chung thì con tôm trong thời gian tới sẽ giảm giá chứ không tăng, do vậy bài toán đặt ra là phải xác định các yếu tố tác động khiến giá thành nuôi tôm cao.
TS Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhận định: Hiện nay, giải pháp hạ giá thành con tôm cứ trông vào đầu tư nhà nước là rất khó. Chính các nhà khoa học, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương phải tiếp cận những cơ chế, chính sách đã có để giúp người nuôi tôm. Ngoài ra, giảm chi phí thức ăn là một vấn đề quan trọng để giảm giá thành. Chi phí thức ăn trong giá thành tôm phải giảm xuống còn 30-40%. Vấn đề này, các doanh nghiệp cũng phải đồng hành với cơ quan quản lý và người dân.
“Đối với hộ nuôi tôm, với diện tích ao nuôi của chúng ta thì cần có diện tích ao ương sao cho phù hợp và sử dụng công nghệ thế nào để giảm giá thành là điều quan trọng. Hiện nay những mô hình nuôi hai giai đoạn làm cho con tôm khỏe mạnh ngay từ đầu, khi chúng ta nuôi giai đoạn sau thì sẽ có hệ số thức ăn giảm, từ đó làm giảm giá thành” - ông Luân kiến nghị.
Ngoài ra, ông Luân cho rằng, việc tổ chức liên kết đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ hiện nay không thể không làm. Địa phương cũng phải có cái nhìn thực chất và tác động hỗ trợ mạnh hơn để người dân thay đổi nhận thức, phải tổ chức liên kết. Việc liên kết sẽ giúp người nuôi tiếp cận tốt về giống, giảm được 15-20% chi phí giống; các chế phẩm, thức ăn cũng rẻ hơn.
“Các doanh nghiệp, nhà máy chế biến phải chung tay với chính quyền để thúc đẩy nhiều hơn các chuỗi liên kết, thì chi phí mới giảm được, hiệu quả sản xuất tăng lên, quan trọng nhất là thiệt hại giảm xuống. Như các đại biểu đã nói, chi phí cao đang nằm ở tỷ lệ thiệt hại trong nuôi tôm cao, bây giờ chúng ta phải giảm tỷ lệ này” - ông Luân khẳng định.
Nhu cầu điện năng cần cung cấp thêm cho nuôi tôm sú thâm canh là 209,98 triệu KW.h (2020) và thêm 322,65 triệu KW.h (2025); cho nuôi tôm thả chân trắng nếu tăng về diện tích lót bạt là khoảng 2.367,55 triệu KW.h (2020) và 6011,29 triệu KW.h (2025); trường hợp chỉ tăng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ao đất là 421,82 triệu KW.h (2020) và 1.071,01 tiệu KW.h (2025) - theo Quyết định 79/QĐ-TTg – 2018. |