Ứng dụng máy cấy AP4 trên vùng sản xuất lúa-tôm

Ứng dụng máy cấy AP4 trên vùng sản xuất lúa-tôm
Ngày 20/9, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau phối hợp với Trường Đại học Cần thơ và Viện Yanmar Agricultural Research (YARI) tổ chức Hội thảo trình diễn máy cấy trên vùng sản xuất lúa-tôm

Hơn 100 nông dân ở vùng chuyên canh sản xuất lúa-tôm ở các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời và Cái Nước thuộc tỉnh Cà Mau đã chứng kiến thực tế buổi trình diễn máy cấy lúa AP4-Yanmar (công nghệ Nhật Bản) trên diện tích sản xuất lúa-tôm 2.500m2 của hộ ông Nguyễn Văn Hùng (ấp kinh 5, xã Tân Phú, huyện Thới Bình).
Ông Nguyễn Văn Hùng phấn khởi cho biết, sử dụng máy cấy AP4 sẽ rút ngắn được thời gian sản xuất và giảm được chi phí thuê mướn nhân công từ 50-60%. Trong khi đó, theo lối cấy truyền thống, nếu cấy 1ha lúa/ngày thì phải cần số lượng 10-14 nhân công, với chi phí chi trả cho công cấy là 2,5 triệu đồng/ha.
Ông Phạm Tấn Hải, đại diện Công ty Bayer CropScience tại Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Công ty sẽ cung cấp giống lúa lai ARIZE B-TE1 để thay thế giống lúa một bụi đỏ cho năng suất thấp ở vùng sản xuất lúa-tôm tại tỉnh Cà Mau.
Đây là giải pháp giúp nông dân tăng năng suất và giảm thất thoát khi thu hoạch. Thực tế minh chứng, vụ sản xuất lúa-tôm năm 2012, nông dân tỉnh Kiên Giang xuống giống lúa lai, sau 105 ngày thu hoạch cho năng suất 8,3 tấn/ha và thu được lợi nhuận chênh lệch trên 16 triệu đồng/ha.
Máy cấy lúa AP4 được thiết kế công suất cấy đạt diện tích từ 1-1,2ha/ngày, mật độ cấy dày gấp 2-3 lần so với cách cấy truyền thống.
Với tính năng tiện ích của máy cấy AP4, giúp nông dân tiết kiệm được khá lớn chi phí đầu tư vào sản xuất, chưa kể nông dân còn được nhiều cái lợi khác như chủ động được thời vụ sản xuất, rút ngắn thời vụ canh tác lúa-tôm, tăng năng suất và chất lượng lúa, tăng lợi nhuận cho người nông dân./.

Theo TTXVN