Việt Nam trước cơ hội từ các hiệp định thương mại
- Thứ tư - 23/07/2014 19:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây là cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm bớt rủi ro phụ thuộc vào một số thị trường.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã trải qua 20 vòng đàm phán và được kỳ vọng có thể hoàn tất vào cuối năm nay. Theo cam kết trong hiệp định, các nước thành viên sẽ phải xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu, trong đó khoảng 90% là xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Chỉ riêng các nước tham gia hiệp định này đã chiếm tới 40% tổng GDP và 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn cầu. Nếu đàm phán, ký kết được hiệp định này, hàng hóa Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập vào các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Mexico, Nhật Bản...
Trong đó, dệt may là một trong những ngành được dự báo có nhiều lợi thế khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương được ký kết. Khoảng 1.000 dòng thuế đối với hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ (thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam) sẽ được cắt giảm dần về 0%, thay vì 18% như hiện nay.
Việt Nam cần mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu tránh phụ thuộc vào 1 đối tác.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may có thể duy trì từ 15% – 20%/năm và đến năm 2025, quy mô xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt trên 50 tỷ USD. Tuy nhiên, để gia nhập sân chơi chung này, dệt may Việt Nam phải đáp ứng được điều kiện nhất định, như quy tắc xuất xứ hàng hóa sử dụng nguyên liệu nội khối TPP.
Theo bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, đứng trước cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường, các doanh nghiệp ngành dệt may buộc phải đổi mới, đầu tư sản xuất nguyên liệu; tạo quy trình khép kín từ sợi - dệt - nhuộm hoàn tất – may; tăng tỷ lệ nội địa hóa và gia tăng giá trị sản phẩm, mới có thể tận dụng được lợi thế từ hiệp định TPP.
“Thách thức của dệt may Việt Nam là làm sao có được sản phẩm mà được sản xuất từ sợi ở Việt Nam. Và ngay cả những nước trong TPP cũng khó, nên chúng ta có cách là tăng cường sản xuất nguồn nguyên liệu ở Việt Nam. Nếu dự án đầu tư khâu nguyên liệu có thể phát triển từ giữa 2014 thì nó cũng là một trong những vấn đề giúp cho Việt Nam có thêm thuận lợi. Hiệp hội cũng đang chuẩn bị đào tạo, chuyển phương thức sản xuất từ gia công sang hiện đại như vậy sẽ tăng giá trị gia tăng sản phẩm”, bà Dung cho biết.
Bên cạnh hiệp định TPP, trong năm nay, Việt Nam còn tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại khác như: Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam và Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan.
Với nhiều ưu đãi về thuế quan, thông qua các hiệp định thương mại này, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông sản, vốn đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, tới đây có thể đến được các thị trường tiềm năng khác.
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, các yêu cầu khắt khe từ hiệp định thương mại này buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, bước vào một “sân chơi” rộng lớn, hội nhập sâu vào khu vực và quốc tế:
“Các doanh nghiệp Việt Nam phải từ bỏ thói quen là dễ làm khó bỏ. Phải tự nâng cao đổi mới, chấp nhận cuộc cạnh tranh chứ không phải tham gia vào chuỗi giá trị mà lại nằm ở cuối chuỗi đó. Mấy chục năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là cơ hội và thách thức để doanh nghiệp vươn lên. Doanh nghiệp phải đổi mới, sử dụng những hiệp định sắp ký kết để nâng cao giá trị của chúng ta”, ông Huỳnh chỉ rõ.
Mặt khác, lĩnh vực nhập khẩu của Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi. Với các ưu đãi thuế quan, các trang thiết bị, máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào và hàng tiêu dùng từ các nước đối tác hiệp định thương mại, đặc biệt từ các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến, có thể nhập khẩu vào Việt Nam với giá cả hợp lý hơn.
Chỉ tính riêng nhập khẩu 2 mặt hàng nhập khẩu điện tử và máy móc từ thị trường EU năm 2005 mới đạt 2,6 tỷ USD, sau 5 năm đã tăng lên 7,6 tỷ USD. Nếu hiệp định được ký kết, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp Việt Nam nhập sản phẩm chất lượng cao với chi phí thấp hơn, giảm dần tình trạng nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc, vốn gia tăng mạnh mẽ những năm gần đây.
Đứng trước cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại, Việt Nam đang tích cực đàm phán để đạt được những thỏa thuận có lợi cho việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: Chủ trương của Chính phủ là mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới và các thị trường nhập khẩu mới để tránh phụ thuộc vào 1 đối tác. Việc tham gia đàm phán hiệp định, lợi ích cơ bản là mở cửa thị trường hàng hóa, tạo điều kiện cho những mặt hàng có lợi thế của chúng ta như dệt may, da giày, nông sản…thâm nhập với quy mô lớn hơn.
“Nếu quá trình đàm phán thành công, khả năng tăng xuất khẩu mặt hàng lợi thế sẽ tăng lên rõ rệt do ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính. Đây là nội dung căn bản mà chúng ta phải đạt được trong quá trình đàm phán. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách cho sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng, tăng khả năng xuất khẩu, để qua đó xuất khẩu ngày càng ổn định và bền vững”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi ký kết được các hiệp định như TPP, hay FTA Việt Nam – EU, Việt Nam và Liên minh Thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan, Việt Nam cần xây dựng chương trình xúc tiến cụ thể theo từng ngành hàng; lập quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp phụ trợ…
Để không bỏ lỡ cơ hội “vàng” từ các hiệp định, Chính phủ cần sớm ban hành các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may, da giầy, nông nghiệp…khai thác hiệu quả những lợi thế và tiềm năng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh./.
Theo VOV