“Vỡ” cơ cấu vì giống VTNA 2 nảy mầm kém!
- Thứ bảy - 18/01/2014 12:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giống nảy mầm kém…
Ít nhất là đã 3 năm trôi qua, giống VTNA 2 của Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An là cái tên quen thuộc với bà con nông dân Hà Tĩnh. Vụ xuân 2014, toàn tỉnh có khoảng 6.000 ha (chiếm 70% diện tích xuân muộn) sản xuất loại giống được xem là nằm trong “top” đầu chất lượng này. Chỉ đến khi, một số hộ dân đem giống ngâm ủ để chuẩn bị cho kỳ gieo sạ sắp tới thì mới “tá hỏa” vì nảy mầm kém.
Nông dân Thạch Tân (Thạch Hà) đau đầu vì giống VTNA 2 nảy mầm kém |
Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Tân (Thạch Hà) cho biết: “Thạch Tân là xã có diện tích sản xuất giống VTNA 2 lớn nhất huyện với 10 tấn giống, tương đương với khoảng 160 ha (tất cả diện tích đều thuộc cánh đồng mẫu). Sau một ngày nhận giống (12/1), Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An báo rằng có phản ánh về lô giống kém chất lượng, chúng tôi đã cho ngâm ủ thử nghiệm 2 mẫu thì cả hai đều có tỷ lệ nảy mầm dưới 40%. Rất may, giống vừa nhận về chưa kịp phân phát cho hộ dân, nếu không rất khó để thu hồi trọn vẹn”.
Trong số hai mẫu thì lô giống mà ông Nguyễn Hoành Tỷ, xóm Bình Tiến nhận ngâm thậm chí không mọc mộng lấy một hạt nào. Ông cho biết: “Mấy chục năm làm nông, chưa bao giờ tôi thấy ủ giống mà không lên một hạt nào như số giống VTNA2 vừa rồi. Mặc dù tuân thủ đúng quy trình ngâm ủ, nhiệt độ bảo quản nhưng khi đổ ra hạt giống cứ bị nứt dọc, đành đổ cho gà ăn. Năm nào gia đình tôi cũng làm 7- 8 sào VTNA 2, bây giờ đành lấy giống tự để bù vào diện tích bị “hụt” thôi”.
Theo báo cáo của ngành chuyên môn, vụ xuân 2014, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An cung ứng về Hà Tĩnh 304,8 tấn giống lúa VTNA 2, trong đó cấp nguyên chúng 281 tấn và 23 tấn cấp xác nhận. Đến ngày 14/1, có đến trên 80 tấn (tương đương với 1.600 ha) có tỷ lệ nảy mầm kém thuộc các lô có ký hiệu: ĐX. 13.005.1; ĐX. 13.005.2; ĐX. 13.001.1 và ĐX. 13.001.2, chia đều cho 7 huyện trên địa bàn tỉnh. Vài ngày qua, các địa phương đã thông báo thu hồi số giống kém chất lượng đến tận hộ dân, tuy vậy việc này cũng không hề đơn giản chút nào. Quan trọng hơn, phần lớn diện tích được cơ cấu đều nằm trong cánh đồng mẫu, việc thiếu hụt nguồn giống một cách đột ngột khiến cho không ít cánh đồng bị xé lẻ. Trong khi đó, thời vụ xuống giống chỉ còn lại không quá một tuần lễ, ai có thể cam đoan rằng trong lúc bức bí, người nông dân không sử dụng giống ngoài cơ cấu, giống kém chất lượng cho vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm này.
Ông Phan Hùng Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp Can Lộc cho biết: “Hiện nay, huyện đã dự trữ một số dòng giống thay thế như: TH3-3, TH3-4, Bắc thơm số 7. Tùy theo nhu cầu của người dân, huyện sẽ cung ứng kịp thời để bà con đủ giống sản xuất, không bỏ hoang diện tích”.
“Chữa cháy” bằng giống sản xuất thử
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi có kết quả về số giống kém chất lượng, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã thống nhất với các địa phương thu hồi các lô giống VTNA 2 và thay thế bằng các giống lúa thuần khác mà doanh nghiệp này có là giống DT 68 và giống gạo đỏ Nam Đàn. Mặc dù theo giá thị trường thì giá hai loại giống thay thế này đắt hơn 5.000 đồng/kg nhưng tổng công ty đồng ý đổi bằng lượng giống cũ.
Giống lúa VTNA 2 được bà con nông dân Hà Tĩnh tin dùng trong nhiều năm |
Đại diện lãnh đạo Tổng công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An cho biết: “Tổng công ty đang tiến hành cho thu hồi số giống nảy mầm kém và xử lý theo hợp đồng. Hiện nay, lượng giống VTNA2 dự trữ của đã hết, chúng tôi sẽ bù bằng hai giống hiện có là DT 68 và gạo đỏ Nam Đàn. Theo đó, cam kết thực hiện theo đúng quy trình, đền bù năng suất nếu thấp hơn năng suất trần của địa phương và thu mua với giá cao hơn giá thị trường 10%”.
Chiều 17/1, xã Thạch Tân (Thạch Hà) đã tiếp nhận 10 tấn giống DT 68, được biết một số xã ở Cẩm Xuyên cũng đồng ý thương lượng sản xuất giống gạo đỏ Nam Đàn, nhằm “lấp chỗ trống” kịp thời, tạo điều kiện cho bà con sản xuất đúng khung thời vụ. Nói gì thì nói, đây vẫn là phương án “nóng tay, bắt lỗ tai” vì dẫu gì cả hai loại giống này đều nằm trong nhóm sản xuất thử, vẫn chưa được Bộ NN&PTNT công nhận là bộ giống quốc gia. Biết đâu, số giống kém chất lượng không chỉ dừng lại ở con số 80 tấn mà có thể còn tăng trong những ngày tới (vì chưa đến lịch gieo nên nhiều địa phương chưa tiến hành ngâm ủ giống - PV) thì việc mạo hiểm thử sức với các loại giống ngoài cơ cấu ở thời điểm “ngày cùng tháng tận” thật chẳng khác nào một canh bạc đỏ đen?!
Còn nhớ, cách đây vừa trong một năm, cũng bài toán chữa cháy vì thiếu giống VTNA 2, doanh nghiệp này đã đưa về xã Thạch Tân (Thạch Hà) giống DT 68 sản xuất cánh đồng mẫu với diện tích 50 ha. Quá trình sinh trưởng, giống bị đạo ôn cổ bông, cho năng suất chỉ bằng một nửa, thậm chí nhiều cánh đồng “trắng tay”, xã kêu công ty, công ty đổ lỗi chính quyền. Cuối cùng, người nông dân chân lấm tay bùn lại phải nai lưng gánh cái hậu quả từ trên trời rơi xuống ấy!
Trăn trở về công tác quản lý về giống
Theo giải trình của phía Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An thì những lô giống xảy ra sự cố là do khi phát hiện độ ẩm cao, chưa đạt chuẩn của giống (chuẩn là 13%) thì đơn vị đã tiếp tục cho sấy nhưng do hơi quá nên tỷ lệ độ ẩm chỉ còn 11%, khiến lúa không thể nảy mầm. Cứ cho là “tai nạn” thì không hiểu sao đối với doanh nghiệp kinh doanh giống có thương hiệu như Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An lại mắc phải một lỗi bình thường như vậy! Phải chăng là quy trình kiểm tra chất lượng giống trước khi cho xuất kho lâu nay đang bị bỏ trống?
Còn cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp tại Hà Tĩnh là Sở NN&PTNT lại gần như “bất khả xâm phạm” quy trình kiểm tra nguồn giống. Phó Phòng quản lý chất lượng trực thuộc Sở cho biết: “Hàng năm phòng đều tiến hành kiểm tra lấy mẫu giống trước vụ sản xuất của tất cả loại giống do đơn vị trong tỉnh cung ứng, riêng giống của Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An rất khó lấy mẫu vì hầu như doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương không báo với sở mà đi thẳng xuống xã, khi cán bộ kỹ thuật đến thì hoặc giống chưa về hoặc đã phát cho người dân rồi”.
Và, sự thật còn bẽ bàng hơn chính cơ quan chức năng cũng không thể nắm rõ, bao nhiêu phần trăm lô giống của công ty này về trên địa bàn có phiếu kiểm nghiệm giống. Kể cả khi sự cố xảy ra, doanh nghiệp đã “ngầm” thu hồi từ hôm 10/1 nhưng mãi đến 12/1, Sở NN&PTNT phát hiện được thông tin.
Phải nói rằng, hậu quả hôm nay là hệ lụy của thực trạng sản xuất, cung ứng giống theo lối “trăm hoa đua nở”. Mặc dù cách đây một năm, Sở NN&PTNT đã có văn bản cấm tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước tham gia vào hợp đồng mua bán giống, cấm thì cứ cấm, mệnh ai người đấy làm. Cứ nhìn vào bảng thống kê cung ứng nguồn, cứ như lộn vào mớ bòng bong, nguồn giống đưa về cùng một địa phương mà nơi thì Trung tâm chuyển giao KHKT và BVCTVN ký, nơi xã ký, nơi lại trách nhiệm của phòng nông nghiệp. Đó là chưa kể qua các HTX và đại lý kinh doanh, nói thật, quản lý hết đầu mối này nhà chức trách có mà “bở hơi tai” cũng không kiểm soát nổi hàng kém chất lượng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: Không để người dân thiếu giống sản xuất Trong cuộc họp xử lý giống kém chất lượng VTNA 2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định: cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đã quá chủ quan, buông lỏng trong việc quản lý quy trình chất lượng giống. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo các huyện, xã rà soát lại toàn bộ bộ giống vụ xuân 2014, đặc biệt là giống VTNA2. Đến hết 20/1, phải hoàn tất việc xác định tỷ lệ giống chất lượng kém, đồng thời kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, hợp đồng mua bán giống và có phương án xử lý hợp đồng đối với số giống kém chất lượng đúng pháp luật, nghiêm minh. Đối với các huyện, chủ động lên phương án chuẩn bị giống dự phòng theo cơ cấu gồm TH3-3, KD đột biến và PC6; cân đối giống trong dân, nhằm kiên quyết không để người dân thiếu giống sản xuất, bỏ hoang diện tích. Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV: Không cơ cấu giống sản xuất thử, giống nguyên chủng vào cánh đồng mẫu Theo quy định của Bộ NN&PTNT, sản xuất cánh đồng mẫu là sản xuất lúa hàng hóa, do đó chỉ sử dụng giống ở cấp xác nhận. Điều này các địa phương không chấp hành khuyến cáo khi nhiều vùng vẫn sử dụng giống nguyên chủng vào cánh đồng mẫu. Thứ hai, đối với bộ giống chưa được Bộ NN&PTNT công nhận là bộ giống quốc gia thì chỉ được sản xuất thử trên một diện tích nhất định, không cơ cấu vào cánh đồng mẫu. Theo đó, quy trình này phải tuân thủ đúng quy định của nhà nước, tức là doanh nghiệp phải cử cán bộ bám sát, theo dõi cùng với địa phương và báo với sở NN&PTNT về quy trình sản xuất, quá trình sinh trưởng của giống để theo dõi năng suất. Trong trường hợp, năng suất thực thu thấp hơn trung bình của địa phương thì doanh nghiệp phải bồi thường theo hợp đồng. |
NGUYỄN OANH
Theo baohatinh.vn