Vốn "rót" cho nông nghiệp công nghệ cao: Nhiều nhưng vẫn thiếu
- Chủ nhật - 11/11/2018 09:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều chương trình nhưng vẫn “vướng”
Đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, do 8 ngân hàng thương mại triển khai.
Đầu tư NNCNC cần nguồn vốn lớn nên tiếp cận vốn ngân hàng là xu thế chính trong NNCNC hiện nay. Ảnh: N.T
Đối tượng áp dụng gồm pháp nhân và cá nhân có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất - kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Ngân hàng sẽ cho vay đối với các nhu cầu vốn ngắn, trung và dài hạn, với lãi suất thấp hơn 0,5-1,5% một năm so với mức thông thường. Nguồn vốn do các ngân hàng cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường. |
Người vay vốn theo chương trình được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm cho khoản vay theo quy định của pháp luật. Ngoài ra các yếu tố như tính khả thi, hiệu quả, khả năng quản lý dòng tiền của dự án cũng được ngân hàng đánh giá, xem xét.
Trong đó, tổng số vốn Agribank dự kiến dành cho gói tín dụng này là 50.000 tỷ đồng, với nhiều mức cho vay khác nhau. Vay ngắn hạn dưới 12 tháng thì mức vay có thể là 100% tổng nhu cầu vốn, vay trung hạn từ 12 - 60 tháng sẽ có mức vay tối đa 80%, vay trên 60 tháng có thể vay 70% tổng nhu cầu vốn. Vietcombank đăng ký gói tài trợ 10.000 tỷ đồng với những ưu tiên về nhận tài sản bảo đảm và ưu đãi lãi suất.
Tháng 4-7.2017, tổng lượng vốn hơn 2.500 tỷ đồng đã được ngân hàng giải ngân cho vay các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, như 600 tỷ đồng cho nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ… Vietinbank cũng dành nguồn vốn 10.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Vinh - Phó Tổng Giám đốc Vietinbank cho biết, công tác triển khai gặp nhiều khó khăn như ngân hàng khó xác định việc đáp ứng tiêu chí về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định, số lượng doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận có ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa triển khai rộng rãi tỉ lệ phí bảo hiểm nông nghiệp hiện đang khá cao...
“Để hỗ trợ dự án tiếp cận nguồn vốn, chúng tôi nới lỏng các điều kiện tài sản đảm bảo. Đó là việc nhận tài sản trên đất nông nghiệp như nhà kính hay tài sản trên đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, tỉ lệ tiền vay cao hơn thông thường, có thể lên tới 80% giá trị tài sản đảm bảo, vẫn cho vay không có tài sản đảm bảo khi dự án có biện pháp quản lý dòng tiền tốt” - ông Vinh cho hay.
Cần đa dạng loại hình tài sản đảm bảo
Góp phần giải quyết các khó khăn trong việc vay vốn gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chi tiết các ngân hàng thương mại triển khai gói vay, đồng thời nghiên cứu đa dạng loại hình tài sản đảm bảo, có thể thế chấp bằng phương án kinh doanh...
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ NNPTNT nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất nông nghiệp, cũng như chứng nhận doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao.
Riêng khu vực TP.HCM, có nhiều gói hỗ trợ tài chính dành cho dự án nông nghiệp tại địa bàn này. UBND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND năm 2017 khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ 100% lãi suất cho vay sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong năm 2018, Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM thông qua chương trình hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp sẽ hỗ trợ tối đa 70% kinh phí nhưng không quá 300 triệu cho mỗi mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Đối tượng là hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp... hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có dự án triển khai trên địa bàn 5 huyện và 5 quận của thành phố.
Khoản hỗ trợ và các hình thức hỗ trợ dựa theo bản kế hoạch và dự toán của các mô hình. Trong đó, nguồn vốn được dùng chủ yếu cho các hoạt động tư vấn, thiết kế, chế tạo, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo… Bên cạnh đó, Sở sẽ kết hợp với các cơ quan và tổ chức khác chung tay hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, tư vấn, giám sát để các mô hình khởi nghiệp lớn mạnh.
Đại diện Sở cho biết, hội đồng đánh giá các mô hình tham gia vào chương trình là những chuyên gia trong các lĩnh vực thiết kế - chế tạo, nông nghiệp, kinh tế... Các thành viên hội đồng sẽ đánh giá hồ sơ dự án, lắng nghe mô hình thuyết trình và chất vấn liên quan đến quá trình thực hiện. Tiêu chí để đánh giá gồm ứng dụng KHCN đã triển khai trên thực tế và có tiềm năng phát triển, phù hợp để thực hiện trên địa bàn TP.HCM...
Theo Nguyên Thanh (danviet.vn)