Vụ ĐX 2013-2014: Băn khoăn lúa giống cho cánh đồng mẫu lớn
- Thứ hai - 09/09/2013 06:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông dân tự để giống
Hiện năng lực SX, cung ứng lúa giống của các địa phương chỉ đáp ứng được khoảng 10%. Có lẽ vì vậy mà phần lớn nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đều phải tự chủ động nguồn giống theo kiểu “làm vụ này để lại cho vụ sau”.
Nông dân Đỗ Anh Tuấn, ấp Kênh 5B, xã Tân An, Tân Hiệp (Kiên Giang) nói: “Trước đây, chúng tôi cứ thấy đám ruộng nào tốt thì để lại làm giống. Bây giờ có bài bản hơn là dành riêng một diện tích nhất định để làm giống. Vụ sau muốn làm giống gì thì đi mua 1 - 2 bao lúa giống nguyên chủng về gieo sạ, chăm sóc kỹ hơn để làm giống”.
Theo ông Tuấn, giá lúa giống xác nhận thường cao gấp 2 - 3 lần lúa hàng hóa nên nông dân ngán ngại bỏ tiền ra mua. Nếu mua lúa giống để gieo sạ hết diện tích lớn thì chi phí sẽ tăng lên cao, SX không có lời.
Hơn nữa, các cơ sở bán lúa giống thường ở rất xa, nông dân muốn mua nhiều cũng không có phương tiện vận chuyển về nhà. Giống xác nhận mua ở các cơ sở SX so với giống nông dân tự làm cũng không khác mấy, chẳng qua là họ có máy loại hạt, nên nhìn bắt mắt hơn mà thôi.
Anh Ngô Hữu Hiệp làm 2 ha lúa ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), nói: “Năm nay giá lúa bấp bênh quá, vụ HT rồi tôi làm giống lúa IR 50404 thu hoạch kêu bán vô cùng khó khăn. Rút kinh nghiệm nên từ vụ TĐ năm nay tôi quyết định chọn giống lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, đi mua lúa giống cũng không phải dễ nên tự làm giống cho chắc ăn".
DN liên kết SX giống cho CĐML
Đang trong thời điểm chuẩn bị giống cho vụ ĐX 2013-2014, thị trường lúa giống bắt đầu nóng lên. Ông Trịnh Văn Thắng, chủ cơ sở SX lúa giống Hưng Phát, xã Thới Thạnh, Thới Lai (TP Cần Thơ) cho biết: Theo dự báo, giá lúa giống năm nay có phần thấp hơn so với cùng kỳ từ 10 - 20%. Nguyên nhân giá lúa thịt ngoài thị trường giảm đã ảnh hưởng đến lúa giống.
Hơn nữa, nhiều nông dân đã tự để giống phục vụ cho vụ kế tiếp. Cơ sở của ông Thắng tiêu thụ trên 200 tấn lúa giống các loại/năm. Vụ lúa ĐX tới đã liên kết với một số HTX làm CĐML để SX lúa giống cung cấp cho thị trường.
Tại tỉnh Hậu Giang, mỗi năm nông dân cần khoảng 24.000 tấn lúa giống để gieo sạ cho diện tích trên 200.000 ha. Tuy nhiên, Trung tâm Giống nông nghiệp của tỉnh chỉ có khả năng đáp ứng một số lượng rất hạn chế so với nhu cầu.
Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Trung tâm này cho biết, kế hoạch chuẩn bị lúa giống cho vụ ĐX tới của Trung tâm chỉ vỏn vẹn 130 tấn, trong đó có 30 tấn nguyên chủng, chủ yếu là các giống OM 5451, OM 6976, OM 8017…
Để có được lượng giống này, Trung tâm phải liên kết với mạng lưới bên ngoài để SX, do quỹ đất hiện có của Trung tâm rất ít, chỉ 4 ha, mỗi vụ SX chỉ được khoảng 20 tấn lúa nguyên chủng đã là nhiều. Vì vậy, nguồn lúa giống phục vụ SX nông dân phải tự chuẩn bị lấy hoặc mua ở các tỉnh lân cận là chính.
Ông Lê Hữu Pháp, Trưởng phòng Quản lý chất lượng phát triển sản phẩm, Trung tâm Nghiên cứu SX giống Bình Đức (Cty CP BVTV An Giang) cho biết, kế hoạch năm 2014 Cty SX gần 30.000 tấn lúa giống thuần để đáp ứng cho các thị trường ở ĐBSCL và Đông Nam bộ.
Với hơn 20 bộ giống được Cty đặt hàng bao tiêu của nông dân ở An Giang và Đồng Tháp SX lúa giống với gần 5.000 ha, trong đó Cty tự SX khoảng 1.200 ha, số còn lại do mạng lưới SX.
Trong đó, vụ ĐX là vụ chính, vì có thời tiết thuận lợi sẽ cho ra những hạt giống tốt phục vụ nông dân trong các vụ còn lại. Để đảm bảo chất lượng lúa giống, nông dân tham gia mạng lưới được cán bộ kỹ thuật của Cty xuống hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác lúa giống, đến khi thu hoạch Cty bao tiêu thu về chế biến, đóng bao, xuất bán ra thị trường.
Ông Nguyễn Văn Hồng, GĐ Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp cho biết: Nhu cầu giống của vụ ĐX 2014 tới đây của Đồng Tháp rất lớn, vì tỉnh đang phát triển CĐML nên sản lượng giống tăng từ 10-15% so với các năm trước.
Chủng loại giống cũng được cơ cấu tập trung giống chất lượng cao chiếm 95%, đa phần SX lúa trong CĐML theo đơn đặt hàng của DN. Riêng đối với Cty đã liên kết với các câu lạc bộ giống và ký kết với nông dân để vụ ĐX tới Cty sẽ cung cấp từ 1.000 - 1.200 tấn lúa chất lượng cao.
Chỉ 10% giống được kiểm định
“Riêng về khâu kiểm định chất lượng lúa giống, do Phòng không có phương tiện cũng như nhân lực nên các đơn vị SXKD phải tự mướn những tổ chức được Cục Trồng trọt cấp phép thực hiện”, ông Phạm Công Hoan (Sở NN- PTNT Kiên Giang) nói. |
Theo số liệu thông kê, hiện chỉ có khoảng 10% lượng lúa giống ở ĐBSCL được kiểm định chất lượng trước khi bán ra thị trường. Đây là nguồn giống do các cơ quan chính thống SX, được quản lý. Còn lại là giống trôi nổi do tổ chức, cá nhân nông hộ tự SX trao đổi với nhau, không được kiểm nghiệm cả trên ruộng cũng như sau thu hoạch.
Tại Kiên Giang, chỉ 5 đơn vị tại địa phương đăng ký SX kinh doanh lúa giống, gồm 2 đơn vị nhà nước và 3 cơ sở tư nhân. Ông Phạm Công Hoan, Phòng Nông nghiệp (đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, SXKD lúa giống thuộc Sở NN-PTNT Kiên Giang) cho biết, Phòng chỉ quản lý những đơn vị SX lúa giống có đăng ký kinh doanh, sản phẩm làm ra được đóng gói và có thương hiệu. Còn những tổ chức, cá nhân tự SX hoặc trao đổi với nhau thì không quản lý.
Muốn SX kinh doanh lúa giống, đơn vị phải có giấy phép của Sở KH-ĐT (đối với Cty, DN) hoặc UBND huyện cấp (đối vối cá nhân). Chủ cơ sở phải học qua lớp quản lý nhà nước về giống lúa và phải có cơ sở vật chất như ruộng SX, lò sấy, máy tách hạt, đóng bao…
Ông Đoàn Ngọc Phả, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang:
An Giang có ưu thế hơn các tỉnh ĐBSCL là chương trình xã hội hóa công tác giống lúa làm rất thành công, với hơn 200 tổ SX cung ứng giống chất lượng cao. Diện tích của các tổ SX lúa giống trên địa bàn tỉnh đạt hơn 5.000 ha, đảm bảo đủ nhu cầu giống của toàn tỉnh. Một số tổ, đội còn đứng ra SX cho các Cty thương mại trong ngành giống ở các tỉnh ĐBSCL.
Vì vậy, mỗi năm An Giang SX trên 75.000 tấn lúa giống cung cấp ra thị trường, kể cả XK sang Camphuchia. Nhờ đó, người dân có điều kiện tiếp cận với nguồn giống chất lượng, giá cả phù hợp. Hơn nữa trình độ SX lúa của nông dân hiện khá cao, họ biết chọn các giống lúa phù hợp trên vùng đất đang canh tác để đưa vào SX, mang lại hiệu quả cao.
Theo Nông nghiệp Việt Nam