Vừa chống virus Corona, vừa ngăn dịch H5N1
- Thứ năm - 06/02/2020 08:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thủ tướng vừa có văn bản yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1. |
Việt Nam phát hiện 1 ổ dịch tại Quảng Ninh
Trao đổi với PV NNVN, đại diện Cục Thú y cho biết, hiện nay dịch cúm gia cầm H5N1 đã bùng phát ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Cạnh đó, tỉnh Hồ Bắc cũng đang căng mình phòng chống virus Corona trên người.
Nguy cơ dịch cúm gia cầm gây nguy hiểm cho người ở mức cao. |
Không chỉ Trung Quốc, năm 2019 có 9 quốc gia có dịch H5N1 và đến năm 2020 đã tăng lên 11 nước phát hiện các ổ dịch.
Tại Việt Nam, kết quả giám sát chủ động ngành Thú y cho thấy virus cúm H5N1 đang lưu hành trên đàn gia cầm và không có sự biến đổi về độc lực gây bệnh.
Tuy nhiên, do các điều kiện như thời tiết biến đổi bất lợi, tổng đàn vật nuôi lớn, việc lưu thông động vật, sản phẩm động vật và con người gia tăng nên ngu ycow dịch bệnh phát sinh trong thời gian tới là rất cao.
Từ tháng 1/2020 đến nay đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại huyện Đầm Hà (Quảng Ninh). Mặc dù số lượng cá thể nhiễm bệnh chỉ một vài con, nhưng hệ thống thú y địa phương đã tổ chức tiêu hủy cả đàn khoảng 3.000 con, đồng thời bao vây dập dịch.
Việt Nam khống chế tốt dịch cúm gia cầm
“Dịch cúm gia cầm xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2003, tuy nhiên chúng ta đã kiểm soát tốt, mỗi năm chỉ xảy ra một vài ổ dịch trên cả nước”, ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết.
Hiện nay, các doanh nghiệp thú y trong nước sản xuất khoảng 2 triệu liều vắc xin cúm gia cầm mỗi năm, bên cạnh đó còn nhập khẩu vắc xin từ một số quốc gia nên không lo thiếu vắc xin phòng bệnh. Ngoài ra, cả nước cũng đã xây dựng được 820 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh gia cầm, nên công tác kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Để tránh trình trạng “dịch chồng dịch”, ngăn chặn dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona đang xảy ra, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung của Quyết định số 172 ngày 13/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó bố trí nhân lực, nguồn kinh phí để tổ chức giám sát chặt tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của virus cúm H5N1 và các loại cúm gia cầm khác trên các đàn gia cầm.
Cần phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; thông báo kịp thời cho Bộ Y tế để phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống dịch lây lan sang người.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Ban Chỉ đạo 389 tăng cường công tác quản lý thị trường, thực hiện điều tra ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm.
Bộ Tài chính có trách nhiệm đảm bảo đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm theo đề xuất của Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT và UBND các tỉnh, thành phố để các hoạt động phòng, chống dịch cúm gia cầm được triển khai hiệu quả.