Xây dựng vùng nuôi an toàn: Bài học từ liên kết

Xây dựng vùng nuôi an toàn: Bài học từ liên kết
Mặc dù các nước nhập khẩu thịt yêu cầu sản phẩm phải có nguồn gốc từ những tỉnh, cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) hoặc yêu cầu của nước nhập khẩu, nhưng Việt Nam chưa xây dựng được những vùng nuôi an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Rào cản này khiến việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vẫn khiêm tốn.

Thí điểm đến bao giờ?

Từ năm 2012, đã có đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với heo để xuất khẩu tại tỉnh Nam Định và Thái Bình” đặt mục tiêu đến năm 2020, Thái Bình và Nam Định sẽ hoàn thành việc khống chế, thanh toán bệnh lở mồm long móng (LMLM), dịch tả và xây dựng hồ sơ thủ tục trình OIE công nhận an toàn dịch bệnh. Đề án tập trung vào xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi heo tập trung an toàn dịch bệnh với 2 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở heo là bệnh LMLM và dịch tả tại Nam Định và Thái Bình. Các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên sẽ đáp ứng các yêu cầu an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện cũng chỉ dừng ở mức “thí điểm”, thậm chí còn ngổn ngang.

Toàn tỉnh Thái Bình hiện có khoảng 195.000 con heo nái, hàng năm sản xuất trên 3,2 triệu con heo sữa, trong đó ước khoảng 2,1 triệu con được sử dụng làm giống, có 8 cơ sở giết mổ tập trung, gần 1.600 điểm giết mổ heo nhỏ lẻ và 14 điểm giết mổ hỗn hợp. Mỗi năm Thái Bình sản xuất trên 200.000 tấn thịt heo hơi xuất chuồng. Tuy nhiên, do giá heo giảm, người dân thua lỗ, nên tính đến tháng 7/2017, tỉnh đã phải hỗ trợ 17 tỷ đồng cho người nuôi. Một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm khó tiêu thụ là các cơ sở giết mổ thủ công, lạc hậu, manh mún nên sản phẩm chưa thể xuất khẩu và chưa xây dựng được thương hiệu.

bài học liên kếtChăn nuôi an toàn đem lại hiệu quả bền vững               Ảnh: Phan Thanh Cường

 

“Nghèo” đầu tư thú y

Để đàn heo sạch bệnh thì cần có biện pháp tổng hợp, trước hết đàn heo phải khỏe, có sức đề kháng cao, phụ thuộc vào con giống, thức ăn sau đó mới tới quy trình nuôi, cung ứng sử dụng thuốc phòng trừ bệnh dịch kịp thời khoa học. 

Hiện nay, đa phần người nuôi đầu tư vào con giống và thức ăn hơn là công tác thú y. Đơn cử trong số 48.851 khách hàng Thái Bình còn dư nợ ngân hàng; trong đó dư nợ cho vay chăn nuôi heo đạt 2.352,4 tỷ đồng, dư nợ cho vay ngành sản xuất TĂCN đạt 27,8 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay sản xuất thuốc thú y chỉ có 150 triệu đồng. Tỷ lệ nợ xấu chăn nuôi heo chiếm 0,4% tổng dư nợ cho vay ngành chăn nuôi heo. 

Kinh phí dành cho thú y theo đánh giá vẫn còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Chi cục Thú y Nam Định tính toán, Nam Định hiện thường xuyên duy trì tổng đàn khoảng 140 nghìn heo nái và khoảng hơn 600 nghìn heo thịt, nên cần chi khoảng gần 60 tỷ đồng/năm nếu tiêm phòng LMLM. Tương tự, Thái Bình thường xuyên có 1 triệu đầu heo. Nếu tiêm phòng với tỷ lệ 90% mỗi năm 2 lần thì ngân sách địa phương không “kham” nổi, đó là chưa kể cần phải tiêm phòng dịch cho trâu bò, gia cầm… 

 

Đầu tư công nghệ

Các chuyên gia Nhật Bản và Australia, khi trao đổi với phóng viên đều cho rằng việc quản lý chăn nuôi xuất khẩu nên tập trung vào khâu giết mổ. Chính các nhà máy giết mổ hiện đại sẽ làm thay đổi thói quen chăn nuôi và cung ứng sản phẩm. Thậm chí những cơ sở lớn có thể thu mua đàn heo, gia cầm để nuôi một thời gian trước khi giết mổ, đảm bảo không tồn dư kháng sinh… trước khi chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên đầu tư vào giết mổ của Việt Nam còn rất manh mún.

 Năm 2016 có 56/63 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt đề án về quy hoạch cơ sở giết mổ động vật tập trung. Theo đề án vào năm 2020 sẽ có khoảng 1.431 cơ sở giết mổ heo tập trung và 672 cơ sở giết mổ gà tập trung. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 249 cơ sở giết mổ heo và 75 cơ sở giết mổ gà được đưa vào sử dụng.

 

Xây dựng vùng nuôi sạch

Hiện các tỉnh thành đều đang xây dựng các mô hình vùng chăn nuôi sạch bệnh. Cấp độ xã, tỉnh Nam Định đã xây dựng thành công mô hình xã chăn nuôi sạch bệnh Xuân Ngọc (huyện Xuân Trường) bao gồm việc bảo vệ môi trường và phòng trừ dịch bệnh. Để phòng chống dịch bệnh, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình chăn nuôi loại trừ bệnh LMLM tại xã Cẩm Duệ với tỷ lệ tiêm vaccine LMLM type OA và vaccine tai xanh đạt 90% tổng đàn trở lên. Cấp độ huyện, đã có huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh với hàng trăm trang trại được công nhận chăn nuôi an toàn. Cấp độ liên huyện, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng vùng chăn nuôi gồm nhiều huyện, liên thông với nhau để cung ứng cho các nhà máy. 

Tuy nhiên, đánh giá chung của ngành thú y là việc xây dựng vùng nuôi sạch bệnh còn gặp khó khăn, vì diện tích được công nhận sạch bệnh khá lớn, đòi hỏi người chăn nuôi phải đầu tư đồng bộ để đảm bảo vùng nuôi không xảy ra dịch bệnh.  

 

Theo thông báo, tổng dư nợ Agribank với nuôi heo tính đến 20/4/2017 đạt trên 27.000 tỷ đồng với gần 290.000 khách hàng. Dư nợ còn lại gồm cho vay doanh nghiệp, trang trại, sản xuất thuốc thú y… Để xây dựng vùng nuôi sạch bệnh, cần vốn đầu tư nhiều hơn nữa, môi trường sạch và loại trừ được dịch bệnh.

Nguồn: nguoichannnuoi.com