Xây dựng NTM ở Đăk Môn: Đi lên từ con bò
- Thứ hai - 10/10/2016 03:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đi từ con bò
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei) đã tranh thủ các nguồn lực từng bước đột phá có hiệu quả vào mục tiêu giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân.
“Nói có sách, mách có chứng”, Chủ tịch xã cử người đưa tôi đến làng Đăk Nai. A Thiên - Thôn trưởng thôn Đăk Nai cho biết, bằng nguồn vốn Chương trình NTM, năm 2015 nhiều hộ nghèo như A Thia, A Thảo, A Thiếp, A Thum, A Rát, A Ráp… được hỗ trợ bò sinh sản.
Theo chủ trương, xã hỗ trợ hai hộ nghèo một con bò sinh sản. Khi nuôi bò mẹ sinh bê con, hộ nhận nuôi bò trước sẽ lấy bê con làm của riêng và chuyển bò mẹ cho hộ cùng được hỗ trợ nuôi. Khi hộ thứ hai nhận bò mẹ nuôi sinh bê con thì để lại bê con nuôi và chuyển lại bò mẹ cho hộ nuôi trước. Cứ thế, việc nuôi bò mẹ sinh sản tiếp tục xoay vòng giữa hai hộ.
Không thể nói hết được niềm vui của các hộ nghèo khi được hỗ trợ bò. Kể từ ngày được hỗ trợ, A Thiếp chịu khó chăm bẵm bò. Bò mập mạp và hiện sắp sinh bê con. Nhìn bò, A Thiếp lòng như mở cờ, bảo: Khi bò mẹ sinh, gia đình sẽ nuôi bê con và chuyển bò mẹ cho gia đình cùng được hỗ trợ nuôi.
A Ráp được hỗ trợ bò cũng rất phấn chấn: Gia đình đang tập trung chăm sóc bò để chúng lớn nhanh, đẻ nhiều bê con. Con bò NTM mở ra cơ hội cho gia đình thoát nghèo bền vững.
Vui hơn cả là hộ gia đình A Phin, Y Thiu (thôn Đăk Tum)… được hỗ trợ bò từ năm 2014, đến nay bò đã sinh nhiều bê con. Y Thiu hớn hở khoe: Con bò xã hỗ trợ cho gia đình nay đã sinh được 2 con bê.
Theo UBND xã, tính đến nay, từ nguồn vốn Chương trình NTM, xã Đăk Môn đã hỗ trợ 32 con bò cho các hộ nghèo. Ngoài nguồn vốn Chương trình NTM, từ năm 2008 đến nay, xã tranh thủ nguồn Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo hỗ trợ 60 con bò cho các hộ nghèo.
Không tính bò do dân tự nuôi, chỉ riêng việc thông qua các chương trình, dự án trên, các hộ nghèo đã phát triển đàn bò được hỗ trợ lên hơn 200 con.
Đặc biệt, ở các thôn Đăk Nai, Măng Lon, Đăk Xam sau khi được hỗ trợ bò, các hộ gia đình đã thành lập các tổ hợp tác nuôi bò sinh sản. Các hộ nghèo trong các tổ hợp tác trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi và lấy chăn nuôi làm mũi đột phá trong việc giảm nghèo bền vững.
Đến việc đa dạng sản xuất
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng có những biến chuyển quan trọng. Tính đến thời điểm này, xã Đăk Môn phát triển trên 900ha cao su (600ha cao tiểu điền và trên 300ha cao su liên kết với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, hiện có trên 300ha cao su đã đi vào kinh doanh), 33,7ha cà phê, 337ha bời lời...
Trong những năm gần đây, xã mở nhiều lớp đào tạo nghề cạo mủ cao su cho người dân. Sau khi được học nghề, người dân trực tiếp khai thác có hiệu quả cây cao su của gia đình.
Đường bê tông đi khu sản xuất ở xã Đăk Môn. Ảnh: V.N
Theo các hộ có cao su đi vào khai thác, bình quân một héc ta cao su cho thu nhập từ 200-300 nghìn đồng/lần cạo. Mặc dù giá mủ cao su chưa phục hồi so với những năm được giá, nhưng cây cao su giúp cho bà con có thu nhập ổn định hơn các cây trồng khác.
Đối với các nghề truyền thống, xã cũng đang có hướng khôi phục. Hiện nay, nhiều chị em người Giẻ - Triêng ở làng Ri Nầm, Ri Mẹt, Broong Mỹ… vẫn còn giữ được nghề dệt thổ cẩm. Sản phẩm thổ cẩm do chị em làm ra không chỉ được dùng làm trang phục cho các thành viên gia đình diện trong các lễ hội truyền thống, mà còn là hàng hóa giúp chị em yêu nghề kiếm thêm thu nhập để nâng cao đời sống.
Đối với nghề thợ nề, tuy mới được hình thành nhưng cũng có bước phát triển. Hiện nay, tại làng Broong Mỹ có tổ hợp tác nề. Các thành viên trong tổ hợp tác nề này không chỉ xây dựng nhà cửa cho bà con, mà còn tham gia xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng ở địa phương.
Đánh giá lại việc hỗ trợ dân phát triển kinh tế, bà Y Viên khẳng định, xã Đăk Môn đang từng bước đột phá có hiệu quả vào mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng NTM bền vững hơn. Đây là nền móng, là động lực quan trọng để xã phấn đấu đến năm 2020 đạt NTM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra.
Theo danviet.vn