Xây dựng chuỗi nông sản an toàn (Kỳ 1)

Xây dựng chuỗi nông sản an toàn (Kỳ 1)
Chưa bao giờ vấn đề xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị nói chung và chuỗi nông sản an toàn nói riêng lại được đặt ra cấp bách như hiện nay. Bởi đây là con đường ngắn nhất góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập cho người nông dân, xây dựng nền nông nghiệp nước ta phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, đây là một hành trình còn nhiều chông gai…
        Người tiêu dùng mua rau an toàn ở hội chợ diễn ra tại Triển lãm nông nghiệp
                                           (quận Cầu Giấy, Hà Nội)
 

Bài 1: Nhiều trở ngại và rào cản

Một sản phẩm muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, trước tiên, phải đạt chất lượng tốt. Do đó, hướng phát triển bền vững cho nông sản Việt Nam chính là bảo đảm quy trình an toàn thực phẩm (ATTP) trong từng công đoạn, liên kết tạo thành chuỗi. Đây là xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu nông sản an toàn (NSAT) cho người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.

Để có nông sản sạch

Vào trung tuần tháng 11-2016, chúng tôi đi thực tế tại Nhà máy sản xuất trứng gà sạch DTK Phú Thọ, đóng tại Khu I, xã Tề Lễ, huyện Tam Nông (Phú Thọ). Tọa lạc trên khu đất khoảng 42 ha, với hệ thống dây chuyền và công nghệ được nhập từ Nhật Bản có công suất thiết kế 500 nghìn quả trứng mỗi ngày, có thể nói đây là chuỗi sản xuất nông sản được đầu tư rất bài bản.

Ông Khang Ngọc Khải, Giám đốc nhà máy cho biết: Ngay từ khâu chọn đất cũng phải lựa chọn nơi có mạch nước ngầm (chứ không phải nước bề mặt) để chuẩn bị cho công tác xử lý môi trường sau này. Toàn bộ quá trình chăm sóc gà, từ cho ăn, đẻ trứng, đến xử lý chất thải thành phân hữu cơ bán cho các trang trại trồng cà-phê, tiêu, điều đều là dây chuyền tự động. Ông Khải nói thêm, ở đây khái niệm an toàn đạt đến mức gần như tuyệt đối, từ khâu giống, đến thức ăn, chăm sóc ra thành phẩm, chỉ một khâu không bảo đảm, thí dụ để gà ốm phải sử dụng kháng sinh, thì không còn khái niệm “sạch” nữa. Tuy nhiên, phải thừa nhận, mô hình này ở Việt Nam chưa nhiều.

Một mô hình khác có thể thích hợp với nhiều mặt hàng và ở nhiều nơi là các siêu thị, khách sạn, nhà hàng lớn giữ vai trò chủ đạo, hợp đồng liên kết với nông dân, các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ vận tải, chế biến, thương nghiệp để khớp nối toàn bộ chuỗi liên kết. Mô hình này đã chứng tỏ là khả thi và đang phát huy hiệu quả tốt, như mô hình liên kết trồng mía - sản xuất đường của Công ty mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa); mô hình chăn nuôi bò, sản xuất sữa do Vinamilk tổ chức.

Ở cấp độ thấp hơn, một số cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ lựa chọn làm thật tốt một công đoạn quan trọng trong chuỗi và xây dựng mối quan hệ cung ứng với các doanh nghiệp khác, như trường hợp Công ty Ba Huân (TP Hồ Chí Minh) thu gom trứng gia cầm theo hợp đồng với các cơ sở nuôi gà, sau đó làm vệ sinh, khử trùng đóng gói và cung ứng trứng sạch cho các siêu thị.

Xét ở góc độ địa lý vùng miền, ở nước ta một số trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bắc Ninh… cũng đã xây dựng và hình thành được chuỗi cung ứng NSAT. Tại Hà Nội, đã xác định được tám vùng với tám sản phẩm chủ lực để tổ chức sản xuất, xây dựng liên kết, nhãn hiệu tập thể như sữa Ba Vì, thịt bò Hà Nội, gà mía Sơn Tây, gà đồi Sóc Sơn, trứng vịt Liên Châu.

Tương tự, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và phát triển được một số mô hình hay như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau, đánh bắt và nuôi thủy sản an toàn; xây dựng ba chợ đầu mối nông sản sạch; quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn, bước đầu khép kín việc kiểm soát, quản lý nguồn nguyên liệu, hoạt động chế biến, cung ứng thực phẩm trên địa bàn. Đến nay, Ban Quản lý đề án chuỗi thực phẩm an toàn thành phố đã cấp thêm chứng nhận đủ điều kiện tham gia cho 52 cơ sở ở các lĩnh vực rau củ quả, chăn nuôi, thủy sản…

Con đường không bằng phẳng

Thực tế, để có NSAT ở nước ta vẫn còn khá nhiều trở ngại và rào cản. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho biết: “Hiện nay, khi đầu tư cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh sản phẩm nông nghiệp nói chung, rau quả an toàn nói riêng cần lượng vốn lớn và thời gian dài. Bên cạnh đó, quỹ đất để xây dựng kho bãi, nhà xưởng phục vụ sản xuất kinh doanh sản phẩm NSAT trong thành phố lớn gần như không có. Kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và sản phẩm rau quả an toàn nói riêng của người dân còn hạn chế cho nên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản sạch gặp nhiều khó khăn”.

Có thể khái quát một số khó khăn chính mà việc sản xuất NSAT đang gặp phải, bao gồm những vấn đề sau: Thứ nhất, sản xuất đòi hỏi quy mô lớn nhưng việc tích tụ và tập trung ruộng đất để sản xuất theo kiểu trang trại hoặc nông nghiệp công nghệ cao diễn ra còn chậm. Cánh đồng mẫu lớn là một điển hình liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo ở An Giang được xem như cách đưa sản xuất lúa gạo từ quy mô gia đình, sang quy mô lớn theo tiêu chuẩn GAP mà không cần thay đổi quyền sở hữu ruộng đất của hộ nông dân, tạo ra những lô hàng lúa gạo có chất lượng cao hơn và đồng đều, đáp ứng được những tiêu chuẩn cao của xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Mô hình này tuy được khuyến khích mở rộng nhưng vẫn vướng những trở ngại về tiêu thụ sản phẩm, về mối quan hệ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân. Tình trạng chạy theo lợi ích cục bộ, ngắn hạn của hai bên liên kết doanh nghiệp và các hộ nông dân dẫn đến tự ý phá vỡ các hợp đồng cam kết về sản xuất cung ứng nông sản sạch, và làm cho các hộ nông dân quay lại với phương thức sản xuất nhỏ.

Thứ hai, sản xuất nông sản sạch đòi hỏi trình độ tổ chức sản xuất cao, sự giám sát chặt chẽ về kỹ thuật. Ví như, sản xuất lúa theo GAP phải tuân theo các quy định rất khắt khe gồm 238 điều kiện, trong đó có 140 điều nông dân phải tự nguyện đáp ứng. Với quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, bản thân người nông dân khó có thể tự mình hoàn thành. Nhiều hợp đồng sản xuất cung ứng nông sản sạch theo chuỗi hiện nay không đủ nguồn lực, tài chính để tổ chức mạng lưới, cán bộ, nhân viên.

Giám đốc nhà máy sản xuất trứng gà sạch DTK Phú Thọ Khương Ngọc Khải cho rằng, khó khăn lớn nhất của đơn vị cũng như các công ty sản xuất chuỗi thực phẩm sạch là nhân công: “Việc áp dụng cách vận hành quản lý của công nghiệp vào khu vực sản xuất nông nghiệp cao đòi hỏi một đội ngũ công nhân nông nghiệp lành nghề. Tuy nhiên, đào tạo đội ngũ này mất rất nhiều công sức, ngay từ việc thay đổi tư duy, tập quán và tác phong thuần nông của họ”…

Thứ ba, nông sản sạch thường có giá thành cao hơn, nhưng chưa có hệ thống kinh doanh riêng phù hợp, cho nên không được nông dân nhân rộng. Chưa nói đến đầu tư trang thiết bị sản xuất theo phương thức công nghiệp, riêng chi phí cho sản xuất sạch đã cao hơn sản xuất thông thường. Chi phí để chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho mỗi cánh đồng lớn do vài chục hộ nông dân canh tác cũng lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Nhưng ở nhiều địa phương, do không có đầu mối thu gom đưa đến tận tay người tiêu dùng, cho nên khi được bán ra chợ, hoặc được thu gom bởi thương lái thì nông sản sạch, NSAT lại hòa lẫn với các nông sản trồng cấy theo phương thức thông thường và cũng chỉ được bán với giá thông thường!

Có thể nói “đầu ra” là trở ngại lớn hiện nay làm tác động không nhỏ tới sự hào hứng của người sản xuất với chuỗi NSAT.

(Còn nữa)

Hiện 45 địa phương trong toàn quốc có mô hình liên kết chuỗi cung ứng nông sản an toàn (gồm 382 chuỗi), với sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản các loại; 69 địa chỉ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận bán sản phẩm an toàn theo chuỗi của các cơ sở kinh doanh nông sản, thực phẩm… Cùng với đó, Bộ cũng đẩy mạnh việc ký kết với hàng trăm doanh nghiệp cung ứng nông sản thực phẩm an toàn để nhân rộng các mô hình và địa chỉ cung ứng nông sản sạch tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Tác giả bài viết: TÂM THỜI, ANH QUANG và THÁI SƠN

Nguồn tin: www.nhandan.com.vn