Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ

Năm 2018, ngành Nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 4,93%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhìn lại kết quả đạt được trong năm 2018, hướng đến chiến lược phát triển ngành trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
PV: Thưa ông! Xin ông cho biết, những yếu tố quan trọng nào đã góp phần làm cho ngành Nông nghiệp đạt mức tăng trưởng cao?
 
Ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ông Nguyễn Văn Công: Năm 2018, tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 4,93% so với năm 2017 (gấp 1,6 lần so với kế hoạch đề ra). Để đạt được kết quả cao như vậy là nhờ sự cố gắng của cả hệ thống ngành nông nghiệp cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp như:
Tập trung vào công tác tổ chức lại sản xuất để sản xuất theo hướng an toàn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh trên địa bàn tỉnh (trên lúa có 469,31 ha được chứng nhận VietGAP, rau màu có 19,46 ha được chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, cây ăn trái đã có 507 ha được chứng nhận chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, thủy sản có 813,92 ha được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn và 01 trại nuôi vịt của ông Lê Ngọc Mới (huyện Tháp Mười) đã được chứng nhận VietGAP với diện tích 0,9 ha, sản lượng 2.920.000 trứng/năm).
Áp dụng cơ giới hóa và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa góp phần làm giảm chi phí sản xuất như: Mô hình canh tác lúa lý tưởng tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười; Mô hình điều khiển hệ thống tưới qua điện thoại thông minh; Mô hình xây dựng điểm trình diễn 1 phải 5 giảm… tiếp tục phát triển góp phần làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, lợi nhuận cho người dân.
Đã hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ thông qua Hợp tác xã và Tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững. Trên lúa, có 90 công ty, thương lái thực hiện liên kết tiêu thụ; trên hoa màu đã liên kết tiêu thụ các loại như: ớt, bắp, đậu nành rau, nấm rơm; cây ăn trái đã liên kết tiêu thụ quýt đường, cam, xoài, chanh, ổi; doanh nghiệp liên kết tiêu thụ trứng vịt đối với 06 tổ hợp tác v.v..
PV: Bên cạnh kết quả đạt được thì việc tiêu thụ nông sản hiện vẫn còn nhiều khó khăn, giá trị mang lại và lợi nhuận còn thấp; chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ chưa chặt chẽ. Vậy, giải pháp nào để khắc phục khó khăn này?
Ông Nguyễn Văn Công: Để khắc phục những khó khăn, ngành nông nghiệp đưa ra một số giải pháp như sau:
Tiếp tục thúc đẩy phát triển mô hình sản xuất quy mô lớn. Vì hiện nay, đa số sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún làm theo quy mô hộ gia đình, các cánh đồng mẫu lớn chưa phổ biến nên chi phí đầu tư cao và chất lượng sản phẩm thấp.
Tăng cường hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách nhằm hỗ, thúc đẩy người sản xuất và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, thúc đẩy liên kết sản xuất đến tiêu thụ có tính bền vững, từ đó nâng cao chuỗi giá trị và phát triển nền nông nghiệp của tỉnh nhà.
PV: Làm thế nào để đưa sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với nhiệm vụ thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như đưa các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản đến với người nông dân, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Công: Để đưa sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với nhiệm vụ thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như đưa chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản đến với người dân thì cần phải thay đổi được tư duy sản xuất theo tập quán của người dân.
Để thay đổi tư duy sản xuất lâu nay của người dân thì biện pháp hữu hiệu nhất là tuyên truyền, vận động, làm mẫu để người dân hiểu được tái cơ cấu nông nghiệp là gì và khi thực hiện tái cơ cấu thì người dân được hưởng các lợi ích gì từ các chính sách hỗ trợ từ nhà nước.
Thông qua tuyên truyền, từng bước thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm từ cá thể sang tập thể, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm giá thành giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với chuỗi giá trị và phát triển bền vững.
PV: Năm 2019, ngành Nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng tăng 3,7% so với năm 2018. Để đạt chỉ tiêu trên, thì quyết tâm của toàn ngành là chưa đủ. Theo ông, cần những “trợ lực” nào để ngành Nông nghiệp tiếp tục tạo sức bật mới và đạt mức tăng trưởng đề ra?
Ông Nguyễn Văn Công: Để đạt được kế hoạch đề ra trong năm 2019, ngoài sự nỗ lực của toàn ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất còn phải dựa vào sự phối hợp của các ngành các cấp liên quan đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ sau:
Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện tập trung đất đai, thúc thẩy sản xuất quy mô lớn, ứng dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm kéo giảm chi phí sản xuất xuống thấp nhất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thực hiện chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang canh tác cây ăn trái, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, gieo trồng hoa kiểng và các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ưu tiên nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giảm giá thành sản xuất và sản xuất theo các quy chuẩn kỹ thuật của doanh nghiệp thu mua để sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được liên kết tiêu thụ ổn định.
Đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.
PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyệt Ánh/dongthap.gov.vn