Xuất khẩu khoai lang không còn phụ thuộc vào Trung Quốc
- Chủ nhật - 09/09/2012 09:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Sơn Văn Luận, Chủ nhiệm Hợp tác xã khoai lang Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Bình Tân, Vĩnh Long cho biết: “Thông qua Công ty rau quả Bình Thuận, hiện hợp tác xã của chúng tôi cung cấp cho Malaysia mỗi tuần 40 -80 tấn khoai lang tím Nhật, riêng thị trường Singapore và Hồng Kông cung cấp 10 tấn/tuần với giá bán ổn định từ 7.000 – 7.500 đồng/kí lô gam".
Theo ông Luận, hơn 2 tháng qua hợp tác xã đã xuất khẩu được khoảng 300.000 tấn khoai lang vào 3 thị trường này và hiện phía đối tác vẫn tiếp tục yêu cầu cung cấp.
“Họ nói (phía nhà nhập khẩu) nếu chúng tôi bán với giá ổn định như thế này (7.000 – 8.000 đồng/kí lô gam) và có nguồn cung ổn định sẽ tiếp tục ký hợp đồng nhập khẩu lâu dài”, ông Luận cho biết .
Phó giáo sư- tiến sĩ Lý Nguyễn Bình, Phó trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, việc mở rộng thêm nhiều thị trường tiêu thụ khoai lang là tín hiệu vui đối với bà con nông dân, tránh được những rủi ro do quá phụ thuộc vào một thị trường duy nhất là Trung Quốc.
“Sắp tới Trường Đại học Cần Thơ sẽ phối hợp với Ban quản lý điều phối dự án MACBETH khảo sát một số thị trường tiêu thụ khoai lang mới. Bước đầu chúng tôi nhận thấy Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…là những thị trường có nhu cầu lớn về khoai lang chế biến”, ông Bình cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Bình, để đáp ứng được những thị trường này, ngoài việc đòi hỏi nông dân và doanh nghiệp phải tổ chức lại sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thì vấn đề thu hoạch, sơ chế, chế biến, giao nhận cũng phải đổi với bởi họ đòi hỏi rất cao.
Về giá khoai nguyên liệu, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long, cho biết sau khi tăng trở lại mức giá 380.000 – 400.000 đồng/tạ (tạ 60 kí lô gam) cách đây hơn nửa tháng, thì hiện giá khoai tím Nhật lại quay đầu giảm xuống mức giá trên dưới 250.000 đồng/tạ.
Dự án MACBETH được phối hợp thực hiện giữa Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Kasetsart (Thái Lan) và Trường Đại học bang Michigan (Mỹ), thực hiện trong 2 năm 2011 – 2012 nhằm nâng cao năng lực tham gia thị trường của các nước trong chuỗi sản xuất nông sản thông qua đào tạo và huấn luyện.
Theo Trung Chánh
Theo cafef.vn