Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc: Hấp dẫn nhưng vẫn bí thông tin
- Thứ năm - 20/06/2019 03:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại Hội thảo quốc tế trao đổi thông tin, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm (ATTP), kiểm dịch động thực vật, các quy định về quản lý, kiểm soát xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản tổ chức ngày 20/6 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, dù xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc có giảm tốc, nhưng đây chỉ là bước giảm tạm thời vì Trung Quốc vẫn là thị trường hấp dẫn.
Trung Quốc ngày càng thắt chặc các quy định kiểm soát nhập khẩu nông sản
Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan (TCHQ) Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa 2 nước tiếp tục tăng trưởng bền vững. Buổi trao đổi thông tin, nghiệp vụ trực tiếp với TCHQ Trung Quốc là hoạt động rất cần thiết cho doanh nghiệp trong nước đang có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường này.
Theo số liệu thống kê của TCHQ Việt Nam, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 5 đạt 358,9 triệu USD; giảm 23,1% so với tháng trước. 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả tới hầu hết các thị trường lớn đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trừ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng chậm.
Tốc độ xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2019 tăng chậm
Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5, hàng rau quả xuất khẩu sang tất cả các thị trường đạt 1,8 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,28 tỷ USD, tăng 2,3% so cùng kỳ năm 2018.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khả năng sản xuất của ngành trồng trọt trong nước vẫn đang phát triển tốt, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng các điệu khắc khe của thị trường các nước.
Ông Nguyên nhấn mạnh, trong điều kiện thương mại mở cửa hiện nay, việc tận dụng các điều kiện thuận lợi sẵn có từ vị trí địa lý, chi phí logistic, nhu cầu, thị hiếu... là rất quan trọng.
Thị trường Trung Quốc vẫn chứng tỏ sức hút rất lớn với rau quả, nông sản các nước, trong đó có Việt Nam. “Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp rất thiếu thông tin về điều kiện để xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là hạn chế lớn cần sớm khắc phục”, ông Nguyên nói.
Đã có nhiều doanh nghiệp đáp ứng tốt các yêu cầu khó tính nên kim ngạch xuất khẩu rau quả vẫn rất khả quan.
Theo ông Guan Ding Ru – đại diện TCHQ Trung Quốc, hiện nay việc quản lý, kiểm soát nông sản được thực hiện cả trước, trong và sau nhập khẩu.
Trước khi nhập khẩu, Trung Quốc đưa ra các quy định về trách nhiệm về quản lý nhà nước và truy cứu trách nhiệm đơn vị sản xuất. Sau khi ký hợp đồng, thì đưa ra các quy định hợp lý trong kiểm địch động thực vật.
Trong quá trình nhập khẩu thì đề cao vai trò của TCHQ. Nhà nhập khẩu cũng phải khai báo với TCHQ Trung Quốc và nộp các hồ sơ chứng minh liên quan. TCHQ sẽ có trách nhiệm giám sát, kiểm định cũng như kiện toàn các quy định nhập khẩu của mình.
“Sau khi nhập khẩu thì phải có chế độ kiểm dịch chi tiết rõ ràng. Nếu phát hiện có vấn đề trong lô hàng nhập khẩu thì phải có biện pháp ứng phó nhanh, cũng như có biện pháp giám sát nhập khẩu ngay tại cửa khẩu”, ông Guan Ding Ru thông tin.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị hướng đến xuất khẩu chính ngạch đảm bảo các điều kiện khó tính.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết việc trao đổi với TCHQ Trung Quốc nhằm tháo gỡ các quy định, vướng mắc vẫn được Bộ NN&PTNT thực hiện thường xuyên. Thực tế thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp trong nước cũng chưa đảm bảo tốt các điều kiện xuất khẩu đặt ra.
Từ giờ tới cuối năm, Đại diện Bộ NN&PTNT vẫn tin chắc tình hình xuất khẩu rau quả và các mặt hàng nông lâm thủy sản khác sẽ khả quan hơn. Các quy định mà phía Trung Quốc đang thắt chặt, tuy là khắt khe nhưng hoàn toàn phù hợp với thông lệ chung ở các thị trường khó tính khác.
“Ngành nông nghiệp muốn các doanh nghiệp phải chuyển đổi dần tư duy, nên hướng đến việc xuất khẩu hoàn toàn theo đường chính ngạch; đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Theo Nguyên Vỹ/danviet.vn
http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/xuat-khau-rau-qua-sang-trung-quoc-hap-dan-nhung-van-bi-thong-tin-989931.html