Xuất khẩu thủy sản vẫn trên đà phát triển

Xuất khẩu thủy sản vẫn trên đà phát triển
Đây là nhận định của ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản. Ông Điền cho hay, sự suy giảm trong năm 2012 chỉ là do ảnh hưởng từ sự khó khăn chung của nền kinh tế.

Ảnh: Trần Quang Tuấn
 
Ông nhận xét như thế nào về bối cảnh ngành thủy sản sau 5 năm gia nhập WTO?
 
Ông Nguyễn Huy Điền
 - Nhìn lại 5 năm qua, ngành thủy sản đã có sự hội nhập sâu rộng hơn với quốc tế. Song, trên thực tế, từ trước đó, ngành thủy sản đã có những nền tảng nhất định, do đó, quá trình hội nhập ngành theo WTO không còn bỡ ngỡ, vướng mắc đáng kể nào, khá thuận lợi, có lợi thế cao, thị trường được mở ra nhanh, rộng. 
 
Trong năm 2011, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 6,1 tỷ USD, tăng 21,5%. Trong năm 2012, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 5,9 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, tăng 0,3%. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng đối diện với nhiều nguy cơ phát triển thiếu bền vững.
 
Nhưng có một thực tế rằng nhiều DN thủy sản vẫn khó khăn trong xuất khẩu. Vậy đâu là định hướng phát triển phù hợp với ngành trong thời gian tới?
 
Hiện nay, các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn là do ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế. Xu hướng xuất khẩu của ngành vẫn đi lên, chỉ khác biệt là nhanh hay chậm, cao hay thấp. Chúng ta có thể kể ra những tín hiệu vui mừng như năm 2011, xuất khẩu tôm đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 13,7%. Cá tra đạt 1,8 tỷ USD, tăng 26,5%. Các mặt hàng như mực và bạch tuộc, cá ngừ, các loại cá khác vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Trong năm 2012, xuất khẩu cá tra vẫn đạt hơn 1,7 tỷ USD, giảm 3,4%. Xuất khẩu tôm đạt hơn 2,2 tỷ USD, giảm 6,6%.
 
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam VASEP cho rằng, cạnh tranh là yếu tố tất yếu của thị trường và được pháp luật cho phép. Các DN cá tra nói riêng, thủy sản nói chung đang cạnh tranh về giá với nhau. Song, đây không phải cách cạnh tranh tốt nhất, thậm chí còn đưa đến nhiều hậu quả. Làm thế nào để DN tiếp tục cạnh tranh nhưng giảm hậu quả? Chỉ có thể hướng vào cạnh tranh chất lượng, chuẩn mực cao hơn. 
Dự kiến 2013, khai thác và nuôi trồng thủy sản vẫn gặp khó do thiếu vốn, chi phí cao. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 5%. Mặt hàng tôm vẫn khó có thể tăng trưởng mạnh trừ khi kiểm soát được hội chứng tôm chết sớm EMS, phụ thuộc vào chi phí thức ăn và chất lượng con giống. Giá trị xuất khẩu tôm đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tương đương năm 2012. Giá trị xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 1,9 tỷ USD, sản phẩm hải sản khoảng 2,4 tỷ USD. 
Thị trường xuất khẩu tôm tiếp tục đón nhận nhiều đơn hàng, nhiều chủ hàng sẵn sàng ký hợp đồng cho cả năm. Với ngành cá tra, dù xu hướng tăng không nhanh, đối diện với nhiều khó khăn, xuất khẩu vào thị trường Mỹ sụt giảm song, ta vẫn có cơ hội mở rộng sang các thị trường khác, đặc biệt hướng tới thị trường Trung Quốc, các nước châu Á, Đông Nam Á, ASEAN… Cách thức xúc tiến thương mại, đàm phán cũng đang được đổi mới theo hướng mới, tiến tới công nhận lẫn nhau. Thời gian tới sẽ có hội đàm chính thức, tạo điều kiện mở rộng thị trường.
 
Để hỗ trợ ngành chăn nuôi, thủy sản, Chính phủ có Công văn số 1149, cho hộ gia đình, DN vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp nhất 11%. Vậy việc thực hiện này đến nay như thế nào, thưa ông? 
 
- Công bằng mà nói, DN thủy sản vẫn rất khó tiếp cận vốn vay. Dù rằng các NHTM có những động thái tích cực nhằm giãn, giảm lãi suất theo quy định, song chưa đến 11% như quy định mà dừng ở 13%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Chính phủ, NHNN điều chỉnh một số quy định như quy chế cho vay, thay đổi điều kiện, nếu không, dù lãi suất có giảm nhiệt nữa, DN vẫn không thể tiếp cận.
 
Nguyên nhân? Tất cả tài sản của DN đã đưa vào khế ước, không có tài sản mới để thế chấp vay vốn. Tiếp đó, những khế ước đã được lập có giá trị cách đây 5-10 năm, giá trị không còn phù hợp thời điểm hiện tại. Đơn cử, 1m2 đất ở thời điểm đó được định giá 1 triệu đồng thì nay đã lên tới 15-20 triệu đồng, song vẫn giữ giá trị cũ làm hạn mức cho vay. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải chỉnh sửa giá trị đất, tài sản trên đất, nâng hạn mức cho vay để hỗ trợ DN và người dân. 
 
Thêm nữa, chu kỳ vay vốn của NH là 4 tháng song chu kỳ nuôi trồng thủy sản tôm, cá tra là từ 8-12 tháng. Do đó, Chính phủ, NHNN nên điều chỉnh thời gian cho vay lên 8-12 tháng để gỡ khó cho người sản xuất.
 
Về kiến nghị của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam về giá sàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không thể đứng ra can thiệp giá mà chỉ có thể giúp đỡ VASEP qua hải quan. Ví dụ, VASEP đưa ra giá sàn là 10 nhưng hải quan theo dõi giá xuất của DN chỉ có 8. Phía hải quan sẽ có thông báo tới VASEP để xử lý nội bộ. 
 
Thời gian tới, sẽ có nghị định riêng nhằm phát triển ổn định ngành chủ lực như cá tra. Nếu đưa vào thực hiện, nó sẽ có chế tài về giá cả. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc nhất định, không phải muốn là thực hiện được ngay. Dự kiến, trong quý 2-2013 phải hoàn thành theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo.
Vũ Phong (thực hiện)
Nguồn:ddk.vn