Xuất khẩu vào Trung Đông và châu Phi Hướng đi chiến lược, dài lâu
- Thứ năm - 23/11/2017 02:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều cơ hội
Tại hội thảo giới thiệu thị trường Trung Đông và châu Phi: Cơ hội giao thương và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa do Bộ Công thương tổ chức diễn ra hôm 21.11, đại diện Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 53/55 quốc gia ở khu vực châu Phi, kim ngạch hai chiều trong 10 năm trở lại đây đã có mức tăng trưởng đáng kể. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi giai đoạn 2006 - 2016 tăng trưởng nhanh chóng, từ 610 triệu USD lên tới gần 3,2 tỷ USD năm 2015 và gần 2,8 tỷ USD vào năm 2016. Nhìn chung, trong cán cân thương mại với châu Phi, Việt Nam thường xuất siêu trên 1 tỷ USD.
Bà Nguyễn Minh Phương, đại diện Vụ Thị trường châu Á, châu Phi cho biết, nông thủy sản Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường các quốc gia châu Phi, trong đó điểm nhấn là gạo, cà phê, rau quả. “Riêng năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu lượng gạo trị giá 422 triệu USD sang thị trường này, tiếp đến là cà phê cũng đạt giá trị trên 180 triệu USD, hạt tiêu 101 triệu USD, hàng thủy sản gần 110 triệu USD. Ngoài ra, máy tính điện tử, linh kiện đạt 117 triệu USD, dệt may 105 triệu USD, điện thoại và linh kiện 750 triệu USD” - bà Phương dẫn chứng.
Theo số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), năm 2016 tổng kim ngạch nhập khẩu của châu Phi ước đạt gần 460 tỷ USD. Trong đó, Nam Phi nhập khẩu gần 75 tỷ USD, Ai Cập trên 58 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 0,6% trên tổng nhu cầu nhập khẩu của châu Phi. Do đó, theo bà Nguyễn Minh Phương, Việt Nam còn nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Đối với thị trường Trung Đông, đại diện Vụ Thị trường châu Á, châu Phi cho rằng, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nên các ngành nông nghiệp, thủy sản chưa phát triển, các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng còn hạn chế, do đó, 80% lương thực, thực phẩm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, cũng nhận định, khu vực Trung Đông - châu Phi đang được biết đến như một khối thị trường giàu tiềm năng có nhu cầu nhập khẩu tương đối cao, không đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, kinh tế các nước này đều tăng trưởng tương đối nhanh. Nhưng quan trọng hơn, trước thực tế các thị trường truyền thống của Việt Nam đang dần tiến đến bão hòa, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều tiềm năng là hướng đi không thể khác cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Phương lưu ý, thị trường các nước Trung Đông có nhu cầu lớn với nhiều loại nông, lâm thủy sản Việt Nam. Tất nhiên, để đưa hàng vào thị trường Trung Đông - châu Phi, doanh nghiệp nên để ý tới đặc thù thị trường khu vực Hồi giáo, với những quy định nghiêm ngặt và đặc thù về bao gói, chất lượng sản phẩm. Nhìn vào mức chi nhập khẩu hàng hóa từ khu vực này càng cho thấy tiềm năng cho hàng Việt. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu của châu Phi đạt khoảng 480 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, sẽ nhập khẩu khoảng 1.200 tỷ USD hàng hóa các loại.
Hướng đi chiến lược
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại thị trường Trung Đông, châu Phi cho rằng, hàng hóa xuất khẩu qua hai thị trường này phải tuân thủ rất nhiều quy định, tiêu chuẩn riêng. Cụ thể, nhãn mác hàng hóa, các ký hiệu, thông tin về sản phẩm phải thể hiện bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và ngôn ngữ của nước sở tại. Chứng từ lô hàng xuất khẩu phải chuyển đến cơ quan đại diện ngoại giao nước mua để chứng thực… Đặc biệt, trở ngại lớn nhất chính là phương thức thanh toán. Nguyên nhân là do các thương nhân ở đây có thói quen sử dụng thanh toán bằng chuyển tiền trực tiếp, đặc cọc nên dẫn tới nhiều rủi ro cho phía người bán hàng.
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nên thanh toán bằng phương án nhờ thu chứng từ nhập khẩu (D/P) và đưa ra mức đặt cọc cao trên 30% để bảo đảm đơn hàng không bị bỏ nửa chừng; hạn chế hình thức trả chậm; tuyệt đối không nên chấp nhận hình thức thanh toán bằng chuyển tiền qua dịch vụ chuyển tiền hay nhờ thu chấp nhận chứng từ (D/A).
Ngoài ra, để tiếp cận thị trường Trung Đông, châu Phi, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường phù hợp; nghiên cứu thị trường để sản xuất các sản phẩm chất lượng và phù hợp với quy cách, quy định của mỗi tiêu chuẩn chất lượng, tập quán tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu. Tìm hiểu cung cách, văn hóa kinh doanh, tác phong làm việc của thương nhân để ứng xử phù hợp.