Xung quanh thả lươn, giữa trồng rau ngổ, nhặt bạc lẻ, thu tiền cục
- Thứ ba - 15/05/2018 21:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thời gian qua, do bị khai thác quá mức nên số lượng lươn trong tự nhiên đang giảm sút. Nắm bắt tình hình này, tại khóm 9, thị trấn Thới Bình, anh Kiều Văn Sơn (25 tuổi) và nhiều hộ khác triển khai, mở rộng mô hình nuôi lươn, đạt hiệu quả kinh tế đáng kể.
Theo học chuyên ngành Quản lý môi trường, từng là Bí thư Chi đoàn khóm 9, có lẽ sự nhiệt huyết và sáng tạo của tuổi trẻ bộc lộ rõ trong cách tìm tòi lập thân, lập nghiệp của anh. Sau quá trình học hỏi, nghiên cứu trên mạng internet, anh Sơn mạnh dạn đầu tư, xây dựng 12 hầm nuôi lươn, mỗi hầm có diện tích 11 m2 và thả 10.000 con lươn giống, tổng chi phí hơn 200 triệu đồng. Hồ nuôi lươn được thiết kế rất đơn giản bằng cách lót bạt ni-lông phía dưới, có ống thoát nước để thay nước dễ dàng, giá để cho lươn bám có thể là đất hoặc dây ni-lông cột thành bó.
Thu nhập từ việc trồng rau ngổ kết hợp nuôi lươn đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho gia đình anh Kiều Văn Sơn.
Khi được hỏi về ý tưởng, anh Sơn chia sẻ: “Có người bà con đã nuôi lươn trong can, so sánh với phương pháp nuôi không bùn thấy dễ chăm sóc và đạt hiệu quả cao hơn nên tôi quyết định đầu tư, tìm tòi học hỏi qua internet”.
Không chỉ chú trọng chăm sóc lươn, anh Sơn còn học hỏi kinh nghiệm để ép đẻ tạo nguồn lươn giống. Anh Sơn xây một bể riêng để ép lươn, đổ đất hai bên hầm để làm chỗ cho lươn đẻ, sau đó mang trứng thuần ô-xy từ 4-7 ngày trứng lươn sẽ nở thành lươn con. Nhờ đó, anh chủ động được nguồn giống cho những vụ nuôi sau.
Nuôi lươn không bùn không tốn nhiều công chăm sóc, chỉ cần giữ môi trường sống sạch sẽ, thay nước thường xuyên, lươn ít bệnh vặt nếu chăm sóc tốt. Anh Sơn cho biết thêm: “Khi xây dựng hầm, cần thiết kế một ống thoát nước để tiện thay nước và chăm sóc lươn, 3 ngày nên thay nước 1 lần để lươn phát triển tốt, ít bị nhiễm bệnh”.
Thức ăn của lươn dễ tìm, chủ yếu là thức ăn bán sẵn và cá phi xay nhuyễn.
Kết quả sau 12 tháng nuôi, lươn phát triển tốt, anh Sơn đang hợp đồng với các thương lái, nhà hàng… để xuất bán. Giá lươn dao động từ 250.000-270.000 đồng/kg tuỳ theo trọng lượng. Anh dự tính, đợt xuất bán đầu tiên hơn 1 tấn lươn thương phẩm.
Không chỉ nuôi lươn, anh Sơn còn tận dụng phần mặt nước để trồng rau ngổ. Rau trồng tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên được bà con trong vùng yên tâm sử dụng. Mỗi ngày thu nhập từ rau ngổ trung bình khoảng 250.000 đồng, vừa trang trải được tiền thức ăn cho lươn, vừa tạo bóng mát cho hầm.
Anh Tiêu Thành Nhân, Phó bí thư Đoàn thị trấn Thới Bình, phấn khởi: “Mô hình nuôi lươn không bùn của bạn Kiều Văn Sơn tiêu biểu cho ý chí vươn lên khởi nghiệp của thanh niên thị trấn. Đây là một trong những mô hình điển hình cần được tuyên truyền nhân rộng trong lực lượng đoàn viên, thanh niên”./.