1 năm chứng nhận nhãn hiệu, cam Thượng Lộc "có tiếng chưa có miếng"

1 năm chứng nhận nhãn hiệu, cam Thượng Lộc "có tiếng chưa có miếng"
Dù đã tồn tại gần 20 năm và gây được “tiếng vang” nhưng đặc sản cam Thượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn chưa có cơ hội cạnh tranh ở thị trường lớn. Cho đến nay, các đầu mối sản xuất vẫn chỉ “mạnh ai nấy lo”.

Thương hiệu lớn, lối ra nhỏ!

Sau gần 20 năm có mặt và phát triển trên vùng đất Thượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), cây cam chanh đã khẳng định được vị trí của mình bởi sự thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, có hương vị đậm đà không thua kém gì các sản phẩm cam nổi tiếng trong tỉnh như: Cam bù Hương Sơn, cam Khe Mây, cam chanh Cẩm Yên….

Ngày 9.11.2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) ban hành Quyết định số 1016/QĐ – SHTT về việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cam Thượng Lộc cho UBND huyện Can Lộc. Đây là phần thưởng xứng đáng cho sự cần cù, nỗ lực của người nông dân Thượng Lộc.

Có thể nói rằng cam Thượng Lộc được cấp bảo hộ nhãn hiệu đã thổi "luồng gió mới" vào vùng đất cằn này. Không chỉ làm thay đổi diện mạo một xã miền núi, mô hình trồng cam mang lại lợi ích lớn, góp phần cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, dù cam Thượng Lộc đã có thương hiệu gần một năm nay nhưng người dân nơi đây vẫn đang phải loay hoay tìm lối ra cho sản phẩm.

 1 nam chung nhan nhan hieu, cam thuong loc 'co tieng chua co mieng' hinh anh 1

Chị Võ Thị Châu (xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) cho biết, giá cam đầu mùa đang được các thương lái thu mua với giá dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, chị Võ Thị Châu (xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) trăn trở: “Gia đình tôi trồng hơn 2 ha cam, thế nhưng đến mùa thu hoạch vẫn phải lo đầu ra rất vất vả”.

Cùng tâm trạng với chị Châu, anh Nguyễn Gia Phố (thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc) lo lắng: “Cam Thượng Lộc đã được công nhận thương hiệu, nhưng hiện nay chưa có đầu ra ổn định. Tôi rất mong cấp trên quan tâm, sớm có phương án phát triển để nguyên liệu chúng tôi làm ra sẽ có nơi tiêu thụ ổn định, giá bán hợp lý”.

Hình ảnh, nhãn mác cam Thượng Lộc xa lạ với người tiêu dùng

Có mặt gần 20 năm trên vùng đất trà sơn huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), cam Thượng Lộc đã trở thành cây trồng chủ lực gúp hàng trăm hộ dân “chân lấm tay bùn” thành khá giá. Những tưởng, sau khi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, hình ảnh cam Thượng Lộc sẽ được quảng bá rộng rãi và khẳng định được chỗ đứng trên thị trường nhưng thực tế không phải vậy. Dường như hình ảnh, nhãn mác thương hiệu cam Thượng Lộc vẫn còn quá xa lạ với người tiêu dùng.

Có mặt tại xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc) những ngày này, điều dễ nhận thấy là cam Thượng Lộc được các thương lái đến thu mua tại vườn sau đó đóng bì và xuất sang các địa phương khác dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng một sự thật đáng buồn đó là tất cả số lượng cam được xuất ra khỏi địa bàn huyện Can Lộc mà không hề được dán nhãn, thương hiệu cũng như xuất xứ Thượng Lộc.

Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, chị Võ Thị Loan (xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc) cho biết: “Vườn cam gần 1.000 gốc của tôi thì một tuần thương lái đến mua 2 lần. Cam được cắt tại vườn nhưng không được gắn nhãn mác. Cam đã được công nhận thương hiệu mà lại không được gắn nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ thì sao có chỗ đứng trên thị trường”.

 1 nam chung nhan nhan hieu, cam thuong loc 'co tieng chua co mieng' hinh anh 2

Những vườn cam sai quả, ngày ngày được các thương lái đến mua, nhưng một sự thật đáng buồn đó là tất cả số lượng cam được xuất ra khỏi địa bàn huyện Can Lộc mà không hề được dán nhãn, thương hiệu cũng như xuất xứ….

Cùng tâm trạng với chị Loan, chị Phan Thị Hiền (xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc) chia sẻ: “Cam Thượng Lộc đã có thương hiệu nhưng nếu bày bán tràn lan trên thị trường không có nhãn nếu xảy ra vấn đề ngoài ý muốn sẽ ảnh hưởng đến người trồng cam như chúng tôi”.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Chuân – Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: “Hiện, toàn xã có 220 ha cam, cam Thượng Lộc được các chuyên gia đánh giá quả nhiều, vị ngọt đậm xen lẫn chua nhẹ. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất của địa phương hiện nay là đầu ra cho sản phẩm. Cam Thượng Lộc đã có thương hiệu tên tuổi nhưng chưa có cơ hội cạnh tranh được với thị trường lớn”.

Khi nào những chuyến xe chuyên chở cam Thượng Lộc ra khỏi địa bàn huyện Can Lộc được dãn nhãn mác, thương hiệu? Đến bao giờ thì thực khách của loại hoa quả này mới có thể tìm mua được sản phẩm chính hiệu mà không bị đánh lừa, nhầm lẫn? Đó là những câu hỏi làm nhói lòng nông dân Thượng Lộc!

Theo danviet.vn