10 nhiệm vụ, giải pháp nông nghiệp 2020
- Thứ ba - 07/01/2020 09:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT dự hội nghị bàn nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển nông nghiệp bền vững năm 2020. |
Năm 2019, nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn chung về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Bên cạnh đó, ngành còn chịu tác động lớn bởi Dịch tả lợn Châu Phi, diễn biến thời tiết cực đoạn hay thị trường nhiều mặt hàng nông sản không ổn định, một số mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu với những quy định mới khắt khe và yêu cầu cao hơn của thị trường Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, nhờ vậy, năm 2019, ngành nông nghiệp hoàn thành và vượt 3/4 chỉ tiêu.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 41,3 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%; Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chỉ tiêu đạt thấp là tăng trưởng GDP 2,01% (chủ yếu do bệnh dịch tả lợn Châu Phi làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành).
Các mục tiêu cơ bản trong năm 2020 của ngành NN-PTNT là tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8 - 3%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 96%; Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp; cả nước có 17.000 HTX nông nghiệp.
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành xác định “Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”.
Tương ứng với mục tiêu này, Bộ NN-PTNT đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đầu tiên là hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường nhằm khơi thông nguồn lực phát triển ngành.
Thứ hai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn.
Ba là, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới, gắn kết với phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân nông thôn. Thứ tư, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đồng bộ, hiện đại và đẩy mạnh kết nối nông nghiệp với công nghiệp, đô thị.
Tiếp theo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành, đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Sáu là chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nhóm giải pháp, nhiệm vụ thứ bảy là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành, đẩy mạnh cải cách hành chính, cari thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tám là, tăng cường công tác đấu tránh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo là kết hợp phát triển nông nghiệp, nông thôn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Cuối cùng, thực hiện tốt và đổi mới công tác dự báo, thống kê cùng với thông tin tuyên truyền, thi đua, khen thưởng.
Với Nghị quyết 02 của Chính phủ, ban hành ngày 1/1 vừa qua về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, Bộ NN-PTNT đưa ra 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Thứ nhất, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ trực tiếp chỉ đạo, thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về các nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, tiếp tục cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh và thứ ba là tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến của một số đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nhìn lại năm 2019, ngành đã nhận định đúng tình hình để có nhóm giải pháp tích cực nhất, đặt mục tiêu cao để tạo ra áp lực tích cực cho các đơn vị, chỉ đạo quyết liệt xuyên suốt từ đầu năm đến cuối năm và xử lý tình huống một cách đồng bộ, hệ thống, quyết liệt.
Bên cạnh đó là phát huy sức mạnh cả hệ thống các thành phần kinh tế, có đến 26 lần Thủ tướng và các Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo hội nghị của ngành nông nghiệp và sự tham gia của rất tích cực của các địa phương. Từ đó mà ngành nông nghiệp đã hạn chế tối đa khó khăn, đạt kết quả tích cực nhất trong hoàn cảnh cụ thể.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định 2020 sẽ là một năm tứ bề gian nan. |
Về năm 2020, Bộ trưởng NN-PTNT nhận định: “Sẽ tiếp tục có những diễn biến bất lợi, khó lường. Trước tiên sẽ là một năm thiên tai, mực nước hồ, sông ở đồng bằng sông Hồng xuống thấp trong khi ở phía Nam, chưa bao giờ cả 2 vùng đồng bằng đều bị hạn. Bên cạnh đó, năm nay có thể sẽ xảy ra mưa bão nhiều, bù trừ cho 2019.
Thứ hai là thách thức về dịch bệnh, dù dịch tả lợn châu Phi đã xuống đáy về thiệt hại nhưng vẫn chưa có vacxin và các nước láng giềng như Philipines, Indonesia hay Thái Lan bây giờ mới vào đỉnh điểm. Nguy cơ về cúm gia cầm, sâu keo mùa thu cũng không thể chủ quan”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, thị trường tiếp tục diễn biến khó lường, do quan hệ thương mại Trung - Mỹ, Brexit hay phía Trung Quốc chuyển sang nhập khẩu nông sản chính ngạch. Người đứng đầu ngành NN-PTNT khẳng định 2020 sẽ là một năm tứ bề gian nan, khó khăn khôn lường, tất cả không được chủ quan dù đã có nhiều kinh nghiệm sau 2019.
Bộ trưởng đề nghị tất cả các đơn vị phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ, khả thi nhất để đạt được những mục tiêu cao nhất trong năm 2020. Nâng cao khả năng ứng phó, xử lý các vấn đề nảy sinh, đặc biệt là về thị trường thương mại.
Không chỉ phấn đấu cho các mục tiêu năm 2020 mà ngành cần chuẩn bị tốt cho giai đoạn 2021 - 2025. Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh việc phát huy trách nhiệm người đứng đầu của các Thứ trưởng và lãnh đạo các đơn vị cho mục tiêu phát triển trong năm 2020.