20 ngày xét tuyển đợt 1: Kiệt sức và căng thẳng
- Thứ năm - 20/08/2015 22:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
>> Chới với, bật khóc vì bị rớt vào “phút 89”
>> Nhộn nhịp rút - nộp hồ sơ xét tuyển trước giờ G
Tại trường ĐH Công nghiệp TPHCM, thí sinh mệt phờ vì đông người nộp lẫn rút hồ sơ
Từ sáng sớm đến tận cuối giờ làm việc, hàng trăm thí sinh, phụ huynh chầu chực trước phòng nhận hồ sơ của các trường đại học. Đến hôm 20/8, các thí sinh mới nháo nhào rút, nộp sang trường khác là do, điểm trúng tuyển tạm thời của các trường càng về cuối bất ngờ biến động khiến thí sinh lẫn phụ huynh trở tay không kịp.
Ông Thái Anh Tuấn (quê Long An) cùng con gái lên trường ĐH Sư phạm TP HCM nộp hồ sơ xét tuyển. Em Thái Thị Lành, con ông Tuấn thi được 23 điểm và định nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Sư phạm Tiểu học, trường ĐH Sư phạm TPHCM. Trưa 20/8, cha con ông Tuấn ôm máy tính ra gốc cây cạnh bãi giữ xe của trường ĐH Sư phạm TPHCM ngồi canh hồ sơ.
“Điểm chuẩn tạm thời của ngành Sư phạm Tiểu học là 23 nên tôi chưa dám cho con nộp hồ sơ. Ngồi chờ tới 2 giờ, nếu điểm tăng lên thì tôi sẽ chở con về trường CĐ Sư phạm Long An để nộp hồ sơ cho kịp giờ”, ông Tuấn nói.
Tại trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, sáng 20/8 cũng có hàng trăm thí sinh đến nộp hồ sơ. Thí sinh Lê Minh Hùng (quê An Giang) cho biết, đây là lần thứ 3 em đi nộp hồ sơ. Hùng đã rút hồ sơ xét tuyển ở trường ĐH Kinh tế TPHCM nộp vào trường ĐH Sài Gòn. Sau khi thấy hồ sơ không an toàn, Hùng lại rút hồ sơ ở trường ĐH Sài Gòn và tiếp tục nộp vào trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM.
Từ một người tù mù về công nghệ, ông Thìn (giữa) phải tập làm quen với máy tính, vào mạng để canh điểm cho con của mình.
Ông Nguyễn Hữu Thìn (quê Phú Yên) bắt xe vào TPHCM 3 ngày nay đều có mặt tại trường ĐH Kinh tế TPHCM để canh điểm cho con gái. Ngày nào, ông cũng lên trường ngồi từ lúc 7 giờ sáng đến khi trường đóng cửa mới chịu về.
“Trước khi đi, tôi và con ra UBND xã viết giấy ủy quyền cho xã chứng thực, đóng lệ phí rồi mới vào TPHCM canh điểm. Tôi không dám cho con đi vì sợ nó ngợp, có ấn tượng không tốt với ngưỡng cửa đầu đời. Tiền đi lại, ăn uống, ở nhà trọ trong ba ngày qua đã tốn của tôi hết mấy triệu rồi. Từ trước đến giờ, tôi có biết máy tính là gì đâu. Bây giờ, phải mượn máy tính xách tay của đứa cháu rồi nhờ mọi người chỉ để cách vào trang web của trường ĐH Kinh tế TPHCM để coi điểm, canh số thứ tự”, ông Thìn nói.
Hai mẹ con bà Châu Thị Nguyên cũng thấp thỏm theo dõi số lượng hồ sơ trên trang web của trường ĐH Kinh tế TPHCM. Con gái bà Nguyên thi được 23,5 điểm. Con gái bà Nguyên rà điểm trên trang web còn bà thì ngồi ghi số thứ tự thí sinh lên nộp hồ sơ để đếm điểm chuẩn tạm thời.
“Nhà ở Hậu Giang, hai mẹ con đón xe lên đây nộp hồ sơ rồi tối về nhà xe Long Mỹ ngủ nhờ. Gia đình chỉ có một đứa con nên tập trung lo cho nó”, bà Nguyên bộc bạch.
Tại trường ĐH Kinh tế TPHCM, một tiếng đồng hồ phụ huynh lại ngóng chờ thông báo điểm chuẩn tạm thời.
Cảm xúc khác nhau của các thí sinh khi phía nhà trường ĐH Kinh tế TPHCM công bố mức điểm chuẩn tạm thời cuối cùng.
Căng mắt dò điểm trên mạng, dành nhiều ngày chầu chực tại trường không còn làm cho phụ huynh mệt mỏi nữa mà bắt đầu kiệt sức. Những tính toán, chọn ngành đăng ký giờ đây giống như một "canh bạc" mà thí sinh, phụ huynh chỉ biết trông chờ vào may rủi ở kỳ tuyển sinh này.
Theo Dantri.com.vn