200.000 ha lúa cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng

200.000 ha lúa cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Trước mắt, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng vào các loại cây trồng phục vụ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, lạc...

Sáng nay (25/6), tại tỉnh Phú Thọ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị bàn biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả ở các tỉnh phía Bắc năm 2013.

Tại hội nghị, đại diện ngành nông nghiệp các địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp đã trao đổi kinh nghiệm thực hiện mô hình chuyển đổi canh tác lúa kém hiệu quả sang cây trồng nhằm tăng giá trị nông sản, góp phần nâng cao đời sống của người dân. 

Các đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ gắn với thực hiện tốt công tác khuyến nông, phát triển công nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm. Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ kinh phí mua giống, đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích bao tiêu sản phẩm; tập huấn, đào tạo và xây dựng các tiến bộ kỹ thuật mới… để hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trồng kém kiệu quả.
 

 

Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang nêu ý kiến: “Chúng tôi mong muốn các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm sao nghiên cứu, vào cuộc trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng đi liền với nó phải có chính sách để tiêu thụ sản phẩm, người sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp chưa được hưởng thụ nhiều mà người tiêu thụ thì hưởng lợi nhiều hơn. Chúng tôi mong muốn Chính phủ có chủ trương, chính sách rõ ràng về điều tiết thu nhập này đối với người sản xuất nông lâm nghiệp”.

Hiện nay cả nước có khoảng 200.000 ha lúa kém hiệu quả cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mang lại giá trị sản xuất cao trên số diện tích đất nông nghiệp này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, một trong những giải pháp cấp bách để đạt được mục tiêu này là sẽ điều chỉnh để giảm khoảng 200.000 ha lúa vụ thu đông ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và lúa vụ mùa ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, chuyển sang cây trồng khác.

Trước mắt, ngành nông nghiệp các địa phương sẽ chú trọng vào các loại cây trồng phục vụ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà nước ta đang phải nhập khẩu như ngô, đậu tương và lạc... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng thông tư hướng dẫn, cho phép sử dụng linh hoạt đất lúa để có thể chuyển đổi sang trồng cây khác có lợi thế hơn, nhưng không làm thay đổi công năng sản xuất lúa về lâu dài, đồng thời hình thành các vùng sản xuất ngô, đậu tương hàng hóa tập trung...

Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ: “Trong thời gian tới sẽ tập trung vào tiến bộ khoa học kỹ thuật, có những phương pháp để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản suất nhanh nhất, hiệu quả nhất. Những tiến bộ trước hết là về giống, chọn được bộ giống thích hợp nhất đối với những vùng, đối tượng lựa chọn phù hợp với từng địa phương. Thứ hai là xây dựng thương hiệu, gắn với yêu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, để từ đó xây dựng theo chuỗi giá trị, nâng cao được chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh”./.