37 giờ trên tàu Bắc - Nam
- Thứ sáu - 01/02/2013 20:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
MONG TÀU ĐẾN, CHẲNG ĐỂ ĐI
Bước lên tàu SE5, khởi hành từ ga Hà Nội đi Sài Gòn một chiều cuối năm trong tiết trời se lạnh, cảm giác đầu tiên của tôi là toa tàu khá sạch sẽ. Mỗi toa có 2 màn hình tivi phẳng phía trên đầu đang phát một bộ phim nước ngoài. So với khoảng 5 năm trước, ngày nay, dịch vụ cho hành khách đi tàu đã tốt hơn rất nhiều.
Ở điểm xuất phát, tôi tìm mãi không thấy người bán hàng rong nào, dưới sân ga không có, trên tàu cũng tịnh không. Hỏi anh nhân viên phục vụ toa tàu tên Tuấn, anh bảo: “Đây là ga lớn, hàng rong bị cấm tiệt. Nhưng mấy ga dọc đường đi thì vẫn còn nhiều. Anh muốn gặp họ, vào đến ga Đà Nẵng thiếu gì”.
Con tàu hú 2 loạt còi dài và bắt đầu chuyển bánh. Thủ đô đang lùi dần lại phía sau. Những xóm làng trù phú, yên bình vun vút lướt qua bên ngoài cửa sổ toa tàu. So với 5 năm trước thôi, khung cảnh 2 bên chiều dài hơn 1700 cây số của tuyến đường sắt Bắc - Nam đã thay đổi rất nhiều. Cuộc sống dù chưa hết khó khăn, nhưng cũng đã được cải thiện, những khu dân cư trù phú mọc lên ngày một nhiều hơn.
Đang lơ mơ ngủ, tôi bỗng nghe giọng một phụ nữ miền Trung oang oang bên tai: “Mua bánh gai, bánh ít, café, thuốc lá đi chú”. Giật mình tỉnh giấc, nhìn ra ngoài tôi mới biết tàu đang dừng ở ga Lăng Cô (Phú Lộc, TT- Huế). Và, lúc này tôi mới tỉnh hẳn khi nhìn ra bên ngoài cửa, hàng chục người đang chen chúc sát cửa lưới, nhưng cánh tay cầm gói khô mực, bánh kẹo, nước uống đang í ới mời khách bên trong mua.
Ga Lăng Cô, đội quân bán hàng rong đang tất bật chuẩn bị đón tàu đến...
Trong phút chốc, không khí nhộn nhịp bên ngoài sân ga đã tràn lên toa tàu khi vài người “lọt” qua tầm kiểm soát của nhân viên toa lên hẳn phía trên nài nỉ khách mua hàng. Thấy trên tay người phụ nữ vừa đánh thức tôi dậy không có hàng hóa như những người dưới sân, tôi ngạc nhiên hỏi: “Bánh trái, café thuốc lá đâu?”, “Chú muốn mua gì? 2 phút có ngay”. Tôi hỏi mua một gói thuốc lá ngựa trắng, chị gật đầu quày quả đi xuống, và chưa đầy 2 phút sau chị đã có mặt với gói thuốc trên tay.
Người phụ nữ này cho biết chị tên Lê Thị Thảo, năm nay mới 39 tuổi, nhà ở ngay thị trấn Lăng Cô. “Nhà không có ruộng, hai vợ chồng tui có đến 4 đứa con. Đứa lớn nhất năm nay 18 tuổi, đứa nhỏ mới học lớp 1. Nhà khó khăn quá nên giờ chỉ còn 2 đứa nhỏ đi học, còn 2 đứa lớn cũng phải ra đây kiếm ăn từ lâu rồi”, chị nói. “Một ngày mấy mẹ con chị kiếm được bao nhiêu tiền?”. “Cũng tùy hôm. Nhưng nhiều nhất cũng 2 trăm ngàn thôi. Chú tính, cái ga này có cả trăm người bán hàng như tui chứ ít gì…”, chị Thảo còn chưa dứt lời tâm sự thì tàu có lệnh chuyển bánh nên vội vàng đi xuống.
...Và vây kín con tàu
Ga Lăng Cô là một trong những ga tàu thường dừng lâu, vì phải chuẩn bị cho một hành trình leo qua đèo Hải Vân (tàu từ Hà Nội đi Sài Gòn). Chính vì thế, nơi này tập trung một lực lượng bán hàng rong rất hùng hậu. Hơn 2/3 số người bán rong là phụ nữ, trẻ em và người già. Họ xách trên tay những bịch nilon đựng mực khô, vòng đá, mía ngọt, bánh kẹo, nước uống, trứng luộc, xôi...
MƯỢN THÂN TÀU CHỞ “GÁNH” MƯU SINH
Nghe tôi hỏi về những người chuyên nhảy tàu bán hàng rong, anh Tuấn bảo: “Họ đa số là người ở ga Đà Nẵng. Từ ga này đến ga Lăng Cô phải qua đèo Hải Vân nên tàu chạy rất chậm. Họ nhảy lên để bán hàng. Qua đèo, đến ga Lăng Cô, họ lại xuống, đợi tàu vào”.
Lân la mãi, cuối cùng, tôi cũng tìm được những người phụ nữ trong đội nhảy tàu chuyên nghiệp đang đợi tàu quay về ga Đà Nẵng. “Sao mấy chị liều thế?”, tôi hỏi. “Nhảy tàu, sẩy chân là mất mạng như chơi. Không chỉ thế, nếu nhân viên tàu bắt được họ tịch thu trắng đồ đạc luôn”, người phụ nữ tên Hoa, 41 tuổi, đáp. Chị Hoa cho biết, những người trong đội nhảy tàu tập trung thành một xóm ở khu vực Kim Liên (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Cả xóm có vài trăm nóc nhà, mỗi nhà có ít nhất một thành viên tham gia đội quân bán hàng rong, nhảy tàu.
“Ngày xưa xóm có nghề làm pháo, cũng nổi tiếng lắm. Nhưng từ khi cấm đốt pháo, mọi người đổ xô hết ra ga kiếm sống. Nghề nhảy tàu bán hàng rong này cực khổ lắm, nhất là những ngày mua gió. Nhưng vợ chồng tui có 3 đứa con nhỏ, cha mẹ già, tổng cộng 7 người, ruộng không có, nghề cũng không, biết làm gì ngoài bán hàng rong chứ”, chị Thảo, một thành viên trong đội nhảy tàu nói.
Một phụ nữ đang nhảy tàu (ga Đà Nẵng)
Bất chợt, con tàu rúc lên một hồi còi dài, chuẩn bị chuyển bánh. Trong nháy mắt, những người phụ nữ tản ra. Họ thoăn thoắt bám lấy con tàu, leo lên nóc. Khi tàu chạy lên phía đèo Hải Vân, nhóm phụ nữ cũng bắt đầu leo xuống ô cửa, chui vào toa tranh thủ mời khách mua hàng. Thoáng thấy bóng dáng nhân viên bảo vệ họ lại lỉnh ra ngoài, leo lên nóc. Tàu đi vào hầm Hải Vân, bóng tối bao trùm, mùi dầu, mùi khói nghẹt thở.
Yên vị trên nóc, chuẩn bị xuống toa bán hàng
"Vừa qua chính quyền có đến gặp chúng tôi, thuyết phục chúng tôi nghỉ bán hàng rong và sẽ hỗ trợ vốn vào buôn bán trong chợ. Phường sẽ phân lô ở chợ để tạo điều kiện làm ăn, còn người nào muốn vay vốn làm ăn thì phường cũng tạo điều kiện. Chúng tôi biết việc nhảy tàu để mưu sinh là rất nguy hiểm, nhưng cực chẵng đã thôi. Nếu được hỗ trợ vốn làm ăn để thoát cảnh nhảy tàu thì còn gì bằng", chị Thảo nói. |
“Ở trong toa mà đã thế này, những người phụ nữ đang nằm rạp xuống sàn nóc tàu để tránh mất mạng vì đụng nóc hầm thì sao nhỉ?”, tôi thầm nghĩ. Nhưng, chị Thảo đã giải đáp thắc mắc cho tôi ngay sau khi chị có cơ hội nhảy xuống toa. “Các hầm đều có độ cao tương đương nhau nên chỉ cần vài lần là quen. Còn mùi dầu, khói bụi, bóng tối… chẳng đáng gì”.
Hơn 1 tiếng sau, con tàu chầm chậm tiến vào ga Đà Nẵng, một trong những ga lớn nhất dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam. Tàu vừa dừng, hàng chục người tay xách nách mang, ùa ra, bám chặt vào lan can nhảy lên toa tàu, thậm chí chui qua cửa sổ vào trong toa mời hành khách mua hàng. Anh Tuấn nói: “Ga Đà Nẵng tập trung nhiều người bán hàng rong nhất”.
Tôi bước xuống sân ga, bất chợt một làn gió biển thổi vào hơi se lạnh khiến tôi thu mình. Một cụ già chống gậy đang chầm chậm tiến lại, trên tay bà là một sấp mực khô và mấy món linh tinh khác. Chiếc lưng còng cho thấy bà già lắm. Bà chìa những con mực khô trước mặt tôi... "Năm nay cụ bao nhiêu tuổi rồi?”, tôi mua giúp bà mấy thứ rồi hỏi. “Gần 80 rồi con”, bà đáp.
Cụ Lê Thị Chung ở ga Đà Nẵng
Trò chuyện với bà, tôi mới biết bà tên Lê Thị Chung, cả đời bà gắn bó với những con tàu, đường ray ở đây. Chính vì thế, dù tuổi đã cao, không còn sức để đi nhiều, nhưng nếu không đi cụ sẽ buồn lắm. “Mỗi ngày cụ kiếm được bao nhiêu?”, tôi hỏi. “Hôm nào khá thì bán được dăm con mực, vài gói kẹo, đủ tiền lo cho mình. Cũng may là già được nhiều người thương mà mua giúp”, cụ Chung chậm chạp nói.
Theo NNVN