5 năm gia nhập WTO: Nông nghiệp vẫn yếu kém

5 năm gia nhập WTO: Nông nghiệp vẫn yếu kém
Sau hơn 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của VN vẫn chưa đủ mạnh để thay đổi tình trạng yếu kém của sản xuất nông nghiệp.

 

Hỗ trợ nông nghiệp quá ít...

Ngày 11.1.2007, Việt Nam (VN) chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Tuy nhiên từ đó đến nay, "những gì đã làm để thúc đẩy ngành nông nghiệp (NN) phát triển và tận dụng cơ hội do WTO đưa lại của VN vẫn là quá ít" - ông Lưu Đức Khải- Trưởng ban Chính sách NN (CIEM-Bộ KHĐT) nói.

Bằng chứng là sau 5 năm, sản xuất NN của VN tăng giảm thất thường, với tỷ lệ chỉ từ 5-6%/năm giảm còn 3,5% vào năm 2009; tăng trưởng GDP của ngành còn thấp hơn nữa, tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực này bình quân thời kỳ 2007 - 2011 chỉ tăng trên 2,59%/năm, trong đó năm 2009 tăng 1,83%, năm 2010 tăng 2,78% và năm 2011 ước tăng 3%.

GDP của Việt Nam giảm dần kể từ năm 2007- thời điểm gia nhập WTO.

Về mặt tích cực, thể hiện rõ ở việc nhờ tác động của WTO, thị trường xuất khẩu nông sản được mở rộng, các loại thuế bán phá giá mang tính áp đặt như trước đây bị bãi bỏ hoặc hạn chế, chất lượng nông sản tăng lên nên nhiều mặt hàng xuất khẩu VN đã đứng vững trên các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU...

Nhưng mặt trái là năng lực sản xuất và cạnh tranh của nhiều sản phẩm lại không tận dụng được như các sản phẩm chăn nuôi, mía đường... Trong nhiều năm qua VN đã phải trả giá khá đắt khi đầu tư, ưu đãi vào ngành mía đường mà chưa chứng minh được hiệu quả của nó, người tiêu dùng VN luôn phải trả mức giá cao hơn gần gấp đôi người tiêu dùng thế giới. Ngay xuất khẩu gạo được tác động tích cực bởi gia nhập WTO song vẫn chưa đáp ứng được mong muốn gia tăng lợi ích của người sản xuất lúa vì đại bộ phận nông dân làm lúa của VN còn nghèo và rất nghèo. Tương tự là với các sản phẩm khác như cà phê, cao su... Còn các sản phẩm chăn nuôi kéo theo đó cũng phát triển ì ạch và gặp nhiều khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh và giá cả đầu vào.

Thay đổi căn bản các chính sách nông nghiệp

"Muốn tận dụng được các cơ hội do hội nhập WTO đem lại, ngành NN VN phải thay đổi căn bản các cơ chế chính sách"- đó là khuyến nghị của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh. Theo ông Doanh, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất NN sau gia nhập WTO của VN chưa đủ mạnh để làm thay đổi tình trạng yếu kém của sản xuất NN hiện nay.

Trong khi đó, khủng hoảng của thế giới càng gây tổn thương cho sản xuất và xuất khẩu nông sản của VN. Sự bảo hộ của thế giới ngày càng thắt chặt sẽ còn tác động mạnh và tiêu cực tới NN VN; đi theo đó là giá nhiên liệu vật tư biến động.

"Dịch vụ nông nghiệp - một lĩnh vực được cho là sẽ có sự bứt phá sau gia nhập WTO thì cũng chưa tận dụng được những lợi thế do gia nhập WTO tạo ra. Có thể nói, hoạt động dịch vụ nông nghiệp đã và đang là điểm hạn chế của ngành nông nghiệp VN, chưa thể hiện vai trò tích cực đối với chăn nuôi, trồng trọt và vào quá trình nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp".

Chuyên gia phân tích chính sách NN Phạm Quang Diệu cũng cho rằng, chúng ta không nên ảo tưởng rằng khi hội nhập WTO, cơ hội để hàng nông sản VN thâm nhập thị trường thế giới sẽ trở nên dễ dàng. Thực tế, nhiều mặt hàng nông sản của ta như tôm, cá... phải đương đầu với rất nhiều thách thức của hàng rào kỹ thuật hay các chương trình bài hàng nhập khẩu được dựng lên một cách vô tình hay cố ý.

Những bài học của hội nhập WTO thời gian qua cho thấy VN cần phải có những điều chỉnh cả về mặt thể chế và chính sách. Giảm thuế trong NN phải được sử dụng mềm dẻo.

Nhà nước cần tăng đầu tư dịch vụ công về thông tin giám sát thị trường (trong nước và quốc tế) cho các doanh nghiệp nông sản, phổ biến thông tin về WTO cho doanh nghiệp, nông dân không chỉ có các cam kết của VN mà cả các dự báo tác động nhập khẩu và cơ hội về mở rộng thị trường - giảm thuế thị trường nhập khẩu của các nước đối với hàng VN.

Còn nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển thì đề nghị: Để tránh những "cú sốc" cho NN VN, ngay lúc này VN cần sớm đưa ra các biện pháp phòng ngừa khi phải cắt giảm thuế nhập khẩu nông sản xuống thấp theo cam kết. Người nông dân phải được hỗ trợ để ngoài kiến thức nông học còn phải biết hợp tác, liên kết sản xuất, phối hợp với các tổ chức kinh doanh nông sản để cùng sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm khép kín. Cuối cùng, VN cần định hướng chính sách nâng cao năng lực hội nhập WTO của các ngành sản phẩm NN, từ trồng trọt, chăn nuôi, đến dịch vụ NN.