50 năm Đất thép thành đồng

50 năm Đất thép thành đồng
Từ vùng đất phải gạt vỏ đạn, mảnh bom mới có đất đai cày cấy, hôm nay huyện Củ Chi (TPHCM) đã bật lên sức sống mới, khang trang, trù phú.
 

Thương binh Nguyễn Văn Nù (ngụ huyện Củ Chi, TPHCM) hướng dẫn con trai sơ chế cỏ cho đàn bò sữa . Ảnh: VIỆT DŨNG

Thương binh Nguyễn Văn Nù (ngụ huyện Củ Chi, TPHCM) hướng dẫn con trai sơ chế cỏ cho đàn bò sữa . Ảnh: VIỆT DŨNG

Hai nhiệm vụ
Ông Nguyễn Văn Nù (68 tuổi, ngụ xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) là một cựu chiến binh, từng chiến đấu ngay tại địa đạo Củ Chi trong những năm chống Mỹ. Ông bị thương, phải cưa tay, may tai và mặt rồi trải qua nhiều năm bị địch bắt tù đày. Ngày đất nước được giải phóng, hết nhiệm vụ đánh giặc xâm lược, ông và vợ - thương binh Ngô Thị Khởi, bắt đầu nhiệm vụ mới: lập nghiệp, làm giàu trên quê hương mình. “Sau chiến tranh, cái mọi người phải đối diện là nghèo đói”, ông Nguyễn Văn Nù nhớ lại thời điểm bắt đầu cuộc sống mới. Khi đó, vợ chồng ông Nù chỉ có hai bàn tay trắng. Cơm ăn không có nước mắm, phải lấy muối hòa ra để ăn. Ban ngày, hai vợ chồng cày thuê, cắt lúa mướn, tối đến lại cắt trúc đan lát cộng với soi ếch, soi cá kiếm thêm cái ăn cho gia đình 7 người con. Dành dụm được chút ít, vợ chồng ông mướn 1,5 công ruộng cấy lúa, song lúa cháy xác xơ vì thiếu nước và cả nhà vẫn phải ăn cơm độn khoai mì. Ông Nù nhận xét, cuộc sống của gia đình ông và nhiều gia đình khác bớt cơ cực, đổi đời từ khi có kênh Đông. 
Làm sao giúp đời sống của người dân khấm khá hơn? Đây là bài toán cần tìm lời giải cho sự phát triển của vùng đất chết trong chiến tranh. Bằng sự nhạy bén của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây, Củ Chi đã tìm ra giải pháp thích hợp tháo gỡ vướng mắc, từng bước vượt qua khó khăn. Người dân được tạo điều kiện phát huy hết tiềm năng của mình. Tiêu biểu cho sự sáng tạo đó là công trình đào kênh Đông. Từ năm 1985, kênh Đông dài hơn 11km bắt đầu đưa dòng nước ngọt từ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) về tưới mát cho 13.500ha (chiếm 42% diện tích đất canh tác của huyện) đất sản xuất nông nghiệp ở Củ Chi. Con kênh đào được ví như công trình “địa đạo nổi” đã làm thay đổi căn bản về đời sống, kinh tế của nông thôn, nông dân trong huyện. Từ đây, cả một vùng đất có địa hình cao nhất TPHCM thức giấc. Thay vì chỉ trồng được 1 vụ lúa, ông Nù có thể trồng 2 vụ lúa, 1 vụ đậu phộng hoặc các loại cây trồng khác. Cuộc sống của ông Nù cũng như các gia đình khác ổn định dần. Vợ chồng ông Nù có cơm gạo nuôi con, có tiền mua thêm được 2 công đất cày cấy, trở thành gia đình khá giả. Những người con của ông Nù nay đều trưởng thành, người học hành thoát ly, người phát triển đàn bò sữa với 100 con. 
Bước tiến dài
Trong kháng chiến, cả “vùng trắng” Củ Chi ngày đêm bị cày xới bởi hơn 240.000 tấn bom đạn các loại và trung bình, mỗi người dân đất thép phải “gánh” trên mình bình quân 1,5 tấn đạn bom. Chiến tranh đã hủy diệt gần như toàn bộ hệ sinh thái vùng đất Củ Chi. Mất mát lớn nhất là con người. Hơn 10.000 liệt sĩ trong huyện và hơn 45.000 liệt sĩ từ khắp mọi miền đất nước đã chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất thành đồng. Song sự tàn phá khốc liệt, ghê gớm ấy không làm khuất phục, lung lay ý chí và tinh thần của người dân đất thép. Gia đình ông Nguyễn Văn Nù là điển hình cho sự vươn lên đó. Sau cuộc chiến, ông Nù và những người dân Củ Chi đã vượt lên những mất mát, đau thương, vươn lên làm chủ trong trận chiến mới - về kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Và Củ Chi - vùng đất phải gạt vỏ đạn, mảnh bom mới thấy đất, đã bật lên sức sống mới với màu xanh trù phú, những công trình, dự án khang trang, cuộc sống mới an bình. 
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú chia sẻ, năm 1995 (20 năm sau giải phóng) vẫn còn đến 30% hộ dân Củ Chi thuộc diện nghèo đói; đến nay, huyện chỉ còn 3% số hộ thuộc diện nghèo theo tiêu chí mới của TP (21 triệu đồng/người/năm). Từ chỉ có 24 doanh nghiệp, cả huyện nộp thuế chưa tới 1 tỷ đồng; bây giờ với 2.100 doanh nghiệp, huyện đã vô “câu lạc bộ ngàn tỷ đồng”. Huyện đã hình thành 6 khu, cụm công nghiệp, giải quyết việc làm cho trên 100.000 lao động. Từ vùng đất bị san bằng, là “vùng trắng”, cơ sở hạ tầng kỹ thuật không còn gì, đến nay huyện có 1.700 tuyến đường nhựa hóa, bê tông hóa, gần 800km kênh mương nội đồng phục vụ tưới tiêu 25.000ha. Từ nơi đói kém, giờ đây Củ Chi được xem là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của TPHCM, tiên phong trong thực hiện nông nghiệp công nghệ cao. Giá trị mỗi hécta đất sản xuât nông nghiệp bình quân đạt gần 300 triệu đồng/năm. Huyện chuẩn bị ra thương hiệu “Sữa tươi Củ Chi” nhờ thế mạnh đàn bò sữa hơn 70.000 con. 
Trong văn hóa xã hội, từ nơi không có một ngôi trường nào, giờ đây huyện có cả 4 cấp học với 100 trường, phục vụ 85.000 học sinh. Bệnh viện Củ Chi có 300 giường bệnh được trang bị hiện đại, áp dụng nhiều kỹ thuật cao trong điều trị và trở thành hình mẫu bệnh viện vệ tinh tuyến huyện với sự hỗ trợ của 10 bệnh viện tuyến trên. Đặc biệt, huyện Củ Chi là nơi “đẻ” ra các chính sách về tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xóa nhà tranh tre, khởi phát phong trào xóa đói giảm nghèo đầu tiên ở TPHCM và lan rộng ra cả nước. Đến nay, hơn 17.000 hộ chính sách có công trên địa bàn được chăm lo về đời sống tinh thần và vật chất. “Điều đọng lại trong suốt những năm chiến tranh và 42 năm sau giải phóng là tình người. Nếu trong kháng chiến, người dân Củ Chi giành nhau cái chết trước mặt quân thù để nhường sự sống cho đồng bào mình, thì trong hòa bình, mọi người lại dựa lưng vào nhau làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú đúc kết. 
Vùng đất, con người, truyền thống lịch sử đã hòa quyện tạo nên hồn cốt rất riêng cho vùng đất thép thành đồng. Xác định chưa hẳn đã hết những khó khăn thử thách phía trước, ông Trương Văn Thống, Bí thư Huyện ủy Củ Chi, khẳng định: “Củ Chi tiếp tục tiên phong đổi mới. Huyện tập trung xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý. Từng đảng viên gương mẫu đi đầu; cán bộ, công chức hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Huyện Củ Chi đạt được những kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay không phải ngẫu nhiên mà là kết quả của quá trình đổi mới, ổn định và phát triển của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân huyện Củ Chi qua từng thời kỳ. Trong quá trình phát triển, tuy có lúc có khi địa bàn vùng đất thép năm xưa gặp muôn vàn khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo hỗ trợ của TPHCM, Đảng bộ và nhân dân huyện Củ Chi đã chứng tỏ tính sáng tạo, cần cù, một lòng đoàn kết, dám làm dám chịu; cùng với hệ thống quản lý nhà nước ngày càng được hoàn thiện với mục tiêu phục vụ, đem đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn, đã góp phần thay đổi nhanh chóng diện mạo vùng đất thép năm xưa. 
Năm 2017 là năm đánh dấu chặng đường 50 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu Đất thép thành đồng, cũng là mốc son đánh dấu sự nghiệp xây dựng và phát triển từng bước đã nở hoa, kết trái ấm no, hạnh phúc cho nhân dân xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của TP. Đảng bộ và nhân dân Củ Chi xin hứa sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa những thành tựu kinh tế, giá trị văn hóa đã được xây dựng và bồi đắp trong thời gian qua, tất cả vì một mục tiêu chung là Củ Chi phát triển, nhân ái, nghĩa tình 

Chủ tịch UBND huyện Củ Chi NGUYỄN HỮU HOÀI PHÚ 
 
Theo sggp.org.vn