55 hay 60?
- Thứ sáu - 01/03/2013 02:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nên tiếp tục giữ độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ ở mức 55 hay nâng lên 60 là vấn đề đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan chức năng như Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH hay Tổng cục Dân số thảo luận về việc có nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ giới hay không. Thực chất vướng mắc này đã được bàn luận từ năm... 1993 nhưng chưa tìm được biện pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, kể từ khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) với các quy định về độ tuổi nghỉ hưu của cả lao động nam và nữ được đưa ra tại Quốc hội hồi tháng 11/2011 thì vấn đề này lại được thảo luận sôi nổi trở lại và nhận được nhiều ý kiến trái ngược.
Ảnh minh họa
Những người phản đối đề xuất nâng độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ cho rằng việc kéo dài thời gian làm việc của phụ nữ sẽ làm giảm hiệu quả công việc. Lý do họ đưa ra là ở độ tuổi ngoài 55, phần lớn phụ nữ thường phải đối mặt với tình trạng sức khỏe giảm sút, nhất là đối với những người giữ vai trò lãnh đạo, thường xuyên đối mặt với áp lực công việc cao. Một số ý kiến khác thì nhận định việc nâng độ tuổi nghỉ hưu khiến cho bộ máy của các cơ quan nhà nước tiếp tục duy trì tình trạng cồng kềnh, kém hiệu quả vì không thể tái cơ cấu được. Đáng chú ý, phần đông các ý kiến không tán thành đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu vì cho rằng việc làm này sẽ làm giảm cơ hội tìm được việc làm tốt, giảm cơ hội cống hiến của những lao động trẻ, có năng lực và sức khỏe tốt hơn.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào quy định độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ ở mức bằng nhau của 2/3 dân số trên thế giới, có thể nhận thấy đây là xu thế tất yếu của xã hội khi vấn đề bình đẳng giới đang ngày càng được đề cao. Theo báo cáo của Liên hợp quốc thì Việt Nam là 1 trong số 51 quốc gia mà phụ nữ nghỉ hưu ở độ tuổi kém nam giới trong khi 91 quốc gia khác được khảo sát có độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau.
Bên cạnh đó, việc tăng 5 năm cống hiến đối với phụ nữ cũng được coi là sự bù đắp cho thời gian nghỉ sinh con và bù đắp những cơ hội lao động đã mất vì vướng bận gia đình khi họ còn trẻ.
Thêm một lý do được nhiều người nhắc đến khi ủng hộ đề xuất này là nhằm đảm bảo sự bền vững quỹ bảo hiểm xã hội khi tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng lên, đặc biệt là khi mà tuổi thọ trung bình của nữ giới hiện đang cao hơn so với nam giới. Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thì tiền đóng bảo hiểm xã hội trong 20 năm kể cả tiền lãi của một người chỉ đảm bảo trả lương hưu cho người đó trong 8 năm. Như vậy nếu phụ nữ về hưu vào năm 55 tuổi và nhận lương hưu trong vòng 20 năm (căn cứ theo mức tuổi thọ trung bình của nữ giới là 76 tuổi) thì nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm là rất cao.
Không những thế, việc duy trì độ tuổi về hưu như hiện nay còn khiến nam giới có phần bị đối xử bất công hơn khi chỉ có 12 năm nghỉ hưu (về hưu ở tuổi 60 và có tuổi thọ trung bình 72), chỉ bằng hơn một nửa so với nữ giới.
Như vậy, có thể thấy đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nữ giới lên 60 tuổi là một ý kiến hợp lý. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan như áp dụng với đối tượng nào (toàn bộ lao động nữ hay chỉ lãnh đạo), ngành nghề nào (lao động trí óc hay chân tay) và các quy định điều chỉnh linh hoạt với từng nhóm đối tượng vẫn cần phải được thảo luận cụ thể hơn trước khi ban hành.
Theo nongnghiep.vn