6 nhóm giải pháp nâng hiệu quả khai thác công trình thuỷ lợi

6 nhóm giải pháp nâng hiệu quả khai thác công trình thuỷ lợi
Để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi, có 6 nhóm giải pháp chính được đề xuất dưới đây./
 
6 nhóm giải pháp nâng hiệu quả khai thác công trình thuỷ lợi
Công trình thủy lợi hồ Sông Sắt (Ninh Thuận)



1. Điều chỉnh nhiệm vụ của các hệ thống công trình thủy lợi

a) Đánh giá hệ thống công trình thuỷ lợi

Nội dung đánh giá bao gồm cơ sở hạ tầng, tổ chức quản lý, hiện trạng và khả năng mở rộng cung cấp dịch vụ. Tổng cục Thủy lợi tổ chức đánh giá mẫu một số hệ thống lớn, đại diện theo vùng, miền, loại hình công trình để hướng dẫn các địa phương đánh giá các công trình trên địa bàn.

 Căn cứ kết quả đánh giá và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thủy lợi và quy hoạch phát triển SX của từng địa phương để điều chỉnh nhiệm vụ của hệ thống thủy lợi phù hợp.

Đến năm 2015 rà soát, đánh giá xong 110 hệ thống lớn, từ năm 2016 - 2017 đánh giá 794 hệ thống thủy lợi vừa. Từ năm 2018 - 2020, đánh giá các công trình thủy lợi còn lại trên toàn quốc.

b) Rà soát quy hoạch thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản

Đối với khu vực duyên hải miền Trung: Tổ chức lại SX nuôi trồng thuỷ sản theo quy mô công nghiệp, nuôi tiết kiệm nước và xử lý nước sau nuôi.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long: Rà soát quy hoạch thuỷ lợi cho thuỷ sản, khắc phục nguy cơ lây truyền dịch bệnh qua nguồn nước, tăng cường kiểm soát chất lượng nước. Đề xuất các giải pháp cung cấp nước mặn, ngọt chủ động, đảm bảo chất lượng nước cho khu vực nuôi công nghiệp, trọng tâm cho cá da trơn, tôm nước lợ.

c) Rà soát quy hoạch thuỷ lợi cho cây trồng cạn chủ lực

Tiếp tục rà soát, đề xuất giải pháp cấp nước tưới cho các cây trồng cạn có quy mô SX lớn như cà phê ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Bắc; cây điều ở vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ; hồ tiêu ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Bắc Trung Bộ; chè ở trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên; cây mía và các loại cây ăn quả.

d) Rà soát an toàn đập

Điều chỉnh, bổ sung Chương trình an toàn hồ chứa, rà soát các hồ đập hư hỏng, xuống cấp và đề xuất biện pháp sửa chữa, đảm bảo an toàn; kiểm định đập, đánh giá lại khả năng xả lũ có xét đến biến đổi khí hậu và phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành; tăng cường năng lực dự báo lũ, vận hành theo thời gian thực cho hồ chứa lớn, đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu trong trường hợp khẩn cấp.

2. Hoàn thiện thể chế, chính sách

a) Xây dựng Luật Thủy lợi, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới thể chế quản lý khai thác công trình thủy lợi, chú trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao vai trò chủ thể của người dân và các bên có liên quan trong thủy lợi.

b) Sửa đổi, thay thế Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 7/5/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức trong quản lý an toàn đập.

c) Rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm hướng dẫn để áp dụng thực hiện đặt hàng, đấu thầu trong quản lý khai thác công trình thuỷ lợi. Sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý tài chính cho các tổ chức quản lý khai thác theo hướng đảm bảo tài chính bền vững.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý để thúc đẩy, nhân rộng các hoạt động khai thác tổng hợp, cung cấp các dịch vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, các giải pháp tưới phục vụ nông nghiệp công nghệ cao.

Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để kiện toàn tổ chức quản lý khai thác. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý để hướng dẫn hoạt động của các tổ chức thủy nông cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu, ban hành cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, tư nhân tham gia quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.

d) Hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư công - tư để thúc đẩy phát triển trạm bơm điện cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; quản lý, nạo vét hệ thống công trình thủy lợi cho vùng đồng bằng. Xây dựng hệ thống thuỷ lợi nội đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, áp dụng giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, xây dựng nhà lưới, nhà kính.

đ) Đề xuất chính sách để củng cố, phát triển tổ chức thuỷ nông cơ sở

Hỗ trợ để thành lập, củng cố và ổn định tổ chức; hỗ trợ đào tạo, mở rộng các loại hình cung cấp dịch vụ; lồng ghép hoạt động của tổ chức thủy nông cơ sở với các hoạt động cung ứng dịch vụ đầu vào cho SX, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, liên kết nông dân với các tổ chức kinh tế, xã hội theo hướng tăng giá trị chuỗi sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với cơ chế thị trường.

Hỗ trợ để xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng theo quy mô canh tác tiên tiến, đẩy mạnh cơ giới hóa, khuyến khích liên kết SX, dồn điền đổi thửa, canh tác theo quy mô lớn.

e) Chính sách để triển khai diện rộng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước

Xây dựng các mô hình trình diễn về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ở khu vực cần ưu tiên cho các loại cây trồng cạn chủ lực.

Ưu đãi vay vốn cho hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp để áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; ưu đãi cho doanh nghiệp, cá nhân SX, cung ứng vật tư thiết bị, cấu kiện, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính.

3. Củng cố cơ sở hạ tầng công trình thủy lợi theo hướng hiện đại hóa

Tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp để hoàn chỉnh hệ thống công trình thuỷ lợi hiện có, đặc biệt là hệ thống đã có công trình đầu mối, thiếu kênh mương các cấp để áp dụng phương thức canh tác tiên tiến.

Thúc đẩy các dự án đầu tư công - tư, như dự án xây dựng hồ chứa và hệ thống dẫn nước, cấp nước cho công nghiệp, dịch vụ, kết hợp cấp nước cho thuỷ sản, nông nghiệp có giá trị cao; phát triển cơ sở hạ tầng thuỷ lợi, hệ thống thuỷ lợi nội đồng; khai thác nguồn nước kết hợp phát điện; cấp nước cho thuỷ sản.

4. Áp dụng khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế

Đổi mới phương pháp chuyển giao công nghệ, nhập khẩu công nghệ từ các nước phát triển, lấy chủ thể là doanh nghiệp sản xuất, cung ứng công nghệ, nhà nước hỗ trợ liên kết giữa cơ quan khoa học, doanh nghiệp và tổ chức của người dân.

Xác định các nhiệm vụ khoa học trọng tâm trong quản lý khai thác, thực hiện các giải pháp đồng bộ để áp dụng hiệu quả trên diện rộng.

Xây dựng mô hình trình diễn: Mô hình thực hiện chức năng đặt hàng, đấu thầu quản lý khai thác công trình thuỷ lợi; mô hình hoàn thiện tổ chức, thuỷ lợi nội đồng phục vụ canh tác tiến tiến, tiết kiệm nước (lúa, nuôi trồng thuỷ sản, cây ăn trái); mô hình thuỷ lợi tiên tiến đáp ứng canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả quản lý khai thác.

5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thủy lợi

Tăng cường năng lực, nguồn lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về thuỷ lợi từ Trung ương đến địa phương. Đảm bảo cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về thủy lợi cấp huyện có ít nhất 1 cán bộ có chuyên môn về thủy lợi.

Kiện toàn, củng cố các hội đồng quản lý hệ thống thuỷ lợi liên tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Thành lập cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng. Hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm để quản lý, vận hành hồ chứa.

Rà soát, xây dựng, sửa đổi bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về quản lý, vận hành đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt là hồ, đập. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên trong quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.

6. Đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại và công tác thông tin, truyền thông

Rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về thủy lợi. Xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho các đối tượng quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, an toàn đập. Xây dựng, ban hành khung chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân quản lý, vận hành.

Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ công chức, quản lý khai thác công trình thủy lợi từ Trung ương đến địa phương, ưu tiên cấp huyện, xã, hợp tác xã, tổ hợp tác dùng nước, chủ quản lý hồ, đập nhỏ.

Dự kiến đào tạo khoảng 75.000 - 90.000 người từ năm 2014 - 2020. Đẩy mạnh công tác khuyến thủy lợi, thông qua chương trình khuyến nông, nhà nước hỗ trợ một phần, người dân đóng góp là chính.

b) Thực hiện tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, thông qua các phương tiện phát thanh, truyền hình, báo chí để nâng cao ý thức bảo vệ công trình thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm.

Phát động phong trào toàn dân làm thủy lợi trên phạm vi cả nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phổ biến các mô hình quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi tiên tiến, hiệu quả, bền vững để phát triển và nhân rộng trên phạm vi cả nước.

nguồn: nongnghiep.vn