Chiều ngày 5/9, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo “Tham vấn cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển DN trong nông nghiệp”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam đánh giá: Sau gần 4 năm triển khai Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, việc thu hút DN còn nhiều hạn chế.
Cụ thể, so với các lĩnh vực khác của nền kinh tế, số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp chỉ khoảng 4.400 DN, chiếm gần 1% tổng số DN cả nước. Các DN này chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt có đến 75% DN đang sử dụng những công nghệ máy móc thiết bị đã hết khấu hao.
Bên cạnh đó, Nghị định 210 cũng chưa huy động được sự tham gia của mọi thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp do nội dung chỉ giới hạn đối tượng là DN, trong khi đó đầu tư vào nông nghiệp có nhiều đối tượng khác như tư nhân, hộ cá thể...
Một số đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, các quy định tại Nghị định 210 còn gây hạn chế, khó khăn cho DN. Ví dụ, điều kiện thụ hưởng chính sách nêu trong Nghị định 210 khó khả thi do nhiều tiêu chí có định mức quá cao, DN khó đáp ứng… Bên cạnh đó, một số lĩnh vực khuyến khích đầu tư chưa có trong Nghị định 210 như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sản phẩm chủ lực quốc gia. Một số nội dung rất cần nhưng chưa được đề cập toàn diện trong Nghị định 210 gồm có đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo nhân lực…
Ông Ngọc cho rằng, muốn đẩy mạnh thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, ngoài khắc phục những hạn chế hiện có, khi sửa đổi Nghị định 210, việc rà soát, điều chỉnh chính sách đất đai rất quan trọng với những chính sách rõ ràng nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tạo đất sạch cho DN. Ngoài ra, vốn tín dụng phải đảm bảo nguồn lực trong thực hiện chính sách.
Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN Group: Muốn thu hút DN đầu tư nông nghiệp, cần tập trung vào các chính sách ưu đãi, nhất là chính sách thuế. Bởi chính sách này khuyến khích các DN tập trung vào các dự án có hiệu quả. DN liên doanh liên kết sử dụng những nguồn lực của nhau để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, giá trị kinh tế cao.
“Bên cạnh đó, cần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, xóa bỏ cơ chế xin cho trong bối cảnh những thủ tục hành chính còn phức tạp và mất nhiều thời gian”, ông Hải nói.
Theo Uyển Như/Báo haiquan.vn