ATVSTP: Cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm!
- Chủ nhật - 24/06/2012 02:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thời gian gần đây, báo chí liên tục thông tin về các vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh như: Thịt lợn dịch, thịt lợn có chứa hóa chất tạo nạc, về táo đỏ nhập khẩu có chứa thuốc độc, rồi ô mai, xí muội có chứa chất tạo ngọt cùng hàm lượng chì độc hại, có thể gây ung thu cho người sử dụng…
Trong lúc người dân hoang mang, lo lắng thì các cơ quan chức năng lại tỏ ra không “mặn mà”, quyết liệt trong quản lý thực phẩm “bẩn”, thực phẩm ô nhiễm trên thị trường. Chính điều này đang “tiếp tay” cho tình trạng: Khi có vụ việc vi phạm nổi cộm về thực phẩm, cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo rồi sau đó, đâu lại vào đấy.
Bị ung thư dạ dày đã vài năm nay nên ông Duy Tường thường “thâm nhập” vào các lò giết mổ gia súc tại Hà Nội để chụp những bức ảnh phản ánh tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thực tế những chuyến đi đó đã giúp ông ghi lại hàng trăm tấm ảnh mà theo nhà nhiếp ảnh này thì nếu xem, bất cứ ai cũng phải “giật mình” vì tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang diễn ra hết sức công khai.
Đa số các lò mổ tại Hà Nội không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm |
Tại các lò mổ thịt bò, thịt trâu, thịt lợn mà ông Tường “cận cảnh”, các loại thịt này được mổ xẻ rồi rải hết ra sân xi măng, trên nắp cống nước ngầm lẫn với phân rồi đủ các loại tạp nham khác. Từ các lò mổ này, thực phẩm sẽ tỏa đi khắp phố phường Hà Nội và đến mâm cơm của nhiều gia đình, gây nguy hại không nhỏ cho sức khỏe.
Nhận định về những khó khăn trong quản lý thực phẩm hiện nay, ông Nguyễn Công Khẩn - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Giáo dục, Bộ Y tế nhận định, có 2 thách thức lớn với thực phẩm trong nước là vấn đề kiểm soát quy trình sản xuất thực phẩm và công tác phòng chống thực phẩm giả mạo, thực phẩm độc hại.
Ông Khẩn cho rằng, thực phẩm độc hại giả mạo nguy hại hơn gấp nhiều lần các loại hàng hóa giả mạo khác vì nó mang mầm mống của sự đầu độc, của tình trạng kinh doanh bất chấp tính mạng cộng đồng.
Những thách thức lớn đó theo những nhà quản lý là không thể giải quyết ngày một ngày hai mà đòi hỏi thời gian lâu dài thì dư luận tạm chấp nhận.
Còn những “thách thức” nhỏ hơn liệu cơ quan chức năng có giải quyết được?
Khi được hỏi về vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm ô mai, xí muội có chứa các hóa chất cấm và hàm lượng chì cao đang bày bán tràn lan tại nhiều cửa hàng, khu chợ trong nước rồi sản phẩm sữa nhập khẩu của doanh nghiệp Trung Quốc có chứa hàm lượng thủy ngân cao, ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, đây là những loại sản phẩm không phải do ngành y tế quản lý nhưng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã liên hệ, tìm hiểu và sẽ có thông tin sớm nhất đến báo chí.
Ông Trung cho rằng, ông sẵn sàng công khai tất cả những thông tin về chất lượng các sản phẩm này trên báo chí vì những sản phẩm này nhà ông không sản xuất nên “không ngại gì” . Và những việc làm này, theo ông Trung là đã “làm hết trách nhiệm” của mình với công việc.
Dù gần một năm nay, Luật An toàn thực phẩm đã được thực thi nhưng những tác động tích cực của Luật này dường như chưa được như mong muốn. Thậm chí, Nghị định 38 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm mới được ban hành cuối tháng 4 còn có nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn với Luật này.
Khi mà những đạo Luật vẫn chưa có sự thống nhất thì công tác quản lý thực phẩm, theo ông Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam sẽ khó mà đi vào nề nếp. Thậm chí, khi chỉ đạo quản lý sai lệch sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng.
Đến bao giờ thì người dân mới có thể an tâm sử dụng các thực phẩm trên thị trường mà lòng không phải băn khoăn, lo lắng? Nếu vẫn giữ lối quản lý an toàn thực phẩm theo kiểu nhiều Bộ, ngành tham gia nhưng khi có vụ việc xảy ra, trách nhiệm cụ thể không thuộc về ngành nào thì việc cảnh báo sẽ không có tác dụng lâu dài.
Hậu quả cuối cùng vẫn thuộc về những người dân đang hàng ngày phải ăn uống những thực phẩm mà chưa khi nào họ chắc chắn nó có đảm bảo an toàn hay không./.