Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú làm việc với UBND tỉnh Gia Lai và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho người nông dân trồng hồ tiêu.
Người nông dân gặp khó khăn do hồ tiêu mất mùa và rớt giá
Hồ tiêu, thời “vàng son” đã giúp người nông dân ăn nên làm ra, và sớm chạm đến giấc mơ trở thành tỷ phú trong thời gian ngắn từ sức lao động của mình. Không có gì khó hiểu khi loại cây ấy nhanh chóng được người nông dân trồng trên diện rộng, nhà nhà trồng hồ tiêu, người người trồng hồ tiêu. Diện tích hồ tiêu ở Việt Nam đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 8 năm (từ 2010 đến 2017), theo đó sản lượng cũng tương ứng tăng gần 3 lần trong khoảng thời gian trên.
Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước lân cận cũng mở rộng diện tích trồng tiêu, cung vượt quá cầu do đó giá hồ tiêu đã liên tục sụt giảm trong hai năm qua gây thiệt hại không nhỏ cho bà con. Bên cạnh đó, hồ tiêu còn mắc dịch bệnh chết hàng loạt khiến cuộc sống người trồng tiêu trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Không ít người lâm vào hoàn cảnh nợ nần phải đi nơi khác làm ăn. Riêng tại tỉnh Gia Lai, diện tích hồ tiêu được trồng là 16.026 ha. Trong đó diện tích hồ tiêu bị thiệt hại trên địa bàn là 6.417 ha, chiếm 40,0% tổng diện tích hồ tiêu được trồng trên địa bàn tỉnh.
Cũng tại địa bàn tỉnh Gia Lai, hiện có 15 chi nhánh ngân hàng (14 chi nhánh ngân hàng thương mại và chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội) cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Đến cuối tháng 4/2019, dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu là 3.724 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Trong đó, dư nợ ngắn hạn là 2.665 tỷ đồng; trung và dài hạn 1.059 tỷ đồng. Nợ xấu 451 tỷ đồng, chiếm 12,1% dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu. Số khách hàng còn dư nợ 18.888 khách hàng.
Trước thực trạng trên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với chính quyền địa phương, chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ. Qua đó, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định…
Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã có buổi làm việc cùng UBND tỉnh Gia Lai và các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn cho người nông dân trồng hồ tiêu tại Gia Lai vào ngày 10/5/2019. Tại đây Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Phó Thống đốc khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng phối hợp để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người trồng hồ tiêu bị thiệt hại. Chính quyền địa phương cần chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với ngân hàng đánh giá thực trạng thiệt hại đối với cây hồ tiêu...
Agribank tích cực cùng người nông dân trồng hồ tiêu tháo gỡ khó khăn
Agribank trong thời gian qua đã chủ động tích cực phối hợp cùng các cấp các ngành triển khai nhiều giải pháp cụ thể giúp người nông dân trồng hồ tiêu vượt qua khó khăn ổn định sản xuất. Agribank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng có diện tích hồ tiêu bị thiệt hại. Cụ thể, tính đến thời điểm 31/3/2019, Agribank chi nhánh Gia Lai đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 502 khách hàng, với dư nợ 233.077 triệu đồng. Khách hàng hầu hết đều đã chuyển đổi dần diện tích trồng hồ tiêu sang đầu tư chăn nuôi và trồng một số loại cây khác như: cà phê, chanh dây, các loại cây ăn trái (bơ, chuối, sầu riêng…).
Agribank tích cực cùng người nông dân trồng hồ tiêu tháo gỡ khó khăn
Agribank đồng thời tiến hành giảm lãi suất cho vay đối với các hộ dân bị thiệt hại hồ tiêu (từ 10% xuống 9% đối với ngắn hạn và từ 11-10,5% xuống 10% đối với trung, dài hạn), từ đó người nông dân được chia sẻ giảm bớt khó khăn. Tính đến thời điểm 31/3/2019, Agribank Gia Lai và Đông Gia Lai đã thực hiện giảm lãi suất cho 40 khách hàng trồng hồ tiêu với dư nợ 39.807 triệu đồng. Bên cạnh đó, đối với 2.318 khách hàng cho vay mới, Agribank đã điều chỉnh lãi suất cho vay thấp hơn. Đây là một trong những hành động tích cực và quan trọng của Agribank trong hành trình chia sẻ khó khăn với người dân, giúp người dân yên tâm vay vốn ngân hàng để sản xuất.
Agribank đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng còn nguồn thu và có thiện chí trả nợ được tiếp tục vay vốn để tái đầu tư, chuyển đổi cây trồng, dần tháo gỡ khó khăn cho người dân trong tình hình hiện nay. Tây Nguyên là khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nhiều loại cây trồng hàng năm phát triển, việc lựa chọn nguồn giống tốt và cây trái phù hợp sẽ giúp người dân gặp nhiều thuận lợi, sớm có thu nhập nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn do những thiệt hại từ hồ tiêu mang lại.
Nhận thức rõ sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành, đơn vị sẽ giúp người dân trồng hồ tiêu sớm vượt qua khó khăn, Agribank thường xuyên làm việc với chính quyền địa phương các cấp, Phòng Nông nghiệp, các cấp hội (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ…) nắm bắt thông tin khách hàng bị thiệt hại, gặp khó khăn để chủ động tìm cách tháo gỡ cho người dân, đồng thời báo cáo Ủy Ban nhân dân các cấp và Ngân hàng Nhà nước có biện pháp chỉ đạo.
Chuyển đổi và trồng xen canh các loại cây trồng đang là hướng sản xuất được nhiều nông dân Tây Nguyên lựa chọn hiện nay để giảm thiểu rủi ro do trồng hồ tiêu.
Ngân hàng Nhà nước cần cho phép thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay trồng và chăm sóc hồ tiêu bị thiệt hại phù hợp với phương án sản xuất kinh doanh mới và nguồn thu trả nợ của khách hàng, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ có thể vượt quá thời hạn cho vay vốn ban đầu, giúp khách hàng có điều kiện tiếp tục sản xuất, tái đầu tư và khôi phục vườn cây hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo nguồn thu nhập trả nợ ngân hàng.
Bên cạnh đó, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Gia Lai cần có chính sách quy hoạch vùng sản xuất và đảm bảo tuân thủ quy hoạch vùng trên địa bàn; hỗ trợ người dân về kỹ thuật, chăm sóc cây trồng; có chính sách khuyến khích, kêu gọi và thu hút các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất đảm bảo bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ dân trồng hồ tiêu; cho phép được khoanh nợ đối với khoản vay của các hộ dân trồng tiêu bị thiệt hại do thiên tai bất khả kháng…
Sản suất nông nghiệp luôn là ngành chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, mất mùa do biến đổi khí hậu… Hàng năm, Agribank dành hàng trăm ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với khách hàng, đặc biệt là khách hàng thuộc các chương trình chính sách. Hiện Agribank đang triển khai 9 chương trình tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi dành cho người dân. Nguồn vốn của Agribank dành cho nông nghiệp nông thôn luôn chiếm tỷ trọng trên 50% toàn ngành ngân hàng dành cho lĩnh vực này. Agribank luôn sát cánh cùng người nông dân trong mọi hoàn cảnh, cùng họ vượt qua khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống và tiến tới làm giầu.