An toàn thực phẩm Đẩy lùi tình trạng ‘rau 2 luống, lợn 2 chuồng’

An toàn thực phẩm Đẩy lùi tình trạng ‘rau 2 luống, lợn 2 chuồng’
Với chủ đề “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”, từ đầu năm 2018 đến nay, các cấp Hội địa phương đã tích cực vận động, tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm đến hội viên, phụ nữ. Bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực trong cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân. Tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” đang dần được đẩy lùi.
Các cấp Hội quyết liệt vào cuộc
 
Ban Gia đình Xã hội (TƯ Hội LHPN Việt Nam) cho biết, thực hiện chủ đề năm 2018 “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”, TƯ Hội đã ban hành công văn số 1392/ĐCT-GĐXH về triển khai các hoạt động nhân tháng hành động vì ATTP phù hợp với đặc điểm, tình hình và điều kiện từng địa phương; Kế hoạch, hướng dẫn triển khai Chương trình phối hợp số 526 giữa Chính phủ, Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020.
 
Cùng với đó, Trung ương Hội phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Công thương, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam... tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội cấp tỉnh và truyền thông nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức cho hội viên, phụ nữ; chỉ đạo xây dựng mô hình điểm “Chi hội phụ nữ tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn”...
 
Tại địa phương, các cấp Hội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng và triển khai các mô hình, cách làm cụ thể trong các chi, tổ Hội. Theo bà Bà Hồ Thu Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, mất ATTP trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Vì vậy, từng cá nhân, tổ chức cần có trách nhiệm cụ thể để đảm bảo ATTP cho bản thân, gia đình và xã hội.
 
nh-2.JPG
Ảnh minh họa
Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Lâm Đồng đã thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ thực hiện vệ sinh ATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”. Đối với chủ đề năm 2018 là Vệ sinh ATTP, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động như tập huấn ATTP cho cán bộ phụ nữ các cấp; tổ chức hội thi phụ nữ với kiến thức ATTP, nấu ăn, giao lưu ẩm thực; vận động hội viên sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, ký cam kết và tuân thủ các quy định về ATTP...
 
Ngoài ra, Hội tham gia với các cơ quan liên quan giám sát ATTP tại 18 cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Kết quả, phát hiện 9 hộ kinh doanh giò chả vi phạm sử dụng chất phụ gia không đúng quy định.
 
Những kết quả bước đầu
 
Việc các cấp Hội vận động hội viên phụ nữ thay đổi nhận thức, xóa bỏ những hành vi không an toàn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng thực phẩm... đã bước đầu mang lại hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm, Hội LHPN các cấp đã vận động được 112.28 cơ sở cam kết thực hiện an toàn thực phẩm, vận động phụ nữ cam kết nói không với sản xuất rau 2 luống, lợn 2 chuồng, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi...
 
Chị Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Sóc Sơn (Hà Nội), cho biết, Hội đã duy trì và nhân rộng các mô hình thực hiện ATTP đang hoạt động hiệu quả. Đến nay, đã có 29 Chi hội thay đổi hành vi trong ATTP; duy trì các mô hình trồng rau sạch, dưa chuột, dưa lê siêu ngọt, nhóm liên kết trồng rau hữu cơ; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP; quy định của pháp luật về sản xuất, chăn nuôi thực phẩm an toàn.
 
Chị Hồ Nữ Hồng Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Sơn (Bình Định), cho biết: Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN huyện đã tổ chức tuyên truyền ATTP tại 5 Chi hội ở xã Bình Thuận. Đặc biệt, Hội LHPN xã Bình Hòa và thị trấn Phú Phong thành lập mô hình trồng rau sạch; Hội LHPN xã Bình Thành, Bình Tân, Tây Giang thành lập mô hình trồng lagim. Bên cạnh đó, nhiều mô hình mới về ATTP được thành lập như: “2 dao 2 thớt”, “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”...
 
Đặc biệt, nhiều tỉnh đã lựa chọn ý tưởng từ hoạt động khởi nghiệp để hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng các điểm kinh doanh, buôn bán thực phẩm an toàn. Nhiều mô hình như “Chi hội phụ nữ trồng rau sạch”, “góc bếp an toàn”, “rau an toàn, rau tại nhà”, “quầy hàng an toàn”, “chuỗi cung ứng thịt lợn sạch Organic”, “trồng rau thủy canh (Hội Phụ nữ Thừa Thiên - Huế); trồng dây sâm (Kom Tum),...
 
Đối với công tác kiểm tra, giám sát, các cấp Hội đã tham gia các hoạt động kiểm tra, giám sát liên ngành về ATTP, phát hiện, phản ánh với cơ quan chức năng về vi phạm. Giám sát các cơ sở kinh doanh, trường học, các hộ buôn bán thực phẩm để nhắc nhở họ thực hiện tốt điều kiện vệ sinh ATTP, không sử dụng phụ gia hóa chất ngoài danh mục khi chế biến thực phẩm.
 
thoat-ngheo.jpg
Ảnh minh họa
Theo Ban Gia đình Xã hội (TƯ Hội LHPNVN), bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện các cấp Hội vẫn còn gặp không ít khó khăn. Theo đó, tình trạng mất ATTP vẫn xảy ra ở nhiều nơi như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; nhiều cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh ATTP; nhiều người dân sản xuất nông sản an toàn nhưng chưa được tiêu thụ với giá cao hơn sản phẩm khác nên nản lòng.
 
Còn một bộ phận người dân, các cơ sở sản xuất chưa nhận thức được tác hại của việc lạm dụng hóa chất; một bộ phận khác biết nhưng vẫn làm do ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, do lợi nhuận; công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng đã được đẩy mạnh nhưng có lúc xử lý chưa nghiêm, chưa mạnh.
 
Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động cộng đồng về đảm bảo ATTP, thực hiện chủ đề 2108; tiếp tục triển khai chương trình phối hợp và các hoạt động đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán, mùa lễ hội 2019; tăng cường tham gia các đoàn giám sát liên ngành, vận động các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn ký cam kết.
 

Trong 6 tháng đầu năm 2018, các tỉnh đã tổ chức được 5.827 buổi truyền thông với hơn 3,3 triệu lượt hội viên, phụ nữ tham dự; 4.036 buổi sinh hoạt chi, tổ hội với gần 300.000 người dự; tổ chức 385 hội thi xoay quanh chủ đề ATTP.

 

* “Sau một thời gian triển khai vận động an toàn thực phẩm, nhận thức của hội viên, phụ nữ và nhân dân thay đổi rõ rệt”, chị Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

* “20 năm qua, thu nhập của gia đình tôi phụ thuộc vào trồng rau và nuôi lợn. Khi tham gia mô hình “Tổ phụ nữ trồng rau an toàn”, các thành viên trong tổ được tiếp cận với phương thức canh tác mới, khoa học, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, gia đình đã thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tiêu chí ATTP”, bà Nguyễn Thị Dung, Tổ trưởng mô hình trồng rau sạch thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định).

 
Theo Trần Hiếu/phunuvietnam.vn