An toàn thực phẩm: Tiếp tục “cuộc chiến”

An toàn thực phẩm: Tiếp tục “cuộc chiến”
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là một trong những nhiệm vụ chính của ngành Nông nghiệp và PTNT trong năm 2016.

Một năm gian khó

2015 được đánh giá là một năm khá khó khăn đối với ngành nông nghiệp khi sản xuất liên tục phải đối mặt với những thách thức do thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường; thị trường xuất khẩu nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn; nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu.

Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp là một nhiệm vụ chính của ngành Nông nghiệp và PTNT trong năm 2016.

Dù vậy với sự chỉ đạo sát sao, linh hoạt của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương và sự nỗ lực vượt khó, sáng tạo của doanh nghiệp và nông dân, toàn ngành đã vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả khá toàn diện. Tốc độ tăng GDP ngành đạt 2,41%; giá trị sản xuất (theo giá cố định 2010) tăng 2,62%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,73%; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 715 xã, số tiêu chí bình quân/xã tăng thêm 2,9 so với năm 2014.

Ước cả năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 30,14 tỷ USD, giảm 0,8% so với năm 2014; trong đó, nhóm hàng nông sản đạt 13,95 tỷ USD (giảm 2,6%), thủy sản đạt 6,53 tỷ USD (giảm 16,5%), lâm sản và đồ gỗ đạt 7,1 tỷ USD (tăng 8,2%). Cả giai đoạn 2011-2015, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 140,6 tỷ USD, bình quân tăng 9%/năm. Có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (gạo, cà phê, cao su, cá tra, tôm, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn và đồ gỗ).

Trong năm 2015, nhiều địa phương đã thực hiện chuyển đổi diện tích sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả, khó tiêu thụ sang các loại cây trồng có thị trường và đem lại thu nhập cao hơn. Các địa phương đã chuyển đổi khoảng 34.600ha gieo trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, các cây màu và cây làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Đáng chú ý, trong năm 2015 cây ăn quả phát triển nhanh cả về sản lượng, chủng loại và đang trở thành hướng chuyển đổi hiệu quả trong tái cơ cấu ngành trồng trọt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong nước và xuất khẩu tăng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả ước đạt 1,83 tỷ USD, tăng tới 23,4% so với năm 2014. Nhiều loại trái cây như: nhãn, vải, xoài đã tiếp cận được với nhiều thị trường xuất khẩu khó tính như: Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản…, góp phần giúp cho xuất khẩu rau quả trong thời gian qua liên tục tăng trưởng mạnh.

“Tổng thể cả giai đoạn 2011-2015, trong bối cảnh chung có nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được mục tiêu duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống dân cư nông thôn, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát khẳng định.

Vẫn “nóng” vấn đề an toàn thực phẩm

2015 cũng là năm nhiều vấn đề “nổi cộm” trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó việc sử dụng chất cấm (chủ yếu là Salbutamol và Vàng ô) trong thức ăn chăn nuôi đã trở nên nhức nhối, khiến người tiêu dùng hoang mang.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho biết, trước diễn biến phức tạp của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Thanh tra bộ đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra chuyên ngành, 63 tỉnh, thành cũng tích cực vào cuộc với quyết tâm đẩy lùi nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Hiện, nguồn cung cấp Sabultamol đã cơ bản khống chế được. Tháng 10 vừa qua, lực lượng cảnh sát môi trường đã nắm và bắt giữ được đường dây chuyên cung cấp Salbutamol nên trong thời gian tới nguồn cung cấp sẽ hạn chế đi nhiều.

“Nhờ sự vào cuộc quyết liệt mà tình hình có những diễn biến khả quan. Trong tháng 11, qua lấy 100 mẫu phân tích, chỉ phát hiện 1 doanh nghiệp có sử dụng chất cấm”, ông Việt nói.

Trong khi đó, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), thông tin, hiện nhập khẩu nội tạng động vật từ Trung Quốc về Việt Nam qua hai đường chính là tạm nhập tái xuất và tiểu ngạch. Giữa Việt Nam và Trung Quốc không có nhập khẩu chính ngạch nội tạng động vật, chủ yếu nhập theo đường tiểu ngạch, thuê cửu vạn bốc vác nhỏ lẻ qua biên giới rồi tập kết tại một điểm. Số lượng nội tạng từ Trung Quốc tuồn về Việt Nam mỗi điểm lên đến hàng chục tấn.

“Với nội tạng tạm nhập tái xuất, cơ quan thú y chỉ kiểm tra theo thủ tục, niêm phong tại cảng và xuất đi. Song, khó ngăn chặn nhất là khi đã tái xuất sang Trung Quốc, các đầu nậu sau đó lại nhập về Việt Nam theo con đường cửu vạn. Cửu vạn thường vận chuyển lượng hàng nhỏ lẻ, nhưng khi tập kết lại một điểm thì số lượng lại lên đến cả chục tấn. Trong khi đó, việc ngăn chặn không hề dễ chút nào”, ông Thành cho hay.

Ông Thành cho rằng, cần điều tra theo đường dây, đầu nậu mới xử lý dứt điểm được. Ngoài ra, nên có chế tài xử phạt, như hình sự hóa tội phạm liên quan đến đường dây buôn bán, phân phối thực phẩm bẩn. Các biện pháp ngăn chặn hiện nay, theo ông Thành, là chưa đủ mạnh, chỉ mang tính chất răn đe như tiêu hủy, xử phạt hành chính,...

Tiếp tục “cuộc chiến” an toàn thực phẩm

Từ những thách thức trên, năm 2016 vẫn được Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định là năm tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, tăng cường năng lực quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm để tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu và tiêu thụ hàng nông sản; giải quyết tốt hơn những bức xúc của xã hội về vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng; tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản nhập khẩu theo quy định.

“Trong hội nghị tổng kết của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ hai lần nhắc đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt từ tháng 10. Chúng tôi đã có văn bản nêu rõ, 2016 vẫn là năm an toàn vệ sinh thực phẩm; giảm bớt thanh kiểm tra theo kế hoạch, tăng cường các cuộc kiểm tra đột xuất. Chỉ có thanh tra đột xuất mới phát hiện được”, ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tiếp tục được quan tâm trong năm 2016, ngoài ra tập trung vào sử dụng hóa chất và kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để đạt được mục tiêu đề ra, trong năm 2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế của từng địa phương, của cả nước và diễn biến của thời tiết, thị trường; hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, các tổ chức tín dụng, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt trong chuỗi giá trị; nâng cao năng lực cho hợp tác xã nông nghiệp; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ tạo đột phá trong tái cơ cấu: ưu tiên cao nhất cho nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quan giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; tiếp tục rà soát và phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách; trọng tâm là nhóm các chính sách về đất đai, thương mại, tiền tệ tín dụng, thuế.

Đánh giá về vai trò của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh hết sức khó khăn và thách thức, GDP nông nghiệp đều có bước phát triển và ổn định, tính cả 5 năm GDP toàn ngành nông nghiệp tăng 3,14%, kế hoạch đề ra 5 năm là 2,6-3%. Nhờ tăng trưởng này mà đời sống của người dân được cải thiện, hộ nghèo giảm mỗi năm bình quân 6%.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, trong nội tại của ngành còn nhiều hạn chế, yếu kém. Năm 2015 tăng trưởng nông nghiệp thấp nhất trong 5 năm qua, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều bức xúc. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, năm 2016, ngành nông nghiệp phải hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, nâng cao năng lực, quản lý hiệu quả nhà nước trong xây dựng phát triển nông thôn, xây dựng đời sống của nhân dân. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cạnh tranh tốt hơn. Vấn đề quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm cần phải làm ngay. Rà soát lại xem quy định còn sơ hở, khâu nào chưa tốt, cần có chế tài xử phạt cao hơn, phải thực sự tạo chuyển biến rõ nét đối với công tác này trong năm 2016.

Mục tiêu phấn đấu năm 2016, tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3-3,5%, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 2,5-3%; giá trị sản xuất năm 2016 tăng 3,5-4%, bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 3,5-4%. Giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 31 tỷ USD năm 2016 và khoảng 39-40 tỷ USD năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42% vào năm 2020. Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 25% năm 2016 và 50% năm 2020.

Khánh Nguyên
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn