An toàn thực phẩm bất ổn do phân định trách nhiệm chồng chéo
- Thứ bảy - 10/06/2017 09:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tìm giải pháp cho vấn đề quan trọng này, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV này, Quốc hội đã dành 1 ngày (ngày 5 tháng 6) để nghe và thảo luận kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” theo tinh thần Nghị quyết số 14/2016/QH14 ngày 27/7/2016.
Theo Báo cáo của Đoàn giám sát, thời gian vừa qua, tình hình ngộ độc thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở các địa phương. Có 7 bệnh truyền qua đường thực phẩm, trung bình có hơn 686.000 người chết/năm, nguyên nhân chính là do sử dụng thực phẩm không an toàn. Trong đó, bệnh ung thư có diễn biến tăng “báo động”, khi mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.
Báo cáo của Đoàn giám sát cho biết: Trong giai đoạn 2011-2016, Quốc hội, Chính phủ, các bộ/ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Đó là các văn bản luật của Quốc hội, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư liên tịch, Thông tư, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của các bộ/ngành, các văn bản quản lý của các địa phương về an toàn thực phẩm; hình thành hệ thống quy định pháp luật tương đối toàn diện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ: Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong thời gian qua bộc lộ không ít tồn tại và hạn chế. Trong đó đáng lưu ý là, nhiều văn bản ban hành chậm và còn thiếu, chưa thực sự phù hợp, chưa được hệ thống hóa, còn chồng chéo, quy định phân công trách nhiệm cho các cơ quan đơn vị chưa thực sự khoa học và rõ ràng.
Qua thảo luận tại Quốc hội, thấy nguyên nhân tình trạng này được các vị lãnh đạo ngành Nông nghiệp, Y tế, Công Thương nêu rất rõ: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Việc tổ chức sản xuất manh mún khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kin Tiến, công tác triển khai Luật An toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là việc phân định trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: “Tại Trung ương, 3 Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp & PTNT phối hợp rất chặt chẽ do có các cán bộ có chuyên môn sâu. Nhưng tại tuyến địa phương còn hạn chế và chưa kịp thời vì còn phụ thuộc vào sự phân cấp và chỉ đạo từ chính quyền địa phương các cấp”.
Thực tế cho thấy, việc quản lý an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo, việc xử phạt vi phạm chưa nghiêm. Đó có lẽ là nguyên nhân chính của tình trạng vi phạm tràn lan về an toàn thực phẩm.
Qua dư luận xã hội, thấy nhân dân đồng tình với kiến nghị của Đoàn giám sát. Đó là, Quốc hội, cần sớm sửa đổi một số văn bản pháp luật có liên quan để tạo thuận lợi cho công tác quản lý an toàn thực phảm. Đối với Chính phủ, sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tránh bất cập, chồng chéo, không khả thi; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả; làm rõ trách nhiệm cán bộ những sai phạm bất cập thuộc lĩnh vực quản lý.
Cử tri và nhân dân đồng tình với quan điểm: “Để làm được người tiêu dùng thông thái, cần phải thiết lập hệ thống đo kiểm dựa trên các tiêu chuẩn để người dân phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn, không an toàn và phải có trang thiết bị kiểm định, kiểm chuẩn ở các chợ đầu mối và thậm chí ở các siêu thị để người dân có điều kiện được xác minh” của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Và đề nghị, không chỉ tăng chế tài xử phạt đối với cơ sở, cá nhân vi phạm mà cả với những cá nhân, đơn vị không làm hết trách nhiệm theo hướng xử lý hình sự, có vậy mới đủ sức răn đe.
Hiền Trang/kinhtenongthon.com.vn