An toàn vệ sinh thực phẩm: Làm tốt sao dân cứ phải “ăn bẩn”?

An toàn vệ sinh thực phẩm: Làm tốt sao dân cứ phải “ăn bẩn”?
Sáng ngày 26/3, nói về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, các Bộ đã phối hợp chặt chẽ, tập trung vào xử lý chất cấm trong chăn nuôi. Nhưng Bí thư TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đặt lại vấn đề: “Vậy tại sao dân cứ phải “ăn bẩn”…

 

An toàn vệ sinh thực phẩm: Làm tốt sao dân cứ phải “ăn bẩn”?
Vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm, cũng như bức xúc thời gian qua. Ảnh minh họa: Thảo Nguyên

Y tế, Nông nghiệp không “đổ” trách nhiệm cho nhau

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, “đến nay đã chặn đứng nguồn cung cấp từ bên ngoài” trong chăn nuôi để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. 

“Các Bộ trưởng chúng tôi trao đổi với nhau trực tiếp, rất cụ thể, làm việc rất tích cực. Không phải Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế đổ lỗi cho nhau. Việc đó là hoàn toàn không có”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Nhờ vậy, tất cả các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi vừa qua kiểm tra hơn 200 mẫu không còn mẫu nào còn chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Bây giờ chỉ còn một số trường hợp lén lút đưa cho chủ trang trại chăn nuôi.

Bộ trưởng Phát cho biết, Bộ đang chỉ đạo toàn bộ hệ thống nông nghiệp vào cuộc giám sát các trang trại và các lò mổ, thực hiện hết sức kiên quyết. Nếu trong lò mổ bắt được thịt lợn có chất cấm lập tức tiêu hủy. Đến 1/7 này, thực hiện Bộ luật Hình sự, nếu vi phạm sẽ đưa vào xử lý hình sự.

“Vì vậy tỉ lệ phát hiện có chất cấm trong chăn nuôi giảm mạnh”, Bộ trưởng Phát cho biết, Bộ đang cố gắng trong thời gian ngắn nhất xử lý triệt để chất cấm.

Thông tin tiếp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, vấn đề chất cấm vừa qua xử lý rất quyết liệt. Bộ Y tế phối hợp ngưng không cho nhập, kiểm tra rút giấy phép và chuyển cơ quan điều tra những vụ vi phạm.

“Chỗ anh Phát làm rất quyết liệt và đã lập đường giây nóng. Vấn đề truyền thông như thế nào không khéo người dân nghĩ ung thư đến nơi rồi. Ung thư đâu phải chỉ vì an toàn thực phẩm đâu mà có rất nhiều yếu tố dẫn đến ung thư như ô nhiễm môi trường…”, Bộ trưởng Tiến nói.

Ai cũng bảo trách nhiệm, cuối cùng dân vẫn ăn bẩn

Nghe vậy, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề: Các Bộ phối hợp với nhau rất tốt, nhưng tốt tại sao dân cứ phải ăn bẩn, thế thì tốt cái gì? Nói thế thì không được. Nói thế thì bảo dân cứ tạm thời chấp nhận ăn bẩn đi chúng tôi lo lộ trình à? Thế thì không được!
 
Ông đề nghị cần có biện pháp quyết liệt ngay và cho TP Hồ Chí Minh thí điểm thành lập 1 cơ quan trực thuộc UBND TP để lo việc này.

“Phải tập trung vào một đầu mối. Cứ Bộ nọ đổ cho Bộ kia thì không làm được. Hỏi ai cũng bảo trách nhiệm của tôi xong rồi, nhưng cuối cùng dân vẫn ăn bẩn mà không ai chịu trách nhiệm”, ông Thăng bày tỏ.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần thực hiện một loạt các biện pháp. Đó là tăng cường chế tài xử phạt. Tiền xử phạt này dùng vào việc đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngân sách thiếu nhưng không dùng tiền phạt đưa vào cân đối được.

“Quy trách nhiệm, khi quy về một mối rồi thì anh nào sai anh đó chịu trách nhiệm. An toàn vệ sinh thực phẩm là phải làm quyết liệt như vậy, chứ tất cả làm tốt mà vẫn để dân ăn bẩn là không chấp nhận được”, ông Thăng nhấn mạnh.

Theo Thảo Nguyên/thanhtra.com.vn