Anh Giàu mau giàu vì có bí quyết chinh phục đất cằn
- Thứ tư - 25/10/2017 18:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn, nhẹ nhàng vén từng chiếc lá bưởi để kiểm tra, anh Giàu vui vẻ nói: “Tính ra đến nay tôi có gần 20 năm gắn bó với cây bưởi, coi chúng như những đứa con tinh thần của mình, chăm sóc bưởi không chỉ cho thu nhập mà còn tạo niềm vui trong cuộc sống hàng ngày. Các gốc bưởi trong vườn đều được cắt tỉa, chăm sóc cẩn thận, đảm bảo các cây, các cành đều có đủ ánh sáng để sinh trưởng và phát triển”.
Anh Nguyễn Văn Giàu (trái) trao đổi kỹ thuật trồng bưởi VietGAP với cán bộ, hội viên nông dân huyện Yên Sơn. Ảnh: Thu Hà
"Trước đây tất cả đều do mình mày mò làm, nhưng giờ nông dân cũng phải chuyên nghiệp lên, làm gì cũng phải áp dụng khoa học kỹ thuật, có như thế mới làm được việc lớn…”. Anh Nguyễn Văn Giàu |
Sinh năm 1970 trong gia đình nông dân nghèo đông con nên từ nhỏ anh Giàu đã nếm đủ vất vả, nhọc nhằn. Năm 1994, anh Giàu lập gia đình, là con út nên vợ chồng anh sống cùng bố mẹ và làm ruộng tại thôn Ao Dăm, xã Phúc Ninh. Những năm đầu cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ thiếu thốn, khó khăn trăm bề.
“Nhà có 4 khẩu với diện tích 2,5ha đồi nhưng chẳng biết trồng cây gì nên cứ bỏ hoang và cho người khác mượn canh tác. Tôi bám vào sông nước chạy thuyền, sau đó thì vay mượn mua xe ô tô để kinh doanh rồi nuôi bò, nuôi lợn… Dần dà cuộc sống cũng thoải mái hơn, không còn quá khó khăn nhưng nói thật cũng không dư dật được nhiều. Bố mẹ đặt tên tôi là Giàu, nên tôi nghĩ phải cố gắng để làm giàu” - anh Giàu tâm sự:
Một lần, được ăn múi bưởi vừa ngọt, mát dịu, anh Giàu thầm nghĩ, sau nhà mình có mấy quả đồi bỏ hoang bao năm nay, mình mà không trồng bưởi ở đó là… có lỗi với đất. Hơn nữa, xu thế tiêu thụ bưởi trong tương lai sẽ rất lớn. Thế là sau chuyến đi chơi xa, anh mua 20 cành bưởi Diễn về trồng thí điểm, ngày ngày cần mẫn chăm sóc, nhất là mùa hè nắng nóng anh vẫn gánh từng thùng nước tưới cho cây. Vậy là 20 cành bưởi thì cả 20 cành đều bật mầm sống xanh tươi.
Năm 2001, anh quyết định mua thêm 700 cây bưởi nữa về trồng. Lần này rút kinh nghiệm, làm đất trồng đến đâu, anh đào ngầm hệ thống ống dẫn nước, xây trụ bơm nước đến đấy. Đến năm thứ 3, cây bưởi bắt đầu bói quả. Đến giờ, anh Giàu vẫn còn nhớ như in cái cảm giác sung sướng khi lần đầu tiên hái trái bưởi mới bói xuống ăn thử. Quả bưởi màu vàng, vỏ mỏng, múi bưởi róc đều bóc ráo tay, nhiều nước, ăn có vị ngọt mát, không ngọt sắc.
Sử dụng phân bón Lâm Thao hiệu quả cho bưởi
Năm 2016, anh Giàu thu lãi 1,8 tỷ đồng từ việc trồng các loại cây ăn quả. Ảnh: Quang Hòa
Kỹ sư Phạm Đức Thành - Phó phòng Kinh doanh Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: Tiêu chuẩn VietGAP là thực hành về sản xuất nông nghiệp tốt với 50 tiêu chí (đất, giống, nước, phân bón…). Phân bón Lâm Thao hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP . Supe lân được sản xuất trên nền axit sạch, độ tinh khiết đạt 99,8%, các sản phẩm NPK được bổ sung đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng trung vi lượng thiết yếu: Cây trồng cần 17 nguyên tố dinh dưỡng chính để phát triển cân đối thì trong NPK có đầy đủ 17 nguyên tố dinh dưỡng đạm, lân, kali (đa lượng); canxi, magie, lưu huỳnh, silic (trung lượng); kẽm, đồng, molip đen, bo (vi lượng) được phối trộn cân đối. Đức Thịnh (ghi) |
Từ thành công ban đầu, anh Giàu mua thêm cây giống, mở rộng diện tích trồng bưởi từ 2ha lên 5ha năm (2008), bây giờ là 10ha. Để chuyên nghiệp việc trồng cây ăn quả, anh đưa máy cuốc vào làm đất để đảm bảo đất có đủ độ tươi xốp, ngầm hóa ống dẫn nước và lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho trang trại theo quy mô mỗi khoảnh 1 cây tưới. Ngay cả việc phun thuốc cho vườn, anh cũng đưa lên máy cuốc, đến khoảnh nào phun thuốc đến đấy.
Anh Giàu bộc bạch: “Trước đây mình mày mò làm, nhưng giờ nông dân phải chuyên nghiệp lên, làm gì cũng phải áp dụng khoa học kỹ thuật, có như thế mới làm được việc lớn. Đơn giản như việc bón phân, lúc đầu còn băn khoăn chưa biết bón loại phân gì cho tốt, rồi thời điểm, liều lượng bón phân ra sao... Tham gia các lớp tập huấn do Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức, tôi biết thêm kỹ thuật bón phân “4 đúng” cho năng suất và hiệu quả cao”.
Theo anh Giàu, 4 đúng ở đây là đúng chủng loại, bón lót thì sử dụng phân chuồng ủ hoai mục trộn với NPK-S*M1 5.10.3-8 hoặc supe lân để bón, còn ở giai đoạn nuôi quả thì bón NPK-S*M1 12.5.10-14, vì hàm lượng đạm cao giúp phát triển thân lá, hàm lượng kali cao giúp tăng kích thước và chất lượng trái bưởi.
Thứ 2 là đúng liều lượng: Không được bón thừa tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường, không bón thiếu để cây đạt được năng suất cao nhất. “Điều này rất quan trọng, người trồng buộc phải hiểu cây, hiểu đất để bón phân cho thích hợp. Chẳng hạn vườn bưởi dưới 5 năm tuổi, mỗi cây chỉ cần bón lót 30kg phân chuồng và 1,5kg phân bón NPK. Nhưng vườn bưởi trên 10 năm tuổi đang thời kỳ kiến thiết cho quả thì mỗi cây cần bón lót cả 100kg phân chuồng và 5-10kg NPK “Người trồng phải tùy theo độ sai quả của cây, cây càng sai quả, càng phải dưỡng cây nhiều hơn” – anh Giàu cho biết.
Thứ 3 là đúng thời điểm. Bón khi đất đủ ẩm, không nên bón lúc trời nắng tránh bốc hơi, trời mưa tránh rửa trôi.
Thứ 4 là đúng phương pháp. Theo đó, người trồng bưởi cần xới qua đất xung quanh tán với độ sâu từ 5-7cm, tránh tổn thương bộ rễ, rải phân theo chiều thẳng tán xuống (hình vành khăn).
Từ thành công trong trồng bưởi, anh Giàu “lấn sân” sang trồng các loại cây ăn quả khác như cam, thanh long. Đến nay, anh Giàu đã có 16ha cây ăn quả trồng theo hướng VietGAP: 10ha bưởi, 3ha cam Vinh, 2ha thanh long ruột đỏ, 1,5ha cam Canh và 17ha rừng.
Anh Giàu bảo, mỗi khi chiều buông, ngồi trên đồi ngắm vườn bưởi, vườn cam tỏa ngát hương thơm thấy lòng thật nhẹ nhàng và khoan khoái. Không chỉ là tấm thảm xanh mướt phủ lên vùng đất đồi vốn khô cằn sỏi đá, vườn cây ăn quả còn mang về cho gia đình anh Giàu tiền tỷ mỗi năm. Anh tiết lộ, năm 2016, sau khi trừ chi phí, các loại cây trái đã mang về cho gia đình anh khoản lãi lên đến 1,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ rừng cũng cho anh khoảng 500 triệu đồng mỗi năm nữa.
Từ cách làm của anh Giàu, bạn bè bà con lối xóm cũng noi gương anh phát hoang đất đồi và trồng bưởi. Ông Vũ Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh phấn khởi khoe, hiện địa phương có 210ha bưởi, phần lớn là bưởi Diễn, có hơn 100ha đã cho thu hoạch. Đặc biệt, tháng 4.2016 vừa qua, cây bưởi Diễn Phúc Ninh đã chính thức được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
“Sở NNPTNT tỉnh cũng đang tiếp tục chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi theo hướng VietGAP cho các hộ trong xã, nhằm canh tác bền vững, cho chất lượng sản phẩm an toàn với người tiêu dùng. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng bưởi, anh Giàu là 1 trong những thành viên tích cực hưởng ứng và hướng dẫn các hộ dân trong xã trồng bưởi theo hướng VietGAP” - ông Trung cho hay.
Theo danviet.vn