Anh Sơn trồng thí điểm chè Gay theo tiêu chuẩn VietGAP

Anh Sơn trồng thí điểm chè Gay theo tiêu chuẩn VietGAP
Xác định sản xuất cây chè Gay theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ làm tăng giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh cho người sản xuất, người tiêu dùng, tháng 6/2018, xã Cao Sơn (Anh Sơn) đã quy hoạch 10 ha ở thôn 6 để sản xuất thí điểm theo tiêu chuẩn VietGAP.

Gia đình anh Cao Xuân Lương ở thôn 6, xã Cao Sơn là 1 trong 8 hộ dân có diện tích chè được xã quy hoạch trong vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Lương chia sẻ: Gia đình có 1,5 ha chè Gay được xã chọn làm điểm xây dựng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ khi tham gia mô hình, cùng với việc cải tạo đồi chè, gia đình anh được tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc cây chè; lập sổ sách ghi lại các hoạt động sản xuất, chăm sóc, theo dõi, phòng trừ sâu bệnh theo quy định sản xuất.

 
 
Xã Cao Sơn (Anh Sơn) quy hoạch 10 ha ở vùng Eo Vọt thuộc thôn 6 để sản xuất thí điểm chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Thái Hiền
Ngay từ khâu dọn dẹp thực bì, làm cỏ, chăm sóc anh Lương không sử dụng hóa chất diệt cỏ cũng như phân bón hóa học. Phân bón được sử dụng chủ yếu từ phân hữu cơ, vi sinh ủ từ chế phẩm nông nghiệp. Nhờ vậy, diện tích chè nhà anh phát triển tốt, cho thu nhập hàng ngày. Bình quân mỗi ngày anh Lương thu hái 40 - 50 bó; với giá chè hiện nay là 8.000 đồng/bó, mỗi ngày gia đình thu về từ 300.000 - 400.000 đồng.

Gia đình chị Đăng Thị Thi ở thôn 6 trồng chè Gay cũng đã 10 năm nay. Bản thân chị cũng như người dân nơi đây luôn nhận thức làm chè sạch là cách tốt nhất để xây dựng thương hiệu, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Chè Gay từ khi trồng đến khi thu hoạch được gia đình chị Thi thực hiện theo quy trình kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái. Bình quân mỗi ngày chị hái được 20 - 25 bó chè, mỗi tháng có nguồn thu 5 - 6 triệu đồng.

Cao Sơn là xã có diện tích chè Gay lớn của huyện Anh Sơn với 430 ha, trong đó có hơn 90% số hộ trồng; hộ trồng nhiều trên 1 ha, hộ trồng ít từ 2 - 3 sào.  Hàng ngày, có từ 3 - 5 chuyến xe tải của thương lái đến thu mua tận vườn; chè được vận chuyển đi khắp các vùng trong tỉnh và các địa phương khác như: Vinh, Hà Tĩnh, Hà Nội. Trung bình mỗi ngày người dân Cao Sơn bán ra thị trường hơn 8.000 bó. Với giá 5.000 - 9.000 đồng/bó, mỗi năm, cây chè Gay mang lại thu nhập trên 18 tỷ đồng cho người dân nơi đây.

 
Hàng ngày có từ 3 - 5 chuyến xe tải của thương lái đến thu mua chè tận vườn cho bà con xã Cao Sơn. Ảnh: Thái Hiền
Để tiến tới xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cây chè Gay, chính quyền xã đang xây dựng mô hình chè VietGAP với quy mô 10 ha, 8 hộ dân tham gia thí điểm. Ông Hoàng Ngọc Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Sơn cho biết: Từ khi triển khai sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã làm thay đổi nhận thức của người dân; bà con trồng chè đã tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn từ khâu chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm. Mô hình này đã tạo điều kiện cho bà con tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, huyện Anh Sơn đang thực hiện các quy trình xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho cây chè Gay trong năm 2018. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể và sản xuất VietGAP sẽ nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, là một trong những điều kiện thuận lợi để khẳng định danh tiếng, đưa sản phẩm chè Gay đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, mang lại giá trị lợi nhuận cao cho người sản xuất, tạo hướng đi bền vững và ổn định cho bà con nông dân Anh Sơn.