Áp lực cơ cấu lại ngành chăn nuôi từ đại dịch
- Thứ tư - 27/11/2019 03:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Toàn cảnh cuộc Đối thoại trực tuyến - Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Cuộc chiến với dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã và đang diễn ra với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Để có những thông tin cập nhật và cái nhìn tổng quan hơn về đại dịch này cũng như sự tác động của nó đến ngành chăn nuôi, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc Đối thoại trực tuyến với chủ đề “Phát triển ngành chăn nuôi: Từ góc nhìn chống Dịch tả lợn châu Phi”
Các vị khách mời tham cuộc đối thoại:
Ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT
Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương
Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội
Trước hết xin ông cho biết cập nhật tình hình DTLCP đến thời điểm hiện nay đang diễn biến như thế nào trên cả nước? Với tình hình dịch như vậy, ngành chăn nuôi đang chịu tác động như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương : Tính đến ngày 25/11, số xã có dịch là 8.533 xã, 166 huyện/63 tỉnh. Số lượng lợn chết và tiêu hủy khoảng 5,9 triệu con, chiếm 338.000 tấn. Đến nay, có khoảng 4.823 xã đã qua 30 ngày hết dịch mà không tái dịch, chiếm 56%. Rõ ràng, tỷ lệ số địa phương có dịch đã qua 30 ngày hết dịch mà không tái dịch tương đối lớn. Tuy nhiên, trong tháng 11 có 146 xã phát hiện có dịch trở lại với 134.000 con chết và tiêu hủy. Kiểm soát dịch tốt nhưng vấn đề chưa dừng lại, còn tiếp tục diễn biến phức tạp dù với cường độ thấp hơn.
DTLCP xảy ra gần 1 năm nay gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Trước hết là thiệt hại cho người chăn nuôi lợn và thứ hai là gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước khi triển khai hỗ trợ cho ngành chăn nuôi. Chưa bao giờ ngành chăn nuôi thiệt hại lớn như vậy.
PV báo Kinh tế Đô thị hỏi: Ông đánh giá về hệ thống phòng chống dịch của Việt Nam có "vỡ trận" hay không khi DTLCP được dự báo trước cả năm ở Trung Quốc, sau đó vẫn xâm nhập và lan rộng ra 63 tỉnh, thành phố?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Tôi cho là quan điểm “vỡ trận” là không đúng, không có cơ sở vì đây là dịch bệnh nguy hiểm. Nước lớn, cường quốc về chăn nuôi lợn nhất thế giới là Trung Quốc. Họ có tổng đàn khoảng 600 triệu con mà số lợn tiêu huỷ vì dịch bệnh lên tới gần một nửa. Trong khi đó, chúng ta chỉ bị tiêu huỷ gần 6 triệu con. Hiện nay, giá lợn hơi tại Trung Quốc đã lên tới 150.000 đồng/kg.
Nhận định Việt Nam “vỡ trận” là không đúng vì chúng ta đã vào cuộc rất quyết liệt từ Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, Chính phủ, bộ ngành... Thế giới có bài học gì Việt Nam đều đúc kết đưa về cho người chăn nuôi. Chúng ta khá chủ động, có văn bản chỉ đạo, có diễn tập, kịch bản ứng phó… Tuy nhiên, bệnh này có tính chất phức tạp, nằm ngoài khả năng kiểm soát.
1 năm có dịch, Việt Nam vẫn bình ổn được thực phẩm. CPI 10 tháng qua chưa vượt con số 3, trong đó có đóng góp rất lớn của ngành hàng thực phẩm. Đó là sự cố gắng rất lớn, trong đó có cả sự vất vả quyết liệt của DN, người chăn nuôi. Chúng ta đã làm hết khả năng. Xung quanh Việt Nam, các quốc gia như Lào , Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc… dù có ngành chăn nuôi phát triển cũng đã xảy ra dịch bệnh. Nhận diện yếu tố khách quan là chính, chủ quan không phải cơ bản. Dịch bệnh này nguy hiểm và không dễ kiểm soát. Nói như thế này không phải bao biện cho ai, tôi nhiều lúc không ngủ được. .
Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Dưới góc độ thị trường, quan điểm của ngành công thương về tình hình dịch hiện nay như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Anh Tuấn: Với thực trạng tình hình DTLCP, Thủ tướng nói “chống dịch như chống giặc”, phần nào ảnh hưởng tới công tác cung cầu thời gian qua.
Trải qua các bước triển khai phòng chống dịch bệnh, Bộ Công Thương vừa chủ động, vừa phối hợp, chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh đôn đốc, kiểm tra, kiểm soát đảm bảo nguồn cung. Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình giá cả thịt lợn tăng giảm đan xen. Thời gian đầu xảy ra dịch có hiện tượng giá giảm, nhưng khi dịch được khống chế dịch thì giá thịt lợn trở về mức bình quân so với mọi năm và thời gian vừa rồi giá tăng.
Hà Nội có tổng đàn lợn lớn thứ hai cả nước (sau Đồng Nai) với 1,8 triệu con. Hà Nội là địa phương cũng bị ảnh hưởng khá lớn với DTLCP, qua một năm chống dịch hiện nay tình hình tại địa phương như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Đăng: 10 năm nay tên địa bàn thành phố chưa xảy ra dịch lớn với vật nuôi. DTLCP là rất nguy hiểm, không có vắc xin, chỉ có chăn nuôi an toàn sinh học mới đảm bảo.
Tại Hà Nội, chăn nuôi nhỏ lẻ hiện chiếm khoảng 60%, nguy cơ lớn. Từ ngày 24/2, DTLCP xảy ra tại một hộ ở Long Biên với 24 con lợn rừng bị và đã tiến hành tiêu hủy. Qua 10 tháng phòng chống dịch, xét về thiệt hại, tính ra hỗ trợ và tiêu hủy là lớn nhưng so với tổng đàn chỉ chiếm khoảng 30% tổng đàn. Các hộ có dịch hiện chiếm khoảng 40% tổng số hộ. Chi phí tiêu hủy hỗ trợ cho toàn bộ khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Xét giá trị so với các tỉnh thì lớn nhưng so với tổng đàn thì không lớn. Một số tỉnh, số hộ bị rất nhiều, tiêu hủy trên tổng đàn rất lớn.
Hiện nay, Hà Nội chỉ có 113 xã bị tái dịch trở lại. Dịch tái phát số lượng cũng rất nhỏ. Ví dụ, một xã chỉ có 3-5 hộ, số con ở mỗi hộ chỉ 10-20 con chứ không như trước kia, bùng phát cao điểm vào tháng 5, 6. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường vệ sinh tiêu độc, hướng dẫn trang trại, DN làm tốt công tác an toàn sinh học. Với hộ, tái đàn phải qua 30 ngày xã đó không có dịch, khai báo chính quyền trước khi đưa vật nuôi vào nuôi. Nếu không khai báo thì khi có dịch sẽ không được hỗ trợ và còn bị xử phạt hành chính.
Trước đây các địa phương kêu về kiểm soát thú y nội tỉnh theo Pháp lệnh Thú y được thông qua năm 2004, gây phiền hà, tăng chi phí. Sau đó, Luật Thú y đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào ngày 19/6/2015 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đã bỏ kiểm soát thú y nội tỉnh thì các địa phương lại nói nguy cơ lây lan dịch bệnh? Các ông đánh giá các ý kiến này thế này?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Hãy khoan nói đến điều như vậy. Trạm cấp nội tỉnh, gọi là tỉnh thôi. Tỉnh ta rất nhỏ so với Trung Quốc, nhiều khi 1 tỉnh của họ bằng cả nước ta. Tôi cho rằng, trạm cấp vùng là được chứ không nên mỗi tỉnh một trạm, không nên đưa ra nhiều trạm. Trạm vùng quốc gia, những vùng lớn.
Trình độ chăn nuôi, quản lý dịch bệnh Việt Nam cũng ở tầm nước phát triển rồi không phải tầm thấp. Trạm mang tính chất trạm liên vùng mới có đủ nguồn lực kiểm soát thực sự. Trạm kiểm dịch thực sự mà không gây ách tắc sản xuất. Nếu trạm nhỏ chỗ nào cũng có.
Ông Nguyễn Huy Đăng: Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của ông Dương. Quan trọng nhất là phải kiểm tại gốc. Từ năm 2020, Luật Chăn nuôi có hiệu lực, quan điểm là phải quản lý tại gốc, tại cơ sở giống thực hiện đúng quy trình sản xuát giống. Luật Thú y quy định trong nội tỉnh không cần làm giấy kiểm dịch nhưng dù vậy vẫn phải khai báo. Người mua giống cũng phải khai báo với chính quyền. Các tỉnh thành lập trạm gọi là kiểm dịch là quá nhiều, thực sự không cần thiết, nhiều lắm thì theo vùng thôi, nhưng quan trọng nhất là phải làm tốt quản lý nhà nước từ gốc.
Báo Thanh niên có đưa tin, giá thịt lợn tại siêu thị Aeon Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh có loại đã lên đến 280.000 đồng/kg, trong khi thịt bò được niêm yết bên cạnh chỉ 260.000 đồng/kg. Ông ý kiến thế nào về thông tin này?
Ông Hoàng Anh Tuấn: Tình hình nguồn cung thời gian qua với thịt lợn rất rõ. Ngành nông nghiệp đã báo cáo Thủ tướng trên cơ sở đánh giá tổng đàn cung khẳng định là thiếu. Vì nguyên nhân thiếu này đã tác động đến giá với người tiêu dùng. Góc độ thị trường phải nhìn nhận với hàng gì cũng vậy, nơi nào nguồn cung thiếu thì giá cao, có nơi sẽ tăng cục bộ.
Thông tin của báo chí cá nhân tôi chưa kiểm chứng, mong rằng cơ quan báo chí phải nhìn nhận đánh giá đúng thực chất, giúp người chăn nuôi, cơ quan quản lý, người tiêu dùng cùng chung tay với các cấp, ngành, DN chăn nuôi để đưa ra giá phù hợp, tránh nơi này nơi kia tăng giá cục bộ.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác, chỉ đạo Sở Công Thương bám sát DN sản xuất chế biến, khu giết mổ, kiểm tra kiểm soát, đảm bảo an toàn dịch bệnh đưa ra sản phẩm chất lượng, đồng thời đảm bảo hài hòa về giá cả.
Sáng nay, chúng tôi đã trao đổi với một số địa phương có nguồn cung lớn như: Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Hưng Yên, Bình Dương…; các khu chợ đầu mối điểm giết mổ lớn tại địa bàn này và các tỉnh lân cận. Hiện tại, lợn hơi đang ở mức ổn định không tăng. Công ty CP báo 69.000 đồng/kg. Nơi này nơi khác, chi phí vận chuyển lên đến 70.000-73.000 đồng/kg. Giá bán ra ngoài thị trường cũng phải cân nhắc. Miếng thịt ngon chất lượng tốt, sản xuất hữu cơ thì giá lên. Tôi đã trực tiếp đi chợ, nắm tình hình tại chợ Phùng Khoang (Hà Nội) nhưng chưa thấy có mức giá cao như thông tin báo chí vừa đưa.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT - Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Trong cuộc họp ngày 18/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có yêu cầu Bộ NN&PTNT phải báo cáo Chính phủ kế hoạch bù đắp nguồn cung và không để dư thừa nguồn cung trong thời gian tới. Hiện nay Bộ NN&PTNT đã có những con số tính toán cụ thể chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng nhằm đánh giá rõ nguồn cung, thị trường từ đó có giải pháp xử lý, sáng 20/11, Bộ NN&PTNT đã họp với Bộ Công Thương, Tài chính, Tổng cục Thống kê để thống nhất đánh giá. Xác định nguồn cung thịt lợn đương nhiên là thiếu, con số thống nhất khoảng 200.000 tấn thịt lợn.
Phó Thủ tướng chỉ đạo bằng mọi giá không để thiếu thịt, nhất là thịt lợn trong dịp Tết nhưng phải đảm bảo được lợi ích các bên là DN, người chăn nuôi, giữ ổn định thị trường chăn nuôi. Việt Nam không dễ có được ngành hàng thịt lợn, hiện nay Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về đầu lợn, có lúc đứng thứ 4 thế giới.
Chúng tôi đã có giải pháp đáp ứng được yêu cầu đó. Bộ NN&PTNT chắc chắn tìm mọi cách để đủ nguồn. Việt Nam là nước nông nghiệp không thể chỉ đi NK về để ăn, “cực chẳng đã” mới phải NK không để thiếu nguồn cung và để ảnh hưởng đến CPI.
Bộ NN&PTNT xác định tăng sản xuất các loại vật nuôi an toàn là gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản... Lựa chọn này là khoa học, phải tái cơ cấu cả về sản xuất ngành chăn nuôi, có tuyên truyền để tái cơ cấu cả bữa ăn hằng ngày, không quá lệ thuộc vào một mặt hàng thực phẩm. Một chút thịt lợn, bò, gà, trứng, thủy sản… mới tạo ra khẩu phần ăn hợp về dinh dưỡng và khẩu vị. Gia cầm vòng đời ngắn, chi phí chăn nuôi thấp. Trong khi nuôi lợn thời gian khá dài, mất tới 6 tháng, lợn nái thì vòng đời cả năm. Theo tôi, vẫn phải tái cơ cấu thay đổi quy mô, giảm chăn nuôi lợn, tăng nuôi những con khác lên.
Một trong những giải pháp quan trọng khác là tái đàn, chỉ đạo công tác tái đàn, không tái đàn ồ ạt tránh tái dịch. 3 tháng nay, Bộ trưởng đã có văn bản chỉ đạo. Một là mở rộng quy mô đàn ở những vùng, cơ sở an toàn dịch. Tái đàn ở chỗ bị dịch thì sau 30 ngày hết dịch phải kiểm tra không có mầm bệnh, kiểm soát được chăn nuôi an toàn sinh học thì địa phương tạo điều kiện để tái đàn. Thịt lợn không chỉ thiếu từ nay đến Tết mà còn thời gian dài nữa. Không tái đàn thì không thể đủ. Tái đàn nhưng không để tái dịch.
Tại Hà Nội, ông đánh giá thực tế, số lợn bị ảnh hưởng DTLCP và số thiếu hụt so với nhu cầu cung cầu như thế nào thưa ông Đăng?
Ông Nguyễn Huy Đăng: Với Hà Nội, thịt lợn chiếm khẩu phần cơ bản trong bữa ăn. Khi chưa có dịch, 1 ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 900-1.000 tấn thịt các loại, trong đó thịt lợn chiếm 60-65%, khoảng hơn 600 tấn. So về tổng đàn, Hà Nội không bị thiệt hại nhiều như các tỉnh. Hầu hết DN chăn nuôi lợn, trang trại lớn đều tránh được, chủ yếu hộ nhỏ lẻ bị dịch.
Chúng tôi dã làm việc với DN, HTX nên tăng thời gian chăn nuôi. Ví dụ, chúng tôi đã làm việc với Công ty CP có hướng là không bán lợn, kéo dài thời gian, nuôi 3 tháng thì lên 4. Con lợn xuất chuồng trước đây có cân nặng khoảng 1-1,1 tạ thì nay lên 1,4-1,5 tạ. Một con giống nhưng năng suất nhiều hơn. Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất giống cũng được khuyến khích gắn luôn với chăn nuôi thương phẩm.
Với các hộ thì thực hiện đúng qua 30 ngày dịch mới được tái đàn. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kết hợp với các tỉnh trong cả nước. Hiện nay, 1 ngày 1 lò mổ Vạn Phúc mổ khoảng 2.000-2.200 con lợn nhưng lợn chủ yếu từ các tỉnh Đồng Nai, Hà Tĩnh… đưa ra. Xung quanh 10 tỉnh ĐBSH chúng tôi đều có phối hợp để đưa lợn về bán trên địa bàn Hà Nội, có kiểm soát.
Từ năm 2013, chúng tôi tham mưu cho thành phố có tái cơ cấu, không tập trung chính vào sản xuất thực phẩm vì giá cao mà Hà Nội chỉ tập trung vào sản xuất con giống và bán cho các tỉnh, các tỉnh nuôi thương phẩm và đưa về Hà Nội. Hà Nội tập trung nuôi các loại không gây ô nhiễm nhiều như gia cầm, thủy sản…
Trước khi có dịch tả lợn, Hà Nội có tổng cộng 19 triệu con gia cầm nhưng hiện nay đã tăng lên 21 triệu con gia cầm. Trong 10 tháng tăng lên 2 triệu con. Dân tập trung nuôi gà, thả đồi thả vườn. Thế mạnh nữa là nuôi vịt. Thịt lợn mùa hè giảm, nhu cầu thịt vịt nhiều. Đàn vịt của Hà Nội đã tăng từ 5 triệu con lên hơn 6 triệu con.
Thiếu thịt lợn thời gian tới dự báo cũng không trầm trọng như các tỉnh bởi Tết thì 40-50% người Hà Nội sẽ về quê.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhắc nhở: "Có việc thương lái, một bộ phận thương nhân "găm hàng" để đẩy giá lên cao. Người sản xuất không được lợi, người tiêu dùng thua thiệt mà trung gian trục lợi” Vậy, theo các ông nhìn nhận, câu chuyên này thực tế như thế nào?
Ông Hoàng Anh Tuấn: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ngành công thương đã chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Thịt lợn không phải hàng đóng gói cất vào mà găm hàng. Thịt lợn hơi hiện nay còn lại chu yếu tập trung ở DN lớn, đâu đó còn một phần nhỏ lẻ thôi. Thông tin thương lái găm hàng, chỉ nằm trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thôi.
Qua làm việc với các DN và ngành nông nghiệp, ngày 22/11, Bộ Công Thương cũng làm việc với UBND TP. Hà Nội về bình ổn thị trường, công tác cung cầu. DN sản xuất nói vẫn cung cấp thịt cho các siêu thị, chợ đầu mối… Chúng tôi sẽ liên tục chỉ đạo, tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo Sở Công Thương kiểm tra kiểm soát, phối hợp với DN sản xuất, chế biến đưa hàng trở lại thị trường cung cấp cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Xuân Dương: Mới đây, Bộ NN&PTNT đã mời 13 DN chăn nuôi đang chiếm thị phần lớn nhất và đại diện 8 tỉnh chăn nuôi trọng điểm của cả nước họp để thống nhất, đánh giá tình hình. Đến tháng 10, giá lợn hơi vẫn ở mức 41.000-43.000 đồng/kg. Tháng 11 mới được 2 tuần lên giá. Lẽ ra DN cứ bán thật cao nhưng DN nhận thức được nên vẫn giữ giá lợn hơi xung quanh trục 60.000-65.000 đồng/kg; tạo ra ngành chăn nuôi bền vững, thị trường kiểm soát được.
Hiện nay, DN đồng tình và giữ giá bán chỉ khoảng 65.000-68.000 đồng/kg. Ví dụ, tại Bắc Giang, Công ty CP bán 68.000 đồng/kg, trong khi vẫn có người bán 75.000 đồng/kg. 13 DN đều đồng thuận với Bộ, Chính phủ để giữ mức giá, giữ được ngành hàng thị trường, nếu không sẽ tình trạng có thực phẩm lậu. Trung Quốc hiện nay giá cao nhưng có những nước dịch bệnh lớn xung quanh Việt Nam hiện đang có giá lợn khá thấp.
Các DN cũng đã chia sẻ những kinh nghiêm, ví dụ tái đàn tại chỗ, sử dụng hóa chất... Vừa rồi chúng ta dùng nhiều hóa chất cộng lại nhưng DN rút ra được hóa chất nào có lợi nhất. DN thông thường hay “giữ miếng” nhưng vừa rồi DN nói hết.
Tuần nay giá thịt lợn rất dịu. Nói chúng ta “vỡ trận” thì những người như chúng tôi buồn. Tôi không đồng tình. Đây là khó khăn thực sự, không được giấu. Không vào cuộc đồng bộ, nhân dân đồng lòng thì không vượt qua được 10 tháng qua.
Ông Nguyễn Huy Đăng: Tại Hà Nội có 2 dạng kinh doanh: Một là không nuôi nhưng mua lại đi bán. Để giá thịt lợn trong nước ổn định một trong những giải pháp là phải kiểm soát tốt xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc. Hiện nay, giá lợn tại Trung Quốc khá cao nên tình trạng buôn bán tiểu ngạch thịt lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc có thể gia tăng, sẽ làm tăng giá lên, cần kiểm soát chặt chẽ.
Thứ hai là các DN kinh doanh lớn, điển hình như Công ty CP. Họ làm khép kín, từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến… hoặc liên kết với nhau, gắn kết với hộ giết mổ công nghiệp, gắn kết với DN lưu thông... Việc lưu thông trong nội thị họ rất có trách nhiệm. Công ty CP bán thấp hơn thị trường từ 2-3 giá, giữ thương hiệu.
Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội - Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Người chăn nuôi vẫn luôn phân vân về thời điểm tái đàn, Hà Nội chỉ đạo việc này như thế nào; theo ông cần những điều kiện như thế nào để tái đàn lứa mới được an toàn?
Ông Nguyễn Huy Đăng: Hiện nay chúng tôi mất 30% tổng đàn. Giá cao như hiện nay các hộ, trang trại đều muốn tài đàn nhưng quan điểm là không cho tái đàn ồ ạt, tránh gây ra dịch. Thành phố có chỉ đạo quận, huyện, xã tái đàn thì phải thực hiện đúng quy định của Bộ NN&PTNT, đồng thời phải báo cáo chính quyền. Lợn phải rõ nguồn gốc nếu lợn từ tỉnh khác phải có kiểm dịch.
Vừa qua chúng tôi có kiểm tra, hiện nay toàn thành phố có khoảng 3.500 hộ đã tái đàn với 290.000 con. Trong đó, có 196 hộ tái đàn mà không khai báo với 7.532 con lợn con. Với các hộ này phải làm cam kết nếu có dịch thì không hỗ trợ, đồng thời bị xử phạt. Kinh nghiệm là tái đàn cũng nên kiểm soát chặt chẽ giữa các tỉnh. Nếu cho tái đàn ồ ạt gây tái phát dịch thì còn nguy hiểm hơn.
Riêng về điều tiết ngành hàng thịt lợn trong 2 năm trở lại đây đã liên tục có những phối hợp liên ngành khi giá lên quá cao và xuống quá thấp. Theo quan điểm của ông, để xây dựng được sựu bền vững của ngành hàng này, cần những yếu tố gì?
Ông Hoàng Anh Tuấn: Với mặt hàng thịt lợn có sự biến động tăng giảm đan xen về giá. Nhìn ở góc độ nhu cầu thị trường với mặt thịt lợn nói riêng và mặt hàng khác nói chung, phải sản xuất theo nhu cầu thị trường, sản xuất theo chuỗi, đảm bảo chất lượng, tăng giá trị gia tăng; phải gắn kết được chuỗi từ sản xuất tới DN phân phối, tiêu dùng. Vừa qua có sản phẩm nông nghiệp ví dụ vải thiều 7-8 năm trước giá thấp nhưng sản xuất quy trình VietGAP mẫu mã tốt thì có giá bán tốt.
Có ý kiến cho rằng DTLCP là cơ hội để cơ cấu lại ngành chăn nuôi, hay nói đúng hơn là thay đổi cơ bản về tổ chức sản xuất trong chăn nuôi lợn – một ngành hàng chiếm số lượng lớn trong chăn nuôi. Các ông nhận định gì về ý kiến này?
Ông Nguyễn Huy Đăng: DTLCP rất nguy hiểm, không có vắc xin. Việc tái cơ cấu đã thực hiện cách đây 5-6 năm, xác định đối tượng vật nuôi chủ lực với mỗi tỉnh thành phố trên cơ sở tiềm năng, lợi thế từng vùng. Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu. Nếu không tái cơ cấu, tiếp tục chăn nuôi lợn tự do thì có được có mất, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ không kiểm soát được.
Luật Chăn nuôi sẽ tăng cường chăn nuôi quy mô, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu. Một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chuyển sang nuôi gà thả vườn, chăn nuôi bò thịt… Hà Nội đưa ra tái cơ cấu chăn nuôi bò thịt rất trúng, nhiều hộ đã bỏ nuôi lợn sang nuôi bò cái sinh sản và bò thịt rất hiệu quả.
Ông Hoàng Anh Tuấn: Phải nhìn như nhu cầu thị trường để sản xuất. Ngành nông nghiệp vừa qua đã đẩy mạnh tái cơ cấu không chỉ riêng với chăn nuôi mà tổng thể. Trước kia chúng ta không đáp ứng nhu cầu người dân, đâu đó trước đây vẫn phải NK nông, lâm, thủy sản. Hiện nay, nhiều mặt hàng không chỉ đảm bảo nhu cầu trong nước mà còn XK. Cần sản xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo được sự phát triển bền vững, kiểm soát được dịch bệnh.
Ông Nguyễn Xuân Dương: Không ai muốn đây là thời cơ, cơ hội, đây là áp lực buộc việc tái cơ cấu đã có phải thành mệnh lệnh, buộc phải tái cơ cấu. Đừng áp lực lên con lợn nữa mà cần san sang, tiến hành tái cơ cấu về phương thức chăn nuôi. Đừng mong một sớm một chiều kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi. Các nước dù có dịch vẫn phát triển được chăn nuôi lợn bằng chăn nuôi an toàn sinh học, chia sẻ lợi nhuận giữa các tác nhân, người chăn nuôi, DN, HTX kiểm soát dược an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, kiểm soát được thị trường.
8,8% sản lượng thịt bị mất đi trong tổng cung ngành hàng thịt có thể không quá lớn, nhưng thiết hụt nguồn cung cục bộ, tâp trung ở những khu vưc chăn nuôi lớn đang ảnh hưởng đến an ninh an toàn lương thực nghiêm trọng. Bài toán về kiểm soát dịch, giữ ổn định thị trường cho ngành hàng thịt lợn nói riêng và cả ngành chăn nuôi nói chung chưa bao giờ dễ dàng. Hy vọng với những trao đổi của các vi khách mời hôm nay chúng ta sẽ có được cái nhìn tổng thể hơn về câu chuyện phòng chống DTLCP và việc xây dựng ngành chăn nuôi được bền vững hơn thời gian tới.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ